Dấu chân người lính biên phòng
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 11:30, 19/12/2021
Hơi ấm từ đá núi ấm lên PHẠM THANH KHƯƠNG |
Vì đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất biên cương của Tổ quốc nên trong những sáng tác của nhà văn, người lính Phạm Thanh Khương luôn đậm chất biên phòng. Là dân văn xuôi nhưng thơ anh luôn tạo dấu ấn trong lòng độc giả bởi một giọng thơ dung dị giàu cảm xúc, giàu triết lý, những bài thơ đậm chất lính trong đó phải kể đến bài “Hơi ấm từ đá núi ấm lên”.
Xuất thân từ quê vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ nên cái chất quê cứ tự nhiên thấm, ngấm vào thơ anh. Quê hương được gói gọn trong những hình ảnh dung dị, gần gũi như củ khoai, gốc rạ, váng bùn quánh đặc và tiếng chim bìm bịp đổ chiều gần gũi, thân thiết. Là quê đấy nhưng cũng là hình ảnh của mẹ cha, của chị, của người thương, của những nhọc nhằn lam lũ, vất vả, lo toan một nắng hai sương: "Ra đi từ cây lúa củ khoai/ Từ gốc rạ cháy trưa nắng hạ/ Từ váng bùn đồng phèn đông lạnh cứa/ Và tiếng chim bìm bịp đổ chiều". Ra đi để làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người lính, quê hương luôn là nỗi nhớ, là động lực giúp anh vượt qua bao gian khó.
"Dải đường biên chênh vênh đá tai mèo/ Vách dựng lưng trời dây rừng dẫn lối/ Chân ngâm thũng nhớ từng con suối/ Táo tác đêm tiếng khỉ tìm đàn". Những hình ảnh đó đã giúp người đọc hình dung những bước đường hành quân đầy gian khổ, đầy chông gai mà người lính phải vượt qua. Không có lối mòn phải đu mình bám lên những sợi dây rừng trèo lên những vách đá tai mèo dựng đứng. Rồi những khi băng qua suối lạnh buốt, bàn chân tê cước, phù lên dường như muốn thử thách lòng dũng cảm, sự kiên gan, bền bỉ của các anh. Nhưng như thế nào đã hết. Các anh còn phải trải qua bao vất vả, hiểm nguy và bao hy sinh thầm lặng.
Đường tuần tra gian khổ là thế, bước hành quân vất vả là thế, có những khi "xuyên ngày, trắng đêm" nhưng tình yêu của các anh với sắc trời, mảnh đất biên cương thì không hề vơi cạn, trái lại còn ăm ắp và đậm sâu hơn. "Những con đường trắng muốt hoa ban/ Cháy đỏ mé rừng sắc bông hoa chuối/ Áo lính xanh rừng me, rừng dẻ/ Báng súng vương hương quế, hương hồi".
Cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ, đẹp đến nao lòng khiến tâm hồn người lính như hân hoan xúc động: “Báng súng vương hương quế, hương hồi”. Tác giả đã sử dụng hình ảnh đối lập đầy chất thơ trong câu trên "báng súng- hương quế, hương hồi". Báng súng là vũ khí, là kỷ luật, là quân lệnh, là nhiệm vụ của người lính; hương quế, hương hồi là thiên nhiên trong trẻo, là giây phút bình yên. Niềm vui của các anh, tình yêu của những người lính giản dị, mộc mạc mà lãng mạn biết bao.
Đọc "Hơi ấm từ đá núi ấm lên" chúng ta có thể cảm nhận được khát vọng độc lập, gìn giữ bảo vệ bình yên biên cương Tổ quốc. Những dấu chân bao người, bao đời lặng thầm mở đất, giữ đất đã in tạc vào đá, lặn vào đất, ghi dấu trong lịch sử. Những người lính tiếp bước cha ông, hơn ai hết các anh hiểu rằng mỗi tấc đất biên cương đều là quê hương, là máu thịt của mình để rồi gắn bó khăng khít và chiến đấu, thậm chí hy sinh để bảo vệ mảnh đất này. Để rồi khi các anh rời đi, đến chiếc lá cũng "rơi ngơ ngác tìm người". Chiếc lá hay chính là tình cảm quyến luyến, yêu thương của đồng bào dành cho các anh, hay tình yêu của các anh đã truyền sang cả cỏ cây, để mỗi bước chân người lính đi qua đều rưng rưng ăm ắp tình người, tình đời.
Lính biên phòng lãng mạn, tinh nghịch biết bao. "Nghêu ngao lính hát, nắp ba lô tên người yêu ai viết" thể hiện sự lạc quan, yêu đời giúp họ vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Với nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu) nhưng với nhà thơ Phạm Thanh Khương đất không chỉ hóa tâm hồn mà còn là lẽ sống, là ân tình, là những gì sâu đậm nhất.
Câu thơ kết: “Hơi ấm từ đá núi ấm lên” đã giúp bài thơ neo lại trong lòng người đọc với niềm yêu mến thiết tha. Câu thơ mang triết lý sâu sắc. Dưới ngòi bút của nhà thơ, đá không còn là vật vô tri vô giác mà ngược lại có linh hồn, có tình cảm, đá là biểu tượng của mảnh đất biên cương, là nghĩa tình đồng bào dân tộc. Đá đã quyện ấm hơi người hay hơi ấm của tình người đã truyền sang đá. Mỗi ngày từng hơi thở, từng ánh nhìn, mỗi bước chân, mỗi giọt mồ hôi đều chạm đều thấm vào đá thì nhà thơ mới có phát hiện sâu sắc và nhạy cảm như thế.
Đọc lại bài thơ của Phạm Thanh Khương để thấy tin yêu cảm phục, biết ơn những người lính nói chung và những người lính biên phòng nói riêng.
PHẠM NGA