Khởi nghiệp từ dầu lạc
Kinh tế - Ngày đăng : 18:19, 28/12/2021
Dầu lạc tại cơ sở của anh Thuần được ép theo quy trình khép kín, thơm ngon, không sử dụng hóa chất
Với quyết tâm phát huy thế mạnh của nông nghiệp địa phương, anh Nguyễn Văn Thuần ở khu dân cư Bến Tắm, phường Hoàng Tân (Chí Linh) đã tìm được hướng đi riêng giúp nâng cao giá trị cây lạc và xây dựng thương hiệu “dầu lạc Văn Thuần”.
Hằng năm, phường Hoàng Tân trồng hơn 60 ha lạc, chiếm gần 40% tổng diện tích đất nông nghiệp. Lạc sau khi thu hoạch chỉ được sơ chế đơn giản, phơi khô bán cho thương lái. Sản phẩm chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì thu hoạch đồng loạt nên đầu ra gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Mỗi sào lạc nông dân chỉ thu lãi từ 800.000 - 1 triệu đồng.
Gần 30 năm làm nghề thu mua lạc, trong quá trình tìm hiểu thị trường và thường xuyên xuất lạc cho các thương lái ở Trung Quốc, anh Thuần nhận thấy sản phẩm dầu lạc rất được ưa chuộng tại thị trường này vì có giá trị dinh dưỡng cao. Vậy là cuối năm 2018, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng để mua 1 dàn máy làm dầu, bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu “dầu lạc Văn Thuần”.
Thời gian đầu khi cơ sở mới đi vào hoạt động, anh Thuần gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Bên cạnh đó, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều mẻ bị hỏng, lạc rang bị quá lửa nên có mùi khét hoặc lượng dầu ép được ít, dầu không có mùi thơm đặc trưng và không bảo quản được lâu. Với quyết tâm lớn, anh Thuần không ngừng mày mò, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và đã thành công với những mẻ dầu đạt yêu cầu về chất lượng.
Sản phẩm dầu lạc đã được người dân địa phương tin dùng
Xác định nguyên liệu đầu vào là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng sản phẩm nên anh Thuần đã liên kết sản xuất với các hộ trồng lạc ở phường và những địa phương lân cận. Mỗi năm anh mua từ 30 - 40 tấn lạc nguyên vỏ để làm nguyên liệu ép dầu. Việc ép dầu được thực hiện theo đúng quy trình để sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt nhất. Dầu ép bằng công nghệ nhiệt nên giữ được mùi thơm đặc trưng của lạc và bảo quản được trong 2 năm.
Với dàn máy liên hoàn, mỗi tuần cơ sở của anh Thuần ép được khoảng 100 lít dầu. Ngoài ra, cơ sở còn ép lạc lấy dầu thuê cho người dân trong vùng với giá 6.000đồng/kg lạc nhân. Cơ sở tạo việc làm cho một số lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ ép dầu, mỗi năm anh Thuần thu lãi hơn 300 triệu đồng.
“Mọi khâu sản xuất của cơ sở đều theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm sạch, thơm ngon và đặc biệt không sử dụng bất kỳ loại hóa chất tạo mùi, màu hay chất bảo quản nào. Vì vậy, các sản phẩm của cơ sở ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết tới”, anh Thuần thông tin.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, sản phẩm dầu lạc của anh Thuần không chỉ tiêu thụ bó hẹp ở địa phương mà còn ở một số tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh... Mới đây, “dầu lạc Văn Thuần” đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021.
"Cùng với việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm này còn góp phần tích cực vào việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị cây lạc là nông sản chủ lực của địa phương”, bà Đoàn Thị Đoài, Giám đốc HTX Nông nghiệp phường Hoàng Tân cho biết.
TRẦN HIỀN