9 đường bay quốc tế thường lệ chuẩn bị khởi động trở lại

Kinh tế - Ngày đăng : 22:30, 16/12/2021

Tối 16.12, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, chúng ta sẽ mở lại đường bay quốc tế thường lệ theo hai giai đoạn; trong đó, giai đoạn một kết nối với 9 thị trường và giai đoạn hai nâng lên 15.

Chú thích ảnh

Máy bay các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa

Cụ thể, vừa qua ngành hàng không đã 3 lần xây dựng các kịch bản mở đường bay quốc tế để đàm phán với đối tác trên cơ sở chính sách nhập cảnh, kiểm soát y tế tại Việt Nam.

Theo kịch bản mới nhất, giai đoạn 1 Việt Nam sẽ mở 9 đường bay quốc tế với điểm đến là những thị trường truyền thống của các hãng hàng không Việt Nam cũng như của các hãng sở tại gồm: Việt Nam - Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đoàn Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ).

“Qua việc mở đường bay thường lệ trở lại sẽ kích thích nhu cầu đi lại của người dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên tới Việt Nam một cách bình thường thay vì phải di chuyển, trung chuyển qua các địa bàn khác. Đồng thời, đây cũng là lộ trình từng bước mở lại đường bay, tránh gây tâm lý lo sợ trong dư luận về dịch bệnh”, ông Võ Huy Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Võ Huy Cường, giai đoạn 2 sẽ thực hiện sau khi kết thúc giai đoạn 1, ngoài 9 thị trường nêu trên, ngành hàng không đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sydney (Australia) và Moscow (Liên bang Nga).

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường nhấn mạnh, sau đó các cơ quan chức năng sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện để mở lại bình thường như thời điểm trước dịch.

Liên quan đến công tác chuẩn bị của các hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines cho biết, từ rất sớm hãng đã chuẩn bị quy trình khai thác trở lại an toàn, chuẩn bị đối tác cung ứng dịch vụ, lữ hành, cơ sở lưu trú và xây dựng các chương trình cụ thể khi mở lại thị trường.

Còn theo ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc thương mại Bamboo Airways, nhu cầu đi lại của người Việt Nam trên thế giới rất cao, hãng đã có được các slot bay đến sân bay lớn ở Mỹ, Pháp mà bình thường rất khó tiếp cận. Hãng cũng đã mua máy bay thân rộng, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng bay quốc tế khi Chính phủ cho phép.

Ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Vietjet miền Bắc (Công ty cổ phần hàng không Vietjet) nhận định, giai đoạn vừa qua như thời gian "nén lại" của hoạt động hàng không, chờ đến lúc để bật lên mạnh mẽ. Người dân khắp nơi đều rất mong đợi được di chuyển bình thường trở lại.

Để phục vụ cho việc mở lại đường bay quốc tế, chiều 16/12, Bộ Y tế chính thức có Hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COIVD-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam từ ngày 1/1/2022.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký nêu rõ quy định áp dụng với người nhập cảnh Việt Nam (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc ngắn ngày và các trường hợp nhập cảnh khác theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế hoặc có thỏa thuận hợp tác song phương).

Cụ thể, yêu cầu chung phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi). Thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh; khi nhập cảnh Việt Nam phải cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-COVID để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của Việt Nam (đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì khuyến khích sử dụng).

Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19 (tiêm miễn phí) trong thời gian thực hiện cách ly (nếu đủ điều kiện).

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh: người nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh); không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi (sau đây gọi chung là trẻ em), người từ 65 tuổi trở lên (sau đây gọi chung là người cao tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc.

Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm COVID-19; thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như đối với người nhập cảnh…

Theo TTXVN