Người Trung Quốc tưởng nhớ bác sĩ từng cảnh báo Covid-19
Tin tức - Ngày đăng : 19:36, 30/12/2021
Bác sĩ Lý Văn Lượng trước và sau khi nhiễm nCoV
"Chúc mừng năm mới bác sĩ Lý, chúng tôi sẽ mãi nhớ đến anh", người dùng có biệt danh Tdby hôm qua viết trên tài khoản mạng xã hội Weibo của bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, một trong 8 người đầu tiên cảnh báo về Covid-19 ở Trung Quốc cuối tháng 12.2019.
Hàng nghìn người đăng biểu tượng cây nến dưới bài viết của Lý Văn Lượng, cùng các thông điệp cảm ơn và bày tỏ ngỡ ngàng khi đã hai năm kể từ ngày anh phát cảnh báo về dịch bệnh do nCoV gây ra. Nhiều người viết như thể đang trò chuyện với bác sĩ này.
Chính quyền thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, lần đầu thông báo về "bệnh viêm phổi lạ" bùng phát tại đây vào ngày 31.12.2019. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết ca bệnh đầu tiên tại Vũ Hán có thể xuất hiện từ giữa tháng 12. Giới chuyên gia cũng nhận định nCoV nhiều khả năng đã lây nhiễm trong cộng đồng vài tuần trước khi chính quyền Vũ Hán công bố dịch.
Ngày 30.12.2019, Lý Văn Lượng gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp), dịch bệnh khởi phát ở Trung Quốc năm 2002 khiến khoảng 800 người thiệt mạng trên toàn thế giới.
Ngay đêm đó, các quan chức y tế TP Vũ Hán triệu tập Lý, yêu cầu được biết lý do anh chia sẻ thông tin. Ngày 3.1, công an Vũ Hán buộc Lý ký biên bản thừa nhận "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".
Lý quay lại làm việc tại bệnh viện, nhưng nhiễm nCoV hôm 12.1 sau khi khám cho một bệnh nhân mắc bệnh mà không mặc đồ bảo hộ. Bố mẹ và người vợ đang mang thai của anh cũng bị lây bệnh.
Tới thời điểm Trung Quốc tích cực hành động và áp lệnh phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23.1.2020, nCoV đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng.
Bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời ngày 7.2.2020 do biến chứng của Covid-19. Cái chết của bác sĩ được coi là "người hùng cảnh báo sớm về nCoV" đã khiến nhiều người Trung Quốc phẫn nộ, trong bối cảnh chưa có nhiều thông tin về nCoV và giới chức Vũ Hán bị chỉ trích vì thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu ứng phó dịch.
Sau khi áp dụng thành công biện pháp phong tỏa chặt chẽ để kiểm soát đà lây nhiễm Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc nhân rộng mô hình và xây dựng chiến lược "Không Covid" để ứng phó dịch bệnh.
Trung Quốc tới nay giữ được ca nhiễm ở mức thấp so với các nước ở châu Âu hay Mỹ sau hai năm Covid-19 hoành hành, nhờ chính sách "không Covid" nghiêm ngặt với các biện pháp đóng biên giới, phong tỏa diện rộng và xét nghiệm hàng loạt mỗi khi phát hiện ca nhiễm.
Theo VnExpress