Con chồng

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:26, 26/12/2021

Ba tháng trôi qua kể từ ngày cô giáo Lành về làm dâu, làm mẹ, chẳng mấy khi thằng Tòng chịu ngồi chung mâm với cô.

Minh họa: PHÙNG BẢN


Nghe Hiển trình bày việc tục huyền của mình, bà Thảnh, mẹ vợ cũ của Hiển, thủ thỉ: “Dù sao con gái mẹ cũng mất năm năm rồi. Anh có quyền đi tìm hạnh phúc mới. Mẹ lo là thằng Tòng còn nhỏ quá. Năm nay nó mới có mười hai tuổi. Con biết đấy, nó yêu mẹ nó nhất nhà”. Hiển nói: “Con rất biết ơn bố mẹ trong mấy năm qua đã chăm sóc, nuôi nấng cháu giúp con yên tâm làm việc. Nhưng hoa đến thì hoa phải nở”. Điều này anh nói thật lòng. Vì điều kiện công tác nên Hiển thường xuyên vắng nhà. Nhà nội ở cách xa gần ngàn cây số. Mọi sự đều trông mong vào sự giúp đỡ của bên ngoại. Nhưng nay thằng Tòng bắt đầu bước vào cái tuổi dở xanh dở chín rất cần có người chăm sóc. Riêng thằng Tòng từ đầu đến cuối luôn mang bộ mặt lạnh lùng.

Thằng Tòng không lạ gì người đàn bà mà bố nó định lấy làm vợ. Đó là cô giáo Lành. Thỉnh thoảng cô Lành dạy thay cô chủ nhiệm lớp nó một buổi. Nó nghe người lớn nói quê cô ở xa lắm, tận vùng biển miền Trung. Cô đã một lần dang dở vì ông chồng suốt ngày nã tiền để đánh bạc. Không chịu nổi, cô Lành đâm đơn ly hôn. Hai người chưa có con chung. Để thật sự xa rời cái quá khứ khủng khiếp kia nên cô Lành xin chuyển sang tỉnh khác. Chỉ từ khi mối quan hệ giữa bố nó và cô Lành thắm thiết nó mới tỏ ra ghét cô giáo khi những lời đồn thổi độc ác bay đến tai nó. Nó sợ cô Lành sẽ thay thế vị trí của mẹ nó trong cái nhà này, chia rẽ tình cảm bố con nó. Nó tự hứa sẽ không bao giờ gọi cô Lành là dì hay mẹ.

Ngày cô giáo Lành về ở với bố nó không có đám cưới linh đình. Một bữa tiệc nhỏ với vài mâm cơm cùng những người thân thích. Suốt cả buổi sáng hôm ấy thằng Tòng la cà hết nhà ngoại đến ruộng vải. Nó trèo lên cái chòi canh bỏ không nằm dài giở từng tấm ảnh cũ của mẹ nó. Mỗi lần nhìn thấy hình bóng mẹ, nó lại khóc. Giờ ăn trưa đã qua từ lâu mà vợ chồng Hiển vẫn không nhìn thấy con đâu. Lòng anh chị như lửa đốt. Anh chị lo nó buồn bỏ đi lang thang rồi làm chuyện bậy bạ thì khổ. Hiển nói nhỏ với bà Thành: “Mẹ đi tìm cháu giúp con với. Con lo quá”. Bà Thành thừa biết nơi thường chơi bời của cháu. Cháu ngồi trên chòi, bà đứng dưới đất ngửa mặt lên bảo: “Con đừng làm cho bố con buồn trong ngày đại hỷ”. Nó vùng vằng không muốn vào. Bà Thành phải dỗ dành nó mới chịu. Cô Lành ân cần đến bên trao nó một cái hộp bìa cứng khá to, bảo: “Dì tặng con”. Hai tay thằng Tòng buông thõng. Nó không muốn nhận. Bố nó đứng bên e hèm. Không cần nhìn nó cũng hiểu sau tiếng e hèm là cái trừng mắt của bố nó. “Con nhận đi cho dì vui lòng”. Nó buộc phải đưa tay lên nhận. Bố nó lại nhắc: “Con quên chưa cảm ơn dì”. Nó lí nhí: “Cảm… ơn cô… giáo”. Cô Lành cười, nói: “Được rồi, được rồi. Con nhận là dì vui lắm”. Rồi cô quay sang chồng nói: “Con nó chưa quen, anh đừng làm con sợ”. Nó lại nghĩ: “Người đàn bà này khéo thật. Nhưng liệu được bao lâu? Mình nhất định không để bà ta mua chuộc”.

