Về quê đón Tết, nhiều người lo thời gian nghỉ không đủ để cách ly
Đời sống - Ngày đăng : 14:46, 16/12/2021
Cuối năm, tiết trời Sài Gòn se lạnh. Chỉ hơn một tháng nữa đã đến Tết âm lịch, giờ này mọi năm, Lê Thúy (28 tuổi, quê Quảng Trị) đã đặt mua vé máy bay về quê xong xuôi, đồ đạc, quà Tết cũng đã sắm đâu vào đấy. Còn năm nay, cô chẳng còn tâm trạng cho những chuyện này.
"Mình đang phân vân không biết có nên về quê hay không. Với tình hình hiện tại, chắc đến 70-80% sẽ ăn Tết ở Sài Gòn. Cha mẹ ở quê mới thông báo địa phương sẽ cách ly 7 ngày tại nhà với người về từ TP Hồ Chí Minh", Thúy nói.
Giờ tan tầm, dừng xe chờ đèn đỏ ở ngã tư, nghe thấy những bản nhạc xuân được các hàng quán gần đó bật lên, cô chỉ thấy khó chịu, chạnh lòng và buồn.
Nhiều người băn khoăn về kế hoạch về quê đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Duy Hiệu |
Thời gian nghỉ Tết không đủ để cách ly
Thúy là nhân viên ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh. Cuối năm luôn là thời điểm bận rộn nhất nên mọi năm cô đều về quê ăn Tết vào ngày 28-29 tháng chạp. Thời gian nghỉ cũng không được nhiều. Đến mùng 4-5, cô đã chuẩn bị vào lại thành phố, quay lại với công việc.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương ra quy định cách ly ít nhất 7 ngày với người dân về từ vùng dịch, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Quy định này khiến những lao động xa quê như Thúy phải cân nhắc lại quyết định đón Tết cùng gia đình.
“Mình chỉ được nghỉ Tết khoảng một tuần nhưng buộc cách ly 7 ngày, chưa kể thời gian di chuyển. Tính ra thời gian nghỉ không đủ để cách ly y tế tại nhà, như vậy thì chẳng ai dám về”, Thúy nói.
Tương tự, Thúy kể nhiều bạn bè, đồng nghiệp của cô cũng đang xem xét ở lại TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán. “Trước mắt, chưa ai dám đặt hay mua vé tàu, xe, máy bay về quê vì không lường trước được tình hình dịch bệnh cũng như các quy định cách ly y tế của địa phương”.
Hai năm liên tiếp, Thu Uyên không về quê đón Tết cùng gia đình vì lo ngại dịch bệnh. Ảnh: NVCC |
Trong khi đó, Thu Uyên (26 tuổi, quê Gia Lai) xác định những đợt nghỉ lễ sắp tới sẽ không về quê. Năm ngoái, vì tình hình dịch bệnh nên cô cũng đã một mình ở lại TP Hồ Chí Minh ăn Tết.
“Mình không về vì dịch bệnh đang bùng phát cả ở TP Hồ Chí Minh lẫn ở quê. Mặc dù đã tiêm đủ vaccine và biết cách bảo vệ bản thân, cũng không thể nào nói trước được điều gì”.
Từng tham gia tuyến đầu trong đợt dịch thứ 4 ở TP Hồ Chí Minh, Uyên nói cô không lo sợ cho bản thân mà nghĩ nhiều hơn cho người thân, gia đình ở quê. “Hơn nữa, mình cũng lo trong quá trình di chuyển hay nếu về quê phải đi cách ly tập trung, khả năng lây nhiễm, mang virus về nhà là rất cao”.
Nghe tin con gái không về ăn Tết cùng gia đình, mẹ Uyên rất buồn. “Mẹ mình nói hay gắng về trước để cách ly xong ăn Tết ở nhà. Nhưng mình sợ lỡ lây nhiễm cho mọi người thì lại thêm một gánh nặng và áy náy”.
Không chắc chắn
Từ đầu tháng 12, khi số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng mạnh, Hà (26 tuổi, quê Nghệ An), đang là nhân viên văn phòng tại Bình Dương, cảm thấy lo lắng về lịch về quê ăn Tết Nguyên đán.
Hàng năm, công ty của Hà được nghỉ từ ngày 27 âm lịch, khoảng mùng 5 Tết cô phải chuẩn bị quay lại văn phòng.
Tuy nhiên, hiện tại địa phương cô đang áp dụng quy định những người về từ vùng dịch (trong đó có Bình Dương) sẽ phải tự cách ly 7 ngày tại nhà.
“Mình rất băn khoăn, lo lắng về các quy định phòng dịch. Nếu cách ly 7 ngày, có nghĩa suốt 3 ngày Tết mình chỉ được ở nhà, không thể đi chơi ở đâu cả. Năm nay có lẽ không nhiều người đi du xuân vì lo ngại dịch, nhưng mình vẫn muốn đi thăm họ hàng, gặp gỡ bạn bè cũ”.
Theo dõi diễn biến dịch bệnh và các quy định phòng dịch có thể thay đổi mỗi ngày, Hà vẫn chưa quyết định được năm nay có về quê đón Tết hay không.
“Sau một năm đi làm xa, mình thực sự muốn về đoàn tụ với người thân. Tuy nhiên, mình đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng ở quê đa phần mọi người chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi nên cũng sợ bản thân vô tình mang dịch bệnh về nhà”.
Điều Kiều Anh lo nhất lúc này là không thể về nhà đón Tết. Ảnh: NVCC |
Những ngày gần đây, khi quê nhà Cà Mau ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh, có ngày đứng đầu cả nước về số ca dương tính mới, Kiều Anh (sinh viên năm cuối Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) rơi vào trạng thái bất an.
“Mình liên tục theo dõi thông tin để đặt vé máy bay, nhưng đến giờ vẫn không thể chắc chắn có thể về hay không. Khi tình hình càng phức tạp, những cuộc gọi về nhà cũng có cảm giác nặng nề hơn, mọi người đều lo lắng”.
Về quê sẽ phải cách ly tại nhà 7 ngày nên Kiều Anh đã sắp xếp lịch để về sớm hơn. Mọi năm, cô thường về nhà những ngày cận Tết, không bao giờ phải đắn đo chuyện phương tiện đi lại hay thời gian.
“Năm nay thì khác, mình chuẩn bị kế hoạch sớm hơn cả vài tháng. Sợ đi xe khách có thể lây nhiễm bệnh, nên mình chọn đi máy bay. Ở nhà còn có ông bà, trẻ nhỏ nên mình hạn chế mọi trường hợp có thể gây lây nhiễm, không dám tụ tập hay đi du lịch trong thời gian này”.
Năm nay, Kiều Anh quyết định sẽ đón một cái Tết dài ngày, dành thời gian để thực sự sum vầy với gia đình. Cô đã sắp xếp để bàn giao lại hết công việc, sẽ ở lại quê khoảng một tháng cho tới kỳ thực tập vào tháng 3.
“Điều mình sợ nhất lúc này là dịch căng thẳng, quê mình có thể phong tỏa và không thể về. Cảm giác không biết ngày mai sẽ có chuyện gì xảy đến, mình chỉ muốn được bình an về sum họp với gia đình thôi”.
Theo Zing