Thế chân vạc trên thị trường ô tô Việt
Thị trường - Ngày đăng : 16:36, 16/12/2021
“Cuộc đua tam mã” là cụm từ quen thuộc được nhắc đến khi tổng kết về thị trường ô tô Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây. Ba cái tên góp phần tạo thành thế chân vạc, liên tiếp cạnh tranh nhau ở mảng xe du lịch gồm có Toyota, Hyundai cùng Thaco, tức Trường Hải với các thương hiệu Mazda, Kia và Peugeot.
Theo số liệu bán hàng công bố từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), TC Motor và VinFast đến hết tháng 11 vừa qua, chiếc bánh thị phần trong năm 2021 đã được hình thành rõ nét, vẫn là sự áp đảo của 3 cái tên kể trên. Tuy nhiên, diễn biến chi tiết bên trong và mối tương quan giữa các thương hiệu đã có nhiều chuyển biến mới đáng chú ý so với các năm trước.
Kia giúp Thaco dẫn đầu top 3
Hiện tại, tổng thị phần ô tô du lịch mà Thaco nắm giữ thông qua đội hình Mazda, Kia và Peugeot là 24,2%, nhiều hơn Toyota (20,15%) và Hyundai (19,04%). Đây là kết quả tương ứng với thời điểm tháng 11.2020 và cả năm 2020 khi bộ 3 của Thaco cùng nhau dẫn đầu thị trường.
Điểm khác biệt so với giai đoạn 2019 trở về trước là vai trò chủ lực của Mazda đã bị thay thế bởi Kia. Hãng xe Nhật Bản không còn duy trì được doanh số ổn định ở các phân khúc quan trọng như sedan hạng C, hạng D và phần nào là SUV 5 chỗ. Trong khi đó, sedan và SUV cỡ B chưa thể bứt phá như kỳ vọng khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh.
Từ vị trí đối trọng chính của Toyota và Hyundai, Mazda nay chỉ còn là “kép phụ” trong đội hình của Thaco khi suốt thời gian qua của năm 2021, hãng chỉ có được khoảng 8% thị phần. Doanh số tích lũy của Mazda đến cuối tháng đạt 22.015 chiếc, xếp sau Kia (38.164 xe), VinFast (32.676 xe) và cả Mitsubishi (22.501 xe).
Về phía Kia, thương hiệu “anh em” với Hyundai cho thấy mình là cái tên đáng gờm khi liên tiếp tăng trưởng doanh số và vươn lên trở thành hãng xe bán chạy thứ 3 toàn thị trường trong năm 2020.
Kết quả này đến từ việc Kia được cập nhật loạt sản phẩm mới hấp dẫn hơn Mazda để thu hút khách hàng. Những mẫu xe đáng chú ý đang có doanh số tốt có thể kể đến Seltos, K3, Sorento hay mới đây là Carnival và Sonet.
Peugeot cũng đang từng bước cải thiện được tình hình kinh doanh sau năm 2019 suy giảm doanh số. Đến nay, hãng xe Pháp đã bán được gần 5.800 chiếc, cao hơn doanh số của cả năm 2020 (4.411 xe).
Các mẫu SUV mới như 2008, 3008 hay 5008 facelift mang đến cho Peugeot 2,12% thị phần, đồng thời góp phần giúp Thaco có được khoảng cách an toàn so với Toyota và Hyundai trong cuộc đua năm 2021.
Toyota lật ngược tình thế trước Hyundai
Sau năm 2020 đánh mất vị trí thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam vào tay Hyundai, Toyota nhiều khả năng sẽ lấy lại được ngôi vị này khi kết quả được “chốt sổ” vào cuối năm nay.
Trải qua 3 quý bám đuổi nhau sát sao, đến nay, Toyota đã tạo được cách biệt khoảng 3.000 xe so với đối thủ Hàn Quốc. Lượng ô tô du lịch mà hãng xe Nhật Bản bán ra tính đến hết tháng 11 đạt 54.925 chiếc, tương đương 20,15% thị phần.