Ba tháng trôi qua kể từ ngày cô giáo Lành về làm dâu, làm mẹ, chẳng mấy khi thằng Tòng chịu ngồi chung mâm với cô. Do điều kiện công tác nên Hiển đi suốt tuần, đôi khi cả tháng mới đảo qua về nhà vài ngày. Đến bữa cơm thằng Tòng thường viện đủ mọi lý do về trễ. Bữa nào Lành cũng phải ngồi chờ đến mỏi mắt. Một lần Lành đi đón nó. Nó cúi đầu tránh ánh mắt ân cần của cô: “Cô giáo về trước đi”. Nó không muốn đi bên cạnh người đàn bà mà nó phải gọi bằng dì giữa thanh thiên bạch nhật. Nó sợ bạn bè chê bai rằng nó đã bị dì ghẻ mua chuộc. Trong bữa, nó chỉ ăn đúng một bát cơm. Khi Lành đưa tay định đón cái bát trên tay nó xới thêm thì nó đã đứng dậy, buông thõng: “No rồi”. Lành bảo: “Con ăn như thế thì lấy sức đâu mà học? Dì nói thật, con không thương dì thì cũng nên thương ông bà ngoại, thương bố con chứ. Dì biết ăn nói với mọi người sao đây?”. Nó ừ hữ đi vào buồng. Những bữa cơm bắt buộc phải đối diện cứ nặng nề trôi qua như thế. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì thằng Tòng vẫn chỉ là một đứa trẻ con. Do bữa tối ăn ít, đến đêm bụng nó cồn cào, lục bục. Nó cố chịu đựng nhưng không nổi. Thế là nó lần xuống bếp lục cơm nguội. Một hai lần trót lọt. Một lần nó giật mình vì thấy cô Lành đứng trong bếp từ khi nào. Trên tay cô bưng tô cơm với đầy đủ thức ăn. Cô bảo: “Con ăn đi kẻo nguội”. Nó ngại ngùng. Cuối cùng thì cái bụng đang sôi không cho phép nó khách sáo nữa. 

Thực ra thằng Tòng không phải là đứa trẻ hỗn hào, mất nết. Nó học lực khá, chịu khó và đôi lúc còn tỏ ra một đứa trẻ thông minh. Nhưng do hoàn cảnh mất mẹ, lại được ông bà ngoại chiều quá nên mới sinh hư. Nó chống lại cô Lành vì theo lời người lớn bảo nó: “Dì ghẻ nào cũng như nhau hết. Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”. Bạn nó lại thầm thì: “Chỉ cần mẹ ghẻ mày sinh thêm một em bé thôi thì mày sẽ trở thành thằng ở không công”. Những lời kia thực tế chưa xảy ra. Nhưng tình cảm cha con nó bị chi phối bởi cô Lành là có thật. Bố nó quan tâm tới cô Lành nhiều hơn. Dù bố nó đi đâu, làm gì, thời gian bao lâu đều thông báo cụ thể cho vợ biết. Trước đây nhận cái tin ấy là nó. Những lần bố nó về qua nhà cũng chỉ hỏi nó được vài câu. Bố nó bận. Mọi công việc ở nhà một tay cô Lành lo liệu. Cô Lành tỏ ra quan tâm tới chuyện học hành của nó. Nhưng nó không thích thế. Những năm trước chưa có cô Lành nó vẫn học tốt cơ mà.

