"Thủ phủ" mai vàng lớn nhất miền Trung, thấp thỏm vì nỗi lo Covid-19

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:12, 18/12/2021

"Mọi năm, thời điểm này lái buôn ở khắp các tỉnh thành đã đến xem mai, đặt cọc. Nhưng năm nay chưa có ai đến hỏi, kể cả bạn hàng thân thiết…", một nông dân trồng mai Tết ở Bình Định lo lắng.
Thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung, thấp thỏm vì nỗi lo Covid-19 - 1

Ông Nguyễn Văn Châu (62 tuổi, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, Bình Định) bên gốc mai có nguy cơ chết do bị lũ cuốn.

Đến thời điểm này, hàng ngàn hộ trồng mai Tết ở các xã, phường của thị xã An Nhơn- nơi mệnh danh là "thủ phủ" mai vàng của miền Trung vẫn thấp thỏm lo không tiêu thụ được hàng triệu chậu mai, vì dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Hàng năm, bắt đầu tháng 11 âm lịch, không khí tại các làng mai ở An Nhơn đã nhộn nhịp. Trong khi người trồng mai tất bật chăm sóc, tạo dáng thế… thì đây cũng là thời điểm lái buôn khắp nơi đổ về các làng mai dạo xem "hàng" rồi đặt cọc tiền trước.

Đến đầu và giữa tháng Chạp, hàng triệu chậu mai lũ lượt lên các chuyến xe tải tỏa đi khắp cả nước để bán dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng, năm nay không khí rất đìu hiu. Người trồng mai như ngồi trên đống lửa, vì lo từ nay đến cuối năm dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp.

Giữa những ngày trời mưa dầm dề do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, anh Nguyễn Minh Hậu (36 tuổi, thôn Háo Đức, xã An Nhơn, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), canh cánh bên ruộng mai trên 2.000 chậu lo chăm sóc để chuẩn bị bán dịp Tết Nguyên đán. Anh Hậu, chia sẻ: "Cả năm ròng trồng mai chỉ trông chờ mỗi dịp Tết, nhưng cứ tình hình dịch bệnh kiểu này thì người trồng mai lỗ chắc. Vốn đầu tư cho trồng mai rất lớn, nào là thuê công trồng, tiền thuê đất, thuốc bảo vệ thực vật… mà không bán được thì không có vốn tái đầu tư vụ Tết năm sau".

Thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung, thấp thỏm vì nỗi lo Covid-19 - 2

Những năm gần đây, mỗi năm doanh thu từ bán mai Tết ở thị xã An Nhơn đạt khoảng 120 tỷ đồng.

Theo anh Hậu, năm ngoái dù cũng ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng khoảng 20 tháng Chạp dịch mới bùng phát nhiều. Thời điểm đó, người trồng mai cũng đã xuất bán được số lượng lớn mai nên cũng gỡ được tiền vốn.

"Xã Nhơn An là cái nôi trồng mai Tết, người dân sống nhờ vào trồng cây mai vàng. Bình thường, thời tiết thuận lợi, không dịch bệnh thì người dân cũng thu nhập khá. Nhưng năm nay, đến thời điểm này chưa có lái buôn đến hỏi mua hay đặt cọc tiền trước", anh Hậu nói.

Với trên 4.000 chậu mai, ông Nguyễn Văn Châu (62 tuổi, khu phố Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, Bình Định) cho hay, vụ mai Tết này dự kiến ông sẽ xuất bán khoảng 500 cây. Tuy nhiên, ông Châu lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp không chỉ gia đình ông mà người trồng mai lo mất Tết.

Thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung, thấp thỏm vì nỗi lo Covid-19 - 3

Anh Nguyễn Minh Hậu lo lắng vì đến thời điểm này chưa lái buôn nào hỏi mua mai do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

"Mọi năm giờ này những bạn hàng ở các tỉnh phía Bắc đã vào đặt cọc, có người làm ăn lâu năm chỉ cần điện thoại rồi chốt hàng. Năm nay, đến giờ chưa có ai điện thoại hỏi mua", ông Châu nói.

Theo ông Châu, với tổng trên 4.000 chậu mai từ 1 đến 10 năm tuổi, chi phí đầu tư bỏ ra trên dưới 100 triệu đồng. Ngoài lo lắng do bệnh Covid-19, trận lũ lụt cuối tháng 11 vừa qua, khiến nhiều diện tích mai ở phường Nhơn Thành, các xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh bị ngập nước ảnh hưởng đến bông búp, nhiều chậu mai bị lũ cuốn hư hỏng.

"Gia đình tôi bị lũ cuốn 150 chậu, tường rào hư hỏng, thiệt hại cũng trên 15 triệu đồng", ông Châu cho hay.

Thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung, thấp thỏm vì nỗi lo Covid-19 - 4

Người trồng mai ở An Nhơn bị ảnh hưởng "kép" vừa dịch bệnh rồi lại lũ lụt.

Theo Phòng Kinh tế, thị xã An Nhơn, đợt lũ cuối tháng 11 vừa qua, tổng diện tích cây mai trồng để ngoài ruộng bị ngập nước trên địa bàn khoảng hơn 55 ha, với số lượng hơn 4,1 triệu cây mai ở các độ tuổi; trong đó chủ yếu là mai 1 - 3 năm tuổi, thiệt hại 30 - 70%.

Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn, cho biết cơ bản diện tích cây mai bị ngập lụt đều còn nhỏ từ 1-3 năm tuổi. Riêng với mai thương phẩm chuẩn bị dịp Tết này, người dân cũng chủ động đưa đến nơi cao ráo, an toàn nên ít bị ảnh hưởng.

Thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung, thấp thỏm vì nỗi lo Covid-19 - 5

Nhiều nhà vườn cũng đã rục rịch đưa mai lên hai bên quốc lộ 1A để bán cho xe tải, xe khách Bắc- Nam.

Trước lo lắng của người trồng mai vì tình hình dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho việc tiêu thụ, ông Cư cho hay: "Các làng mai ở thị xã An Nhơn góp phần rất lớn cho phát triển thị xã. Vài năm trở lại đây, nguồn thu từ bán mai đạt khoảng 120 tỷ mỗi năm, đem lại lợi nhuận cao cho người dân, giải quyết việc làm đối với lao động ở địa phương. Trên cơ sở đó, UBND thị xã đã chỉ đạo phòng Kinh tế phối hợp với các địa phương hướng dẫn, bố trí những vị trí, điểm tập kết để tạo điều kiện cho bà con nhân dân bán mai trong dịp Tết này".

Theo Dân trí