Hành trình đưa ống hút ngũ cốc tới tay người dùng

Kinh tế - Ngày đăng : 09:21, 25/12/2021

Hiện nay ống hút ngũ cốc của một phụ nữ Hải Dương cùng các cộng sự đã được nhiều chủ quán cà phê tin tưởng và xuất khẩu đi nhiều nước, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng.


Chị Nga kiểm tra chất lượng sản phẩm ống hút ngũ cốc

Từ ý tưởng sản xuất ống hút ngũ cốc thay thế vật liệu nhựa, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, chị Nguyễn Thị Nga cùng các cộng sự đã tạo ra thương hiệu sản phẩm Vinastraws được nhiều chủ quán cà phê tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An tin dùng và xuất khẩu đi nhiều nước.

Kiên trì đến cùng 

Cần từ 100-500 năm để phân hủy trong tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng khi lẫn vào đất, hủy hoại môi trường sống của sinh vật biển… là những tác hại khủng khiếp của nhựa. Điều đó thôi thúc chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1984), Phó Giám đốc Công ty CP 5S ở thôn Phương Tân, xã Kim Liên (Kim Thành) nung nấu ý tưởng sản xuất ống hút từ ngũ cốc thay thế ống hút nhựa để bảo vệ môi trường. Ngay khi được bạn bè rủ cùng góp vốn hợp tác sản xuất ống hút ngũ cốc, chị Nga đã đồng ý và quyết định từ bỏ công việc quản lý bán hàng tại doanh nghiệp với thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Cuối tháng 3.2019, công ty được thành lập với gần 10 người góp vốn, đặt tại thôn Cổ Phục (xã Kim Liên) và chị Nga làm Phó Giám đốc. Ban Giám đốc đã mua dây chuyền sản xuất ống hút ngũ cốc từ gạo và bột sắn của một đơn vị tại TP Hồ Chí Minh về lắp đặt và vận hành với vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Dây chuyền này cần tới 15 người vận hành với rất nhiều công đoạn như tạo hình bột, cắt bột, làm thẳng ống hút, sấy, vận hành cả ngày chỉ sản xuất được 100 kg bột, thành phẩm thu về từ 30-40 kg ống hút. Giai đoạn đầu sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Dù dây chuyền có hướng dẫn sử dụng nhưng khi vào thực tế sản xuất chị Nga phải tự tìm công thức cho sản phẩm. Một năm liền sau khi thành lập, chị Nga thường xuyên có mặt ở công ty từ sáng sớm đến tối muộn để tìm ra thời gian hấp, sấy bột hợp lý, tỷ lệ bột gạo và bột sắn để ống hút dai, có thể để lâu trong nước mà không bị mềm nhũn, ống thẳng, không bị cong vênh… Chỉ một công đoạn làm cho ống hút thẳng chị Nga cũng phải thử qua nhiều phương pháp như treo ống lên, sử dụng que tre, que inox đưa vào giữa ống. Nhưng khi dùng que đưa vào ống, nhiều mẻ sấy xong ống bị giòn, vỡ. “Lúc đó nhiều đêm tôi thức trắng lo nghĩ vì đã đầu tư tiền mua máy móc, thuê nhà xưởng, nhân công nhưng cứ đổ bột vào máy hôm trước thì hôm sau phải đổ hết cả mẻ vì ống hút bị giòn, vỡ, cong…”, chị Nga nhớ lại.

Hỏng thì đổ đi làm lại, sau khoảng 150 mẻ bột như thế trong 5 tháng trời, cuối cùng chị Nga đã tìm được công thức cho sản phẩm của mình. Loại ống hút này có giá cao hơn từ 10-15 lần so với ống hút nhựa nên việc tiêu thụ tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Công ty hướng đến thị trường xuất khẩu trước, sau khi sản xuất ổn định sẽ xúc tiến bán hàng trong nước. Vốn có kinh nghiệm bán hàng từ công việc cũ, chị Nga chào hàng trực tuyến trên Amazon, Alibaba… Tháng 8.2019, công ty đã xuất khẩu được 8 tấn ống hút ngũ cốc với tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng cho một khách hàng tại Đức. Dù vậy, ngay sau chuyến hàng này, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, công ty phải hoạt động cầm chừng.

Nhận thấy dây chuyền sản xuất đang sử dụng không phù hợp vì sử dụng nhiều nhân công, năng suất thấp, tỷ lệ hao hụt lớn, Ban Giám đốc công ty quyết định góp vốn thêm để mua dây chuyền sản xuất mới với tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Chị lại tiếp tục mày mò tìm hiểu công thức sản xuất phù hợp với hệ thống máy móc mới. Hệ thống này nhiều ưu điểm như chỉ cần 3 nhân công để vận hành, 1 ngày sản xuất được 1 tấn bột cho ra từ 900-950 kg ống hút thành phẩm, tỷ lệ hao hụt thấp chỉ từ 10-15%, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Chị Nga cũng sử dụng màu thực phẩm trong giới hạn cho phép và các nguyên liệu tự nhiên như quả dành dành, hoa đậu biếc, củ dền, bột trà xanh, thanh long đỏ… để tạo màu cho ống hút, bảo đảm an toàn với người sử dụng. Tất cả nguyên liệu tạo thành ống hút ngũ cốc đều được công ty thu mua tại các đơn vị đạt chứng nhận an toàn thực phẩm.

