Gỡ khó cho Trung tâm Chính trị cấp huyện
Chính trị - Ngày đăng : 16:37, 21/12/2021
Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kim Thành tổ chức lớp bồi dưỡng công tác người cao tuổi năm 2021. Ảnh tư liệu
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của các Trung tâm Chính trị (TTCT) cấp huyện khi triển khai thực hiện Quy định 208-QĐ/TW ngày 8.11.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTCT cấp huyện.
Vướng về biên chế, kinh phí, chương trình
2 năm vừa qua, các TTCT cấp huyện đã cơ bản thực hiện theo Quy định 208 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số vướng mắc phát sinh, chưa thực hiện được, cần hướng dẫn, tháo gỡ của cấp trên.
Ngày 30.12.2020, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có Quyết định số 37 về danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức cấp huyện. Theo đó, TTCT cấp huyện có 5 biên chế gồm: Giám đốc là Trưởng Ban Tuyên giáo cấp huyện kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc, 2 giảng viên, 1 kế toán (riêng kế toán thuộc nhóm chuyên môn dùng chung). Thực tế các TTCT trong tỉnh hiện có từ 4 - 5 biên chế, gồm: Giám đốc, 1 phó giám đốc, giáo vụ - hành chính và kế toán.
Theo Quy định 208, mỗi trung tâm có từ 4 - 6 biên chế, không đề cập đến chức danh giáo vụ - hành chính và kế toán. Cũng theo quy định này, mỗi trung tâm bố trí một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách, song thực tế toàn tỉnh hiện có 4 trung tâm đang có 2 phó giám đốc gồm: TP Chí Linh, các huyện Nam Sách, Bình Giang, Thanh Hà.
Ông Đào Thành Nam, Phó Giám đốc TTCT huyện Nam Sách cho biết hiện trung tâm có: 1 giám đốc, 2 phó giám đốc, 1 kế toán và 1 giáo vụ - hành chính. Đến nay, đơn vị đã bố trí cán bộ giáo vụ - hành chính làm giảng viên. Tuy nhiên, nếu biên chế kế toán thuộc nhóm chuyên môn dùng chung theo Quyết định 37 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì hoạt động của trung tâm sẽ rất khó khăn bởi thực tế số lượng công việc ở trung tâm khá nhiều. Việc chi trả các chế độ cho học viên, giải quyết các vấn đề tài chính, kế toán cho lớp học đòi hỏi nhanh, kịp thời.
Không chỉ vướng biên chế, các TTCT cấp huyện cũng đang gặp khó về cơ chế tài chính liên quan đến kinh phí hoạt động. Hiện tại các TTCT có tài khoản riêng, kinh phí bảo vệ qua Sở Tài chính trên cơ sở chỉ tiêu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Các trung tâm thanh quyết toán tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện. Song theo Quy định 208, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy không duyệt giao chỉ tiêu, chương trình từ đầu năm. Kinh phí hoạt động của trung tâm hoàn toàn do cấp ủy cấp huyện chỉ đạo. Như vậy, sẽ khó cho các trung tâm triển khai thanh toán, quyết toán kinh phí.
Đối với chương trình giảng dạy, bồi dưỡng, hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, căn cứ đề nghị của các trung tâm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn chương trình cho các trung tâm huyện thực hiện. Về chuyên môn, hiện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đảm nhận hướng dẫn, kiểm tra công tác giáo vụ, các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy, tổ chức các cuộc thi giảng viên giỏi... Song theo Quy định 208 thì Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy phối hợp với các Trường Chính trị tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về hướng dẫn đối với các trung tâm.
Bà Nguyễn Thị Ái Thương, Phó Giám đốc TTCT huyện Kim Thành cho rằng nếu theo Quy định 208 thì nội dung chương trình đào tạo hằng năm do huyện quyết định. Thực tế cho thấy, ở cấp huyện khó có điều kiện và khả năng biên soạn hay thẩm định để ra quyết định về nội dung, nhất là các chuyên đề mang tính lý luận. Hiện tại huyện chỉ quyết định nội dung các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của cấp ủy. Nay theo Quy định 208 thì do cấp ủy quyết định. Vì vậy sẽ khó cho sự thống nhất trong chỉ đạo chung trong toàn tỉnh.
Tháo gỡ kịp thời
Từ thực trạng trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháo gỡ khó khăn cho TTCT cấp huyện. Ngày 19.11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông báo kết luận số 499 về việc giải quyết một số vướng mắc của TTCT cấp huyện. Theo đó, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện chỉ đạo, rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy của TTCT cấp huyện bảo đảm theo đúng danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức, khung năng lực vị trí việc làm viên chức TTCT cấp huyện do Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành theo Quyết định 37. Riêng vị trí kế toán sẽ phân công, bổ sung thêm một số nhiệm vụ cho phù hợp. Về tài liệu, nội dung, chương trình, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn. Hằng năm, UBND cấp huyện căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp Văn phòng cấp ủy và TTCT cấp huyện xây dựng dự toán đào tạo, bồi dưỡng tổng hợp dự toán chung trình HĐND cấp huyện phê duyệt. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Trường Chính trị tỉnh tổ chức hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các TTCT. Trường Chính trị tỉnh chủ trì phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức của TTCT cấp huyện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc TTCT huyện Thanh Hà đánh giá Thông báo số 499 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cơ bản tháo gỡ khó khăn cho TTCT cấp huyện. Tuy nhiên, đối với những trung tâm hiện đang có 2 phó giám đốc, tỉnh nên xem xét có lộ trình để cấp ủy địa phương bố trí sắp xếp công việc phù hợp.
HÀ VY