Học trực tuyến kéo dài: Trẻ dễ mắc bệnh về mắt
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:12, 24/12/2021
Tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, điện thoại có thể khiến trẻ mắc các tật khúc xạ...
Sau thời gian dài học trực tuyến, thị lực của em Phạm Thị Phương A., học sinh lớp 2 Trường Tiểu học xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) suy giảm rõ rệt. Em chỉ nhìn màn hình máy tính, đọc sách chừng 10 phút là mỏi mắt, thậm chí phải ghé sát mắt vào sách mới đọc được. Đến khi trở lại học trực tiếp tại trường, Phương A. ngồi từ bàn thứ ba đã khó nhìn thấy chữ trên bảng.
Quá lo lắng, chị Nguyễn Thị Liễu (mẹ em Phương A.) đưa con đi khám thì nhận kết quả con gái đã suy giảm thị lực, bị cận 1,25 độ và cần đeo kính ngay. "Các con học trực tuyến quá lâu, cả ngày ngoài giờ học thì lại xem ti vi, tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử. Tôi cũng đã lường trước nguy hại đến đôi mắt của con nhưng không nghĩ mức độ nặng đến vậy. Con mới học lớp 2, còn vui chơi hiếu động nên việc đeo kính ở độ tuổi này khá vất vả”, chị Liễu chia sẻ.
Không chỉ lo lắng vì học online kéo dài mà nhiều phụ huynh cũng không yên tâm khi con tự do sử dụng máy tính, điện thoại truy cập internet. Anh Nguyễn Tuấn Đạt ở thôn An Rặc, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) có 2 con đều học trực tuyến ở nhà. Hằng ngày đi làm xa nên anh nhờ ông bà giám sát việc sử dụng điện thoại thông minh của cháu.
"Bà tuổi đã cao nên chỉ trông nom chứ khó quản được hai cháu. Bà lại hay chiều cháu nên các con thấy bố mẹ đi làm là ôm điện thoại cả ngày, học xong lại chơi game, xem YouTube, TikTok... Về lâu dài, tôi không chỉ lo hại mắt mà còn lo các cháu bị ảnh hưởng xấu bởi những nội dung không phù hợp trên internet”, anh Đạt cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm thị lực ở trẻ. Trong đó, việc học trực tuyến liên tục khiến trẻ tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ máy vi tính, điện thoại, tivi… Ánh sáng này có thể đi thẳng qua mắt gây ra những triệu chứng mỏi mắt, khô mắt, dị ứng mắt… lâu dần gây giảm thị lực và mắc các tật khúc xạ. Thời gian gần đây số ca khám và điều trị bệnh về mắt ở thanh thiếu nhi cũng tăng lên đáng kể.
Để bảo vệ sức khỏe mắt của học sinh, bác sĩ Tuyến cho biết cha mẹ cần chú ý khoảng cách từ mắt trẻ đến màn hình thiết bị điện tử và sách vở không quá gần hay quá xa để tránh các tật khúc xạ. Cùng trẻ tập luyện mắt bằng cách nhìn ra cửa sổ, ban công, đặc biệt nhìn ra các khoảng xanh sẽ làm giảm nguy cơ cận thị tăng độ. Việc kiểm tra thị lực cũng cần thực hiện thường xuyên để sớm phát hiện, điều trị các tật và bệnh về mắt ở trẻ.
"Hiện cũng có khá nhiều phần mềm để quản lý thời gian sử dụng điện thoại thông minh, iPad, máy tính... Phụ huynh cần quản lý con em chặt chẽ để các cháu chỉ sử dụng các thiết bị phục vụ học tập, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe mắt và ảnh hưởng xấu từ những nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh", bác sĩ Tuyến khuyến cáo.
PHẠM TUYẾT