Vị đại tướng tài, đức vẹn toàn
Tin tức - Ngày đăng : 09:10, 22/12/2021
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911-25.8.2021) sẽ được tổ chức hôm nay 22.12 tại Quảng Bình với quy mô cấp quốc gia. Lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương phản chiếu của gần trọn thế kỷ XX - thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ lừng danh là một vị tướng thiên tài của thời đại, ông còn là một vị tướng tài đức, văn võ song toàn, một nhà chính trị vì dân, một nhà văn hóa lớn, một tấm gương lớn về nhân cách và lương tri thời đại. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn đang tại thế.
Vị tướng huyền thoại, nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc
Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy và tài năng quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới của thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học và đúc kết được những tinh hoa quân sự đặc sắc của các bậc tiền bối để làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đánh thắng hai đế quốc lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khiến tướng Mỹ Westmoreland từng phải thốt lên: “Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà tôi chưa từng gặp”.
Năm 1992, Hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có hai vị tướng kiệt xuất của Việt Nam: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, với tư cách là Tổng tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, ông đã quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Phương án “đánh chắc, tiến chắc” trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng cao nhất với sự hy sinh xương máu thấp nhất.
Với Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ "chấn động địa cầu", Ðại tướng Võ Nguyên Giáp được xem như kiến trúc sư tài ba, một tướng lĩnh huyền thoại, "một trong những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy lịch sử”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng là một trong những người góp phần quan trọng vào chủ trương chiến lược của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 15: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đề đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến”. Nhờ đó, cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
Trên cương vị Tổng tư lệnh, Đại tướng đã cùng Bộ Thống soái tối cao đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Dấu ấn của ông đặc biệt rõ nét trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, trong các chiến dịch Xuân-Hè năm 1972, trong “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 1.1972, và đặc biệt trong Đại thắng mùa xuân 1975 với Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Không chỉ là một nhà tài thao lược, trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp còn có công góp phần xứng đáng vào việc hình thành học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới.
Có thể nói, những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam mà Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Những chiến tích ấy đã nâng ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới.
Nhà ngoại giao chính trị sắc sảo, khoan hòa
Sắc sảo và cảnh giác, lịch lãm và kiên định lập trường là những phẩm chất giúp Đại tướng luôn nắm quyền chủ động khi đối mặt với những người đối thoại.
Qua những lần tiếp xúc, thương thuyết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và ở Hội nghị Đà Lạt (năm 1946), những tướng Pháp như Leclerc, Salan, Valluy, Molière, những chính trị gia Pháp như Sainteny, Max André, Messmer, D’Argenlieu đã rất có ấn tượng về ông và thừa nhận ở ông một “bản lĩnh chính trị đáng nể”. Họ thừa nhận ở ông một ý chí kiên cường bảo vệ quyền lợi dân tộc không gì lay chuyển nổi. Trí tuệ tinh tường, sáng suốt và sự uyên bác của ông đã khiến họ phải ngầm cảm phục.
Với những người Mỹ gặp ông sau chiến tranh, họ đều nhận thấy ở ông một nhà chính trị sắc sảo mà khoan hòa, có tinh thần độc lập tự chủ rất cao. Trong một lần dự Lễ kỷ niệm Ngày độc lập ở Angiêri, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp Cố vấn an ninh của Tổng thống Carter là Brzezinski và được hỏi: “Nếu được phép, xin được hỏi Đại tướng một câu: Chiến lược của Ngài là gì?”. Đại tướng trả lời: “Chiến lược của tôi là chiến lược hòa bình. Nhưng là hòa bình trong độc lập và tự do”.
Thực vậy, nguyên lý “Hòa bình trong độc lập tự do” đã là nguyên lý chính trị cao nhất, là mục tiêu của mọi hoạt động chính trị đối ngoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mục tiêu mà ông đã kiên trì phấn đấu để đạt được, sau bao nhiêu năm chiến đấu dũng cảm trên mặt trận quân sự.
Nhà văn hóa, khoa học lớn
Con người và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ tỏa sáng trên lĩnh vực quân sự. Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu không nói đến những cống hiến có giá trị to lớn của ông trên mặt trận văn hóa-tư tưởng và một số lĩnh vực khác.
Có thể khẳng định rằng trên thế giới hiếm có một vị tướng nào sánh kịp ông: ông viết rất nhiều bài báo, đến hàng trăm bài; để lại rất nhiều luận văn, gần 100 bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt là ông viết rất nhiều sách văn học.
Ông là một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng, luôn coi trọng thực tiễn là lý luận, là chân lý, dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào khuyết điểm để chuyển bại thành thắng, chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, chuyên gia, các nhà trí thức, khoa học... Ông đã đề xuất nhiều vấn đề đi trước thời gian như có ý kiến rất sớm về kinh tế tri thức, kinh tế biển, khoa học kỹ thuật công nghệ cao, kinh tế trang trại, chiến lược phát triển con người…
Khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, Đại tướng ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị và phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để tiến hành Cuộc vận động "Học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" đạt hiệu quả cao, nhận thấy ông là người rất thích hợp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đề nghị ông tham gia nghiên cứu, đóng góp vào nhiệm vụ quan trọng này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết ba chuyên luận: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam", "Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh", "Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi". Những tác phẩm này có giá trị lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, góp phần củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng và làm kim chỉ nam cho hành động của Đảng trong thời kỳ mới.
Ở chuyên ngành nào thuộc phạm vi mình phụ trách, Đại tướng cũng đều có những ý kiến xác đáng, thấu tình đạt lý. Với ngành sử học, ông góp rất nhiều chính kiến rất cơ bản. Ông cho rằng môn sử-địa giúp ích rất lớn về nâng cao tri thức, lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội.
Về giáo dục và đào tạo, ông thường tâm sự với các vị lãnh đạo ngành, các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên: "Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội, bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống...
Đức độ và tài năng, khiêm tốn và giản dị, thanh cao và quyết đoán - đó là nhân cách Võ Nguyên Giáp - một vị tướng tài, đức vẹn toàn - “một con người Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới”.
Theo TTXVN