Một lần bố nó đi công tác xa về tặng dì Lành bó hoa hồng rất đẹp, kèm theo một cái hôn vào trán. Trông thật ngứa mắt, nó giận dỗi quay ngoắt người. Không may cánh tay nó va phải mâm cơm trên bàn. Mâm cơm ụp xuống nền gạch men, vỡ tung tóe. Bố nó nóng mắt tát luôn một cái cháy má. Nó vụt chạy ra khỏi nhà dưới cơn mưa tầm tã. Dì Lành hốt hoảng đuổi theo: “Đứng lại con ơi”. Thằng Tòng chạy nhanh quá, thoắt cái đã biến mất. Lành lang thang ra vườn vải, triền đê cũng không thấy. Nóng ruột, vợ chồng Hiển lần sang nhà ngoại. Bà Thành bảo con rể cũ: “Anh chị yên tâm, nó về đây rồi. Nhưng tôi không hiểu vì sao anh tát nó mạnh thế”. Trong câu hỏi của bà mang cả lời trách cứ vì người vợ mới mà Hiển đánh con. Chưa hết giận trong người, Hiển nói: “Ông bà chiều quá đâm nó sinh hư. Bà tính, hôm nay là sinh nhật dì nó. Con mua quà tặng. Nào ngờ nó giận dỗi hất tung cả mâm cơm”. Bà Thành như thanh minh cho cháu: “Tôi nghe nó nói chỉ là vô tình chứ không phải cố ý. Thôi, anh chị về đi, sáng mai tôi sẽ dẫn nó về”. Rồi bà lẩm bẩm như cố tình cho vợ chồng Hiển nghe thấy: “Khổ thân cháu tôi. Nó chưa quen sống chung với người đàn bà xa lạ”. Trên đường về, Lành vừa khóc vừa hỏi chồng: “Em phải làm thế nào bây giờ?”. Hiển an ủi: “Em cứ sống với bản chất thật của mình. Anh tin rồi con nó sẽ hiểu”.

Ngày giỗ mẹ nó, bố nó đi công tác tận miền Nam không kịp về. Cô Lành làm cơm cúng, mời ông bà ngoại cùng các cậu, các dì nó sang dự. Mọi người ngồi ôn lại những kỷ niệm của mẹ nó. Cô Lành gọi ông bà ngoại nó bằng bố mẹ, xưng con. Không khí trong bữa giỗ bắt đầu có tiếng cười. Cô Lành đứng trước bàn thờ mẹ nó khấn vái điều gì nó nghe không rõ. Chỉ thấy hai dòng lệ của cô Lành lăn dài trên má. Nó rất muốn tin những điều tốt đẹp cô Lành làm cho nó. Nhưng chẳng lẽ bao lời thiên hạ nói là sai hết cả sao? Cũng như mọi bữa cơm khác, nó lại lẳng lặng ra chòi canh vải giữa đồng. Nằm dài trên chòi, ôm tập album vào ngực nó khóc vì nhớ mẹ, vì cô đơn. Dường như quanh nó chẳng còn ai. Kể cả ông bà ngoại, các cậu, các dì. “Vì sao lại thế?”. Nó tự hỏi. “Cô Lành là người tốt thật sự, yêu thương nó thật sự hay chỉ giả vờ tốt như trong các câu chuyện cổ tích? Hình như ông bà ngoại nó đã bị cô Lành chinh phục”. Bầu trời bỗng nhiên nổi giông. Sấm sét đùng đùng như trời long đất lở. Cái chòi nơi nó nằm phập phồng như muốn bay xuống đất. Mái chòi dột như ngoài bãi. Thằng Tòng cứ nép mãi, tránh mãi chỗ dột, nhưng không nổi. Nó đành nằm sấp đè lên cuốn album. Nó thiếp đi.