Thương hiệu vươn xa

"Ống hút không hề bị mềm nhũn như một số loại khác hiện có trên thị trường" là trải nghiệm mà nhiều khách hàng nhận thấy khi sử dụng sản phẩm này. Chị Nga cho biết: “Vừa qua có một đối tác Hàn Quốc từng dùng thử nhiều loại ống hút ngũ cốc tại Việt Nam nhưng cuối cùng đã lựa chọn sản phẩm của chúng tôi vì tính ổn định, không vỡ, không nứt, không thay đổi cấu trúc sau từ 2-4 giờ ngâm trong đồ uống. Tôi thấy rất vui vì tâm huyết của mình và tập thể công ty đã khẳng định được chất lượng với nhiều đối tác trong và ngoài nước”.

Ống hút ngũ cốc của công ty với nhãn hiệu Vinastraws đã đạt tiêu chuẩn ISO 22000. Hiện sản phẩm đã được nhiều chủ quán cà phê tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam) tin tưởng, đưa vào sử dụng tại hệ thống khu nghỉ dưỡng VinPearl và xuất khẩu đi nhiều nước như Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Séc…

“Các chủ quán cà phê ở Hội An thường yêu cầu ống hút có màu sặc sỡ để hợp với thành phố du lịch. Khách hàng từ châu Âu thường yêu cầu quy cách đóng gói, bao bì, nhãn mác theo mẫu của đơn vị đó. Ống hút cung cấp cho hệ thống VinPearl và một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp trong nước yêu cầu bọc giấy từng chiếc… Mọi yêu cầu, tiêu chí đều được chúng tôi chú ý thực hiện nhằm mang đến trải nghiệm cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp nhất cho khách hàng”, chị Nga khẳng định.

Trước mắt, mục tiêu của công ty là đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp tục quảng bá, thu hút khách hàng trong nước, sau 5 năm kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ đồng/năm, doanh thu thị trường trong nước đạt 3 tỷ đồng/năm, qua đó góp phần tiêu thụ nông sản địa phương với giá cao, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

Điều chị Nga luôn trăn trở là thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng trong nước nhằm hạn chế tác hại xấu đến môi trường từ ống hút nhựa. Hiện Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, bát, đĩa, dao… Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, ống hút và các sản phẩm từ nhựa, xốp sử dụng một lần vẫn chiếm ưu thế do giá rẻ và được sản xuất đại trà. Trong khi đó cả nước mới có khoảng 10 cơ sở sản xuất ống hút ngũ cốc, sản lượng thấp, giá cao nên người dân chưa có thói quen sử dụng loại ống hút này.  Để khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước sử dụng ống hút ngũ cốc, công ty đã sử dụng nhiều biện pháp tiếp thị như chào hàng trực tuyến, trực tiếp, tặng ống hút ngũ cốc cho các đơn vị sử dụng miễn phí từ 1-3 tháng, hỗ trợ giá trong 6 tháng đầu…

Chị Nga đang ấp ủ ý tưởng sản xuất bát, đĩa dùng một lần từ bột làm từ thân chuối để thay thế cho bát đĩa nhựa. Theo chị Nga, tại Việt Nam thân chuối thường bị bỏ đi hoặc làm thức ăn cho gia súc, không tạo ra giá trị kinh tế đáng kể. Tuy nhiên ở một số nơi như Ấn Độ, Australia... thân cây chuối đã được sử dụng để ép làm giấy, bát, đĩa, đồ thủ công mỹ nghệ. Cách làm này không chỉ tạo ra giá trị từ sản phẩm tưởng như bỏ đi mà còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Chị Nga chia sẻ, khi bảo vệ dự án của mình tại Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021", giám khảo đã hỏi chị tại sao lại kiên trì thực hiện dự án này đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát kéo theo khó khăn của ngành dịch vụ, trong khi đó sản phẩm của công ty lại cung cấp chủ yếu cho ngành này? “Nếu chỉ nghĩ đến kinh doanh để có lợi nhuận thì chắc chắn tôi đã bỏ vì gặp quá nhiều khó khăn trong sản xuất, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến thị trường. Nhưng tôi tin tưởng sản phẩm của mình mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn hơn nữa tôi cũng sẵn sàng đối mặt, tin tưởng vào nỗ lực, tâm huyết của mình sẽ góp phần tạo thói quen lành mạnh cho người tiêu dùng, qua đó bảo vệ môi trường và lan tỏa tinh thần phát triển bền vững”, chị Nga nói.

Vượt qua hơn 1.000 dự án tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, Dự án "Khởi nghiệp từ ống hút ngũ cốc" của chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1984), Phó Giám đốc Công ty CP 5S ở thôn Phương Tân, xã Kim Liên (Kim Thành) đã lọt vào top 24 dự án được vinh danh. Đây cũng là dự án duy nhất của tỉnh nhận được phần thưởng cuộc thi là 60 triệu đồng.

VIỆT QUỲNH