"Biệt dược" trị bệnh trong tổ chức đảng
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:00, 16/12/2021
Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hình thức trực tuyến sáng 9.12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví các Chỉ thị, Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hay quy định về nêu gương... giống như "biệt dược" giúp chúng ta phòng chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị.
Những "biệt dược" này cũng giúp cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Tôi rất tâm đắc với cách dùng hình ảnh này. Trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và gần 1 năm của nhiệm kỳ Đại hội XIII, chúng ta đã nhìn thấy những "liều thuốc" trên phát huy tác dụng. Những cái tên như Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Nguyễn Đức Chung hay mới đây là Trương Quốc Cường cùng nhiều cán bộ cao cấp khác lần lượt bị kỷ luật và phải chịu trách nhiệm hình sự cho những sai phạm của mình cho thấy dù đau xót, song sự quyết liệt trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã giúp nhiều người tỉnh ngộ. Kỷ luật một người để cứu nhiều người, kỷ luật nghiêm để Đảng mạnh, để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng là việc phải tiến hành thường xuyên.
Thuốc đắng giã tật. Nhưng dùng thuốc thế nào phụ thuộc rất lớn vào ý chí, quyết tâm của người bệnh và cả việc kê đơn của bác sĩ. Tôi biết có nhiều chi bộ, khi phát hiện đảng viên của mình có biểu hiện chạy theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ lo làm lợi cho bản thân mà không vì lợi ích chung đã không chấn chỉnh, nhắc nhở ngay, dẫn đến vi phạm của đảng viên ngày càng nghiêm trọng. Lý do chính của sự chần chừ, thiếu quyết liệt trong giáo dục đảng viên của các chi bộ chủ yếu là do ngại va chạm, né tránh việc phê bình, nhất là khi đảng viên vi phạm được cho là có người "chống lưng" vững chắc. Tình trạng người nọ nhìn người kia, nghe ngóng, đi sau trong góp ý phê bình tại các cuộc kiểm điểm cuối năm đã minh chứng điều này. Đây cũng là lý do để nhiều đảng viên biết mình sai nhưng không sửa vì cho rằng không ai dám làm gì mình cả. Từ những vi phạm nhỏ lâu dần dẫn đến vi phạm lớn hơn, đến khi phải đưa ra xử lý kỷ luật thì đã gây ra hậu quả thường rất nghiêm trọng.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", tinh thần này không chỉ đúng về bệnh lý của con người mà với cả các "căn bệnh" của các tổ chức đảng. Để phòng chống suy thoái, tham nhũng, cần trị tận gốc các biểu hiện vụ lợi cá nhân, đùn đẩy né tránh việc khó. Thuốc chữa bệnh, vaccine phòng ngừa bệnh đều đã có. Việc còn lại là của các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
HOÀI ANH