Corolla Cross trở thành mẫu xe quan trọng của Toyota với doanh số sau 11 tháng gần 14.000 chiếc. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Kết quả tương ứng của Hyundai là 51.906 chiếc (không bao gồm xe thương mại và xe chuyên dụng), tức khoảng 19% thị phần trong lượng xe bán ra của 11 thương hiệu ô tô có công bố doanh số tại Việt Nam.
Dù Vios, Innova hay Fortuner không còn giữ được phong độ khi chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ, Toyota nay đã có át chủ bài mới là Corolla Cross. Mẫu SUV 5 chỗ đóng góp lớn vào doanh số chung của Toyota Việt Nam và trở thành dòng xe bán chạy thứ 2 của hãng.
Trong khi đó, Hyundai có phần chững lại so với cùng kỳ năm trước khi doanh số Grand i10 suy giảm mạnh trước sự vươn lên của VinFast Fadil. Ngoài ra, việc trì hoãn giới thiệu thế hệ mới của Kona hay Elantra cũng khiến Hyundai đánh mất lợi thế ở 2 phân khúc từng là thế mạnh của mình.
Doanh số Hyundai Grand i10 thấp hơn cùng kỳ năm trước. Ảnh: TC Motor |
Bù lại, Accent, Tucson và Santa Fe vẫn đang hoàn thành tốt nhiệm vụ với kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước, giúp Hyundai duy trì thế cạnh tranh tay đôi với Toyota dù thua kém về số lượng dòng xe.
Trong tháng 12, cả Toyota và Hyundai đều đang tăng tốc bằng các chương trình ưu đãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng cũng như thêm động lực trong chặng cuối của cuộc đua doanh số năm 2021.
Đơn cử có thể kể đến Vios hay Accent tiếp tục được khuyến mại dù thuộc diện được giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước, hay như Corolla Altis và Elantra được giảm giá sâu để cải thiện doanh số.
Fadil “gánh vác” thành công của VinFast
Là hãng xe nắm giữ gần 12% thị phần, VinFast đã vượt qua nhiều nhà sản xuất dày dạn kinh nghiệm để vươn lên vị trí thứ 4 về lượng xe bán ra tính riêng cho một thương hiệu tại Việt Nam trong năm 2021.
Gần như không có cơ hội để Mazda, Mitsubishi hay Ford có thể vượt mặt VinFast trong tháng 12, khi mà hãng xe Việt Nam đã tạo được khoảng cách rất an toàn, hơn 10.000 chiếc so với nhóm bám đuổi phía sau.
VinFast Fadil là dòng xe bán chạy nhất trong năm 2021 tại Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Doanh số hơn 32.600 xe tính đến tháng 11 cũng đã vượt kết quả kinh doanh cả năm trước của VinFast (gần 29.500 chiếc). Thành tích này đến từ VinFast Fadil - mẫu ô tô gần như chắc chắn giành được vị trí xe bán chạy nhất Việt Nam năm nay với 22.375 chiếc lăn bánh, tính đến giữa quý IV.
Nhiều tháng liền, Fadil được giảm giá sâu và dễ dàng đứng đầu bảng xếp hạng doanh số, xếp trên cả Toyota Vios và Hyundai Accent. Hai dòng sedan hạng B của Toyota và Hyundai hiện có hiện doanh số tích lũy khoảng 17.000 chiếc.
Những vị trí tiếp theo cũng có sự xáo trộn khi Honda để cho Mitsubishi và Ford qua mặt. Hãng xe Nhật Bản gặp khó khăn khi CR-V không còn hút khách như năm trước, còn City chỉ phần nào đáp ứng được kỳ vọng chứ không thể trở thành đầu tàu như Xpander hay Ranger.
Trong khi đó, Suzuki đang từng bước tăng trưởng thị phần nhờ vào XL7, mẫu xe đáp ứng được thị hiếu của người dùng Việt Nam nhờ thiết kế bắt mắt và giá bán phù hợp. Còn Isuzu tiếp tục loay hoay ở cuối bảng xếp hạng khi D-max mới bán nhỏ giọt, còn mu-X đã hết hàng và chờ đợi ra mắt đời xe mới.
Theo Zing