Thằng Tòng chợt tỉnh giấc. Nó thấy mình nằm trong một căn phòng rất lạ. Người đầu tiên nó nhận biết được lại vẫn là người đàn bà mà nó không ưa: Dì Lành. Dáng dì mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu vì thiếu ngủ. Thấy nó mở mắt, dì Lành reo lên như trút bỏ được gánh nặng: “Ôi, con tỉnh lại rồi. Mấy ngày nay con làm dì sợ quá”. Thằng Tòng ấp úng hỏi: “Em… con… đang ở đâu thế này?”. Dì Lành bảo: “Con đang nằm trong bệnh viện”. Nó hỏi như vô thức: “Vì sao lại vào bệnh viện?”. Dì Lành bảo: “Trưa hôm giỗ, con ra chòi vải gặp đúng lúc giông gió. Cái chòi bị gió thổi bay xuống đất. Con vừa đói, vừa bị cảm nên ngất đi. May xương xẩu không làm sao”. Nó lại hỏi: “Con bị mấy ngày rồi?”. “Đã ba ngày nay con ạ. Giờ con vô sự là may mắn lắm rồi. Nói dại, nếu xảy ra chuyện gì hẳn dì không biết ăn nói thế nào với mẹ con dưới suối vàng”. Nhắc đến mẹ tự nhiên thằng Tòng rưng rưng muốn khóc. Nó thương dì Lành vất vả từ ngày về ở với bố nó. Nó ân hận những gì đã gây ra cho dì Lành. Nước mắt nó ứa ra. Nó muốn ngồi dậy để nói với dì Lành một câu thật biết ơn. Dì Lành xua tay: “Con còn đang mệt, cứ nằm cho tỉnh hẳn đã”. Thằng Tòng buột miệng: “Cô… Mẹ… tốt quá”. Dì Lành tưởng nó vẫn còn mê sảng, bảo: “Con muốn nhắc tới cuốn album hả? Yên tâm, dì đã cất trong phòng con rồi”. Nó nghẹn ngào: “Con tỉnh rồi. Mẹ tốt quá. Con xin lỗi những chuyện đã qua khiến mẹ phải phiền lòng”. Dì Lành tưởng như mình nghe lầm. Nhìn sâu vào mắt thằng Tòng, dì tin lời nó vừa nói với mình. Dì lặng đi vì xúc động. Không thể có niềm hạnh phúc nào hơn thế. Ba mươi lăm tuổi, lần đầu tiên trong đời dì được nghe một đứa trẻ gọi mình bằng mẹ. 

Nghe tin con trai nằm bệnh viện, bố nó cấp tốc về ngay. Nhìn con khỏe mạnh, vui vẻ và tươi tắn, Hiển trố mắt ngạc nhiên. Điều gì đã khiến con trai anh thay đổi đến chóng mặt trong một tháng qua? Hiểu cái nhìn của chồng, Lành nói trong niềm vui: “Anh đừng ngạc nhiên vì sự thay đổi của con”. Rồi Lành kể cho chồng nghe chuyện xảy ra hôm giỗ người vợ cũ của anh. Hiển xoa đầu con: “Con trai của bố đáng yêu quá”. Thằng Tòng đỏ mặt vì ngượng. Nó đứng lên lôi bố ra sân thì thầm. Lành không nghe thấy gì. Hai bố con Hiển sau khi bàn bạc xong lên xe ra phố huyện.

Mọi nhà đã lên đèn từ lâu mà chồng con vẫn chưa về, Lành bắt đầu nóng ruột. Bỗng nhiên cánh cửa mở. Thằng Tòng trên tay ôm một bó hoa hồng rất đẹp. Nó đứng trước mặt Lành, trao cho chị và nói: “Con tặng mẹ nhân ngày sinh nhật”. Lành cười hỏi thằng Tòng: “Con vừa nói sinh nhật mẹ nào? Mẹ đẻ con hả? Còn sinh nhật mẹ Lành đã qua hai tháng rồi”. Thằng Tòng bảo: “Nhưng con muốn cùng bố tổ chức lại sinh nhật của mẹ thay cho lời xin lỗi của con”. Lành hạnh phúc đến nghẹt thở. Cô nở nụ cười mãn nguyện. Ba cái đầu chụm lại cùng thổi nến, cùng chúc mừng sinh nhật, cùng hát Happy Birthday.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN