Một số trường đại học tiếp tục tổ chức thi riêng để tuyển sinh

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:52, 18/12/2021

Năm 2022, một số trường đại học tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Xu hướng sử dụng chung kết quả các kỳ thi này cũng tăng lên so với trước đó.

Các trường đại học đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2022 và triển khai tư vấn cho thí sinh. Trong đó, một số trường cho hay họ sẽ tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng.

Năm 2022 được dự báo là năm nở rộ các kỳ thi đánh giá năng lực

Đánh giá năng lực thí sinh phù hợp

Thực hiện tự chủ trong tuyển sinh theo Luật Giáo dục Đại học, tiến tới đa dạng phương thức tuyển sinh, 2022 có thể là năm đầu tiên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt cho thí sinh. Kỳ thi này đã được trường chủ trương thực hiện từ năm 2021 nhưng phải hủy vì dịch Covid-19.

Đại diện nhà trường cho hay với một số ngành học, thí sinh dự thi cần có năng lực chuyên biệt cụ thể, phù hợp tính chất của ngành học. Kỳ thi giúp thực hiện mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, tự chủ tuyển sinh, đồng thời hướng đến việc tuyển chọn thí sinh có năng lực chuyên biệt, phù hợp yêu cầu đầu vào của các ngành học mang tính đặc thù của trường.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt có 6 bài thi, mỗi bài đánh giá năng lực một trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành học.

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho biết tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, kỳ thi của trường đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Thí sinh chỉ cần làm bài thi duy nhất với 120 câu trong 150 phút, không cần thuộc và nhớ nhiều kiến thức, không cần luyện thi.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến kỳ thi được tổ chức thành hai đợt. Đợt một vào cuối tháng 3 và đợt hai vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7.2022 với nhiều điểm tổ chức ở địa phương khác nhau, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh trên cả nước dự thi.

Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhiều đợt hơn, với khoảng 7 đến 8 đợt, bắt đầu ngay từ tháng 2, kéo dài đến tháng 8.2022.

Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc tổ chức nhiều đợt thi tương ứng với xu thế tuyển sinh nhiều đợt mà các cơ sở giáo dục đại học ở nhiều quốc gia đã làm, tạo điều kiện cho thí sinh có thể thi nhiều lần để cải thiện điểm số, đồng thời giảm áp lực thi cử cho các em.

Cơ sở vật chất chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mở rộng xu hướng dùng chung kết quả

Theo các chuyên gia giáo dục, Bộ GD&ĐT điều chỉnh mục tiêu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ nhằm xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh, giảm độ khó và mức phân loại trong đề thi. Các trường đại học ngày càng phải tính toán điều chỉnh phương thức xét tuyển theo hướng giảm chỉ tiêu, cũng như mức độ phụ thuộc kết quả của kỳ thi này.

Trong khi đó, phương thức xét tuyển dựa trên học bạ, dù đã được nhiều trường áp dụng, chưa thực sự tạo được tin tưởng về chất lượng. Ngoài ra, yêu cầu đánh giá năng lực thí sinh theo cách thức mới để kiểm tra khả năng phù hợp của thí sinh với việc học đại học theo từng khối ngành cũng ngày càng được các trường chú trọng.

Vì thế, việc các trường đại học lớn tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng là xu hướng tất yếu. Với các trường có quy mô nhỏ hơn hoặc hạn chế về nhân lực, chuyên môn phù hợp việc tổ chức thi thì sử dụng kết quả kỳ thi riêng của các trường lớn làm căn cứ xét tuyển là lựa chọn phù hợp.

Nếu năm 2021, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ dùng để xét tuyển vào một số ít trường thì năm nay, trên 30 trường đại học đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển như Đại học Thái Nguyên, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Vinh. Con số này có thể tiếp tục tăng lên.

Ở khu vực phía Nam, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vẫn nhận được sự ủng hộ của các trường trong việc dùng điểm kỳ thi này để xét tuyển.

Năm nay, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên dự kiến phối hợp công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau và sử dụng kết quả các bài thi này để tuyển sinh.

Đại diện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay trong đề án tuyển sinh năm 2022 và những năm tiếp theo, đại học này và các trường thành viên dự kiến sẽ dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong khi đó, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang hướng tới trở thành điểm thi tuyển sinh chung của các trường, trước hết là khối trường kỹ thuật.

Sử dụng đa dạng phương thức và sử dụng chung kết quả các kỳ thi trong tuyển sinh cũng là khuyến nghị của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh nhưng không khiến các em phải dự quá nhiều kỳ thi.

Theo Vietnam+