Cam đường Hải Dương - sản vật tiến vua

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 10:52, 18/12/2021

Ngoài quả vải, Hải Dương còn có 1 loại quả khác cũng từng được tiến vua là cam đường.

Dưới triều Nguyễn, mỗi khi Tết đến xuân về, cam đường Hải Dương đều được dâng lên nhà vua. Trong ảnh: Ngày nay, cam đường ở xã Thất Hùng (Kinh Môn) mang lại thu nhập cao cho người dân

Ẩm thực phong phú của Việt Nam từ thời xa xưa bao gồm hàng trăm, hàng nghìn món ăn đặc sắc. Một phần nhỏ trong số những món ăn đó đã được chọn để đưa vào cung đình dâng tiến lên các bậc vua chúa. Những món ăn được cung tiến đều có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị tuyệt vời, hiếm thấy.

Những sản vật tiến vua được mệnh danh là “vua của các loại đặc sản”, có thể kể đến là cốm làng Vòng của đất Thăng Long, sa lê Cao Bằng, gạo mới Thừa Thiên, mắm rươi Nam Định, dưa hấu Quảng Bình... Ngoài quả vải, Hải Dương còn có 1 loại quả khác cũng từng được tiến vua là cam đường. Một số ván khắc thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, minh chứng cho việc cung tiến quả cam đường ở Hải Dương vào kinh dưới triều Nguyễn mỗi khi Tết đến xuân về.

Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 17, ghi về quả cam đường tỉnh Hải Dương như sau: “Cam đường: có một tên nữa là cam nhũ, sản ở các xã Vũ Xá, Nhũ Tĩnh, Đồng Quang, huyện Tứ Kỳ và Lực Đáp, Hòa Ung huyện Vĩnh Lại, quả nhỏ, vị ngọt và thơm, có lệ cống”.

Cam đường Hải Dương với hương vị thơm ngon, mát ngọt đã được chọn làm vật phẩm để dâng tiến lên các vua Nguyễn và rất được các vua yêu thích.

Ngay từ triều vua Gia Long đã có lệ tiến cống cam đường Hải Dương. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 120, mặt khắc 20 có ghi: “Gia Long năm thứ 11 (1812), vua chuẩn lời tâu: phàm gặp lễ tế hưởng, Bắc Thành (Hải Dương) chi tiền kho ra tìm mua cam đường để cung tiến vào lễ tế hưởng mùa xuân, lễ tế hưởng mùa đông, mỗi lễ đều 1.500 quả, lễ tế hưởng mùa hạ 4.200 quả. Lại chuẩn lời nghị hạt Hải Dương thường năm cam đường chín, cứ 15 ngày một kỳ, chọn mua 300 quả tiến nộp”.

Lệ tiến cống ấy vẫn được tiếp tục ở triều vua Minh Mạng và các triều vua sau như: “Minh Mạng năm đầu (1820), xuống dụ: trước đã có lệ định, cam đường ở Bắc Thành đến kỳ chín, lệ phải kính dâng các ngày lễ tôn miếu và 15 ngày một kỳ đệ nộp, nay chuẩn định: hễ gặp các lễ dâng cơm mới ở tôn miếu thì đúng kỳ chọn mua để kính dâng, còn 15 ngày thường nộp một kỳ”.

Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi về việc tỉnh Hải Dương dâng tiến cam đường lên triều đình đã có từ thời vua Gia Long (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Dâng sản vật địa phương cho triều đình là niềm vinh hạnh nhưng cũng tốn không ít sức dân. Vua Minh Mạng nhiều lần giảm thổ sản và số lượng để bớt việc cho những người liên quan. Năm 1833, vua xuống chỉ: “Từ sau, phàm tỉnh Hải Dương cho mua cam đường đệ nộp, đã dâng tiến vào lễ tế hưởng thì Tết Nguyên đán không phải tiến lên nữa để bớt việc cho bưu trạm”.

Đến năm Bính Thân (1836), vua tiếp tục cho tỉnh Hải Dương giảm bớt việc dâng tiến cam đường, một năm chỉ dâng tiến 2 lần là vào tháng 11 và tháng 12. Vua dụ bảo bộ Lễ rằng: “Dâng tiến các thổ sản cũng là lễ kẻ dưới cung phụng người trên, nhưng đường sá xa xôi chẳng nỡ để dân phải nhọc nhằn về việc chạy trạm đem tiến. Vậy chuẩn định từ nay phàm gặp những ngày tế Xuân hưởng ở các miếu và ngày tiết Thánh thọ tháng 11, Hải Dương theo lệ dâng tiến cam đường; tháng 12 ngày kỵ ở điện Phụng Tiên, đều theo như lệ đã định: Hải Dương tiến cam đường, Nam Định tiến mắm rươi. Còn đều cho thôi hết”.

Cùng năm đó, vị vua thứ hai triều Nguyễn xuống dụ về việc chi trả tiền công cho các địa phương có dâng tiến sản vật, trong đó 100 quả cam đường Hải Dương được trả 2 quan tiền. Việc tiến dâng cam đường được các vua đã đặt lệ định, nhưng trong quá trình tiến dâng nếu xảy ra sơ suất thì đều bị nghiêm trị. 

Dưới thời vua Thiệu Trị và vua Tự Đức đều có lệ định về việc dâng cam đường. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 120, mặt khắc 20 ghi như sau: “Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), lệ định: Gặp ngày giỗ ở điện Hiếu Tư, tỉnh Hải Dương tìm dâng 300 quả cam đường. Năm Tự Đức nguyên niên (1848), lệ định: Gặp ngày sinh nhật Thuận Thiên Cao hoàng hậu, tỉnh Hải Dương tìm chọn mua tiến 300 quả cam đường”.

Trải qua thời gian, giờ đây cam đường Hải Dương đã được nhân giống và trồng nhiều nơi khắp cả nước, tuy nhiên về độ thơm ngon ngọt, cam đường Hải Dương vẫn nức tiếng hơn cả. Đó là niềm vui, niềm vinh dự lớn cho địa phương.

THƠM QUANG