Những lưu ý về lương, thưởng Tết người lao động nên biết
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:21, 27/12/2021
Lương thưởng Tết dịp cuối năm được người lao động ngóng chờ sau 1 năm làm việc.
Pháp luật hiện hành không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động và không có bất cứ quy định nào về lương tháng 13. Người sử dụng lao động có thể thưởng hoặc không, vì thế không phải doanh nghiệp nào cũng có lương tháng 13.
Trường hợp có thưởng thì mức thưởng cũng sẽ do người sử dụng lao động quyết định dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc trong năm của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Thưởng có thể là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bộ Luật lao động năm 2012 và 2019 đều không có quy định doanh nghiệp phải thưởng Tết. Việc thưởng Tết hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đấy là hoạt động có tính khuyến khích người lao động sau một năm làm việc nên vẫn được doanh nghiệp duy trì để giữa chân người lao động.
Bộ Luật lao động 2019 cũng quy định cụ thể quyền lợi của người lao động đi làm vào những ngày nghỉ lễ, tết. Cụ thể, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019: Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương 5 ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Một nội dung đáng chú ý khác, nếu đi làm vào đúng ngày nghỉ lễ tết người lao động được hưởng ít nhất 400% tiền lương. Theo quy định, người lao động được nghỉ làm trong suốt những ngày nghỉ Tết Âm lịch. Trường hợp do đặc thù công việc hoặc thực hiện theo sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động mà người lao động vẫn đi làm vào những ngày này thì sẽ được tính là làm thêm giờ và hưởng lương làm thêm giờ.
Theo báo Tin tức