Những câu hỏi đặt ra từ nghi vấn lộ đề thi sinh học
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:28, 30/12/2021
Sau khi nhận được phản ánh về sự trùng hợp bất thường giữa đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn sinh và tài liệu luyện thi của thầy giáo Phan Khắc Nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời công an xác minh sự việc. Kết quả điều tra ban đầu phát hiện một số tồn tại, sơ hở trong ra đề và xây dựng ngân hàng đề thi. Thông tin này khiến nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại quy trình ra đề, chọn đề thi có kẽ hở và không đáp ứng được tính bảo mật.
Từ năm 2017, ngoại trừ văn là môn thi duy nhất ra đề dưới hình thức tự luận, tất cả bài thi khác đều dùng hình thức trắc nghiệm. Quy trình ra đề thi trắc nghiệm, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021, gồm ba bước.
Ở khâu soạn thảo, thư ký hội đồng ra đề sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi, chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi mới. Đến khâu phản biện, người phản biện có trách nhiệm đọc, giải đề, đánh giá đề thi và nêu phương án chỉnh lý, sửa chữa nếu cần thiết.
Cuối cùng, sau khi được Chủ tịch Hội đồng ra đề phê duyệt, thư ký trộn đề thi thành nhiều mã đề khác nhau và chuyển cho tổ ra đề thi; tất cả thành viên của tổ ra đề thi cùng rà soát từng mã đề, đáp án, trình Chủ tịch Hội đồng duyệt để tổ chức in, sao.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhận định với quy trình này, cần xem xét những người trực tiếp tham gia, liệu họ có vi phạm quy định bảo mật mà không bị kiểm tra, giám sát hay không.
Ông Nghĩa nêu giả thuyết nếu có hiện tượng lộ đề thi, nhà chức trách liệu đã xét đến các yếu tố như kết quả điểm thi cao bất thường hoặc phát hiện trao đổi tiền bạc giữa các bên liên quan chưa?
Trong sự việc của ông Phan Khắc Nghệ, biên bản làm việc của Hội đồng chuyên gia - do bộ thành lập hồi tháng 8 - có đề cập đến các email trao đổi giữa ông Nghệ với tổ trưởng Tổ ra đề thi môn sinh và thành viên Tổ thẩm định đề thi môn sinh từ năm 2016-2018 và 2021. Nội dung các email hiện đã được giao cho cơ quan công an. Nhà điều tra cũng chưa đưa ra kết luận gì về nội dung trao đổi. Ông Nghệ xác nhận các trao đổi này "có xảy ra" nhưng "nội dung chỉ xoay quanh chuyên môn, không liên quan đến đề thi". Ông cũng mong sẽ được nhà chức trách làm rõ, tránh cho ông bị suy diễn.
Băn khoăn thứ hai của các chuyên gia liên quan đến độ lớn của ngân hàng đề thi. Tiến sĩ Phạm Văn Lập, một thành viên Hội đồng chuyên gia xác minh sự việc liên quan đến đề thi sinh 2021, nhận định dù việc lộ đề có xảy ra hay không, hiện tượng một người ôn trúng 90% đề thi "là bất thường".
Một tiến sĩ khảo thí làm việc tại Mỹ cũng cho rằng nếu ngân hàng đề thi đủ lớn và tuân thủ đúng quy trình là rút ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi, việc hơn 90% câu hỏi trong đề thi chính thức trùng với phần ôn tập của một giáo viên bất kỳ là rất khó xảy ra. Chưa kể, sau khi rút ngẫu nhiên, bộ phận ra đề dựa vào đó, tham khảo để soạn đề thi, sau đó còn rà soát, chỉnh sửa trước khi chốt.
Chuyên gia này nhấn mạnh một trong những yêu cầu cơ bản của các ngân hàng câu hỏi cho một kỳ thi có tầm quan trọng như tốt nghiệp THPT ở Việt Nam là câu hỏi phải hoàn toàn mới, chưa xuất hiện trong bất cứ sách vở, tài liệu sẵn có nào. "Bảo đảm việc này là trách nhiệm của cả tập thể, bao gồm người viết từng câu hỏi, người rà soát chỉnh sửa và người duyệt đưa vào đề thi cũng như người duyệt cả đề thi", ông nói.
Ông Nghĩa băn khoăn liệu trong quá trình soạn đề hàng năm, tổ ra đề có thể đưa thêm câu hỏi trắc nghiệm do chính họ biên soạn hay không. Bởi sau mỗi kỳ thi, thí sinh được mang đề về, nghĩa là ngân hàng đề thi "mất" khoảng 100 câu hỏi mỗi môn.
Chia sẻ trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và ngay cả khi bộ nêu phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khi đó, luôn khẳng định bộ xây dựng được ngân hàng câu hỏi đủ lớn để tạo ra các đề thi bảo đảm chất lượng, cân bằng về độ khó. Tuy nhiên, bộ không cho biết quy mô chính xác của ngân hàng câu hỏi này.
Tính bảo mật của ngân hàng câu hỏi cũng là vấn đề khiến nhiều chuyên gia lo lắng. Tiến sĩ Nghĩa nhận định nếu không có quy chế bảo mật và giám sát chặt chẽ người tham gia soạn và phản biện đề thi, bất cứ giáo viên nào từng có mặt trong quá trình này đều có thể nắm được các câu hỏi của ngân hàng đề thi.
Liên quan đến thắc mắc của ông Nghĩa, từ năm 2020, danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo không còn bao gồm "các tài liệu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT". Ngân hàng câu hỏi phục vụ việc ra đề thi thuộc nhóm này. Đây được cho là có thể tạo ra kẽ hở trong quản lý, khiến ngân hàng câu hỏi bị lưu hành nhiều nơi. Theo đó, tình trạng bất công sẽ xảy ra giữa những thí sinh được tiếp cận trước ngân hàng câu hỏi và những em không có cơ hội này.
Khi kiểm tra lại điểm thi tốt nghiệp môn sinh năm 2021, ông Nghĩa nhận thấy số điểm 10 là 582, gấp khoảng 5 lần so với năm 2020.
Ông Nghĩa kết luận hình thức thi trắc nghiệm không phải là nguyên nhân lộ đề thi, nếu có. Nhiều chứng chỉ quốc tế có uy tín vẫn áp dụng hình thức này. "Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình. Nếu phát hiện sai phạm, phải nghiêm trị để răn đe, tránh tình trạng như những vụ gian lận điểm thi 2018, xử lý kéo dài và chưa triệt để", ông nói.
Hồi tháng 7, thầy Đinh Đức Hiền, một giáo viên toán - sinh phản ánh đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn sinh học có nhiều phần tương đồng với nội dung ôn tập cho học sinh của thầy Phan Khắc Nghệ, Hiệu phó Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Thầy Hiền tổng hợp những phần tương đồng giữa đề thi chính thức và tài liệu ôn của thầy Nghệ, gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 23.12, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết đã nắm bắt các thông tin, ý kiến và "ghi nhận yếu tố không bình thường" giữa nội dung luyện thi của thầy Nghệ và đề sinh học tốt nghiệp THPT 2021.
Đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, phát hiện một số sơ hở trong công tác ra đề và xây dựng ngân hàng đề thi nên sẽ tiếp tục xác minh dấu hiệu lộ, lọt. Bộ Công an cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh công tác xây dựng thi và ra đề thi để lần sau tốt hơn.
Theo VnExpress