An toàn điện nhờ chuyển đổi số
Công nghiệp - Ngày đăng : 10:31, 31/12/2021
Ứng dụng phần mềm quản lý an toàn lao động ECP giúp hạn chế tối đa rủi ro khi khắc phục các sự cố điện
Nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực này đã góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát, bảo đảm ATLĐ cho công nhân điện lực.
Kiểm soát thông qua phần mềm
Anh Phạm Văn Hiếu, chuyên viên Phòng An toàn (Điện lực Hải Dương) cho biết, trung bình mỗi ngày hàng trăm công nhân của đơn vị thực hiện khoảng 120-150 công việc trên lưới điện. “Lực lượng nhân sự mỏng, khó bảo đảm hiệu quả công tác kiểm soát ATLĐ trực tiếp. Có thời gian, khối lượng công việc có thể kiểm soát về ATLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay”, anh Hiếu chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả trong cung cấp điện cũng như bảo đảm ATLĐ, năm 2018, Điện lực Hải Dương là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã ứng dụng phần mềm quản lý ATLĐ (ECP) trong toàn công ty. Theo anh Hiếu, phần mềm này có nhiều tính năng nhưng chủ yếu về kiểm soát ATLĐ đối với mọi công việc tiến hành trên lưới điện; quản lý các dụng cụ an toàn, sản xuất, các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; số hóa toàn bộ hồ sơ điều tra sự cố lưới điện…
Những năm trước đây, việc bảo đảm an toàn cho người lao động tại hiện trường phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người lao động và một phần kiểm tra đôn đốc của các cấp quản lý trực tiếp. Quy trình cũ vừa tốn thời gian, công sức di chuyển, vừa tốn kém chi phí đi lại trong khi số cán bộ làm công tác an toàn lại có hạn nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí một số trường hợp người lao động làm tắt, làm ẩu. Mọi thứ thay đổi hoàn toàn từ khi áp dụng ECP. Khoảng 90% công việc hằng ngày được kiểm soát thông qua nhiều cấp một cách công khai, minh bạch và hiện đại. Tại hiện trường làm việc, đơn vị công tác sử dụng điện thoại thông minh đăng nhập phần mềm ECP phiên bản mobile được cài đặt trước và lựa chọn công việc được phân công. Quy trình làm việc được quay và chụp lại, gửi lên phần mềm theo trình tự. Những hình ảnh này lập tức được đồng bộ đến hệ thống cơ sở lưu trữ dữ liệu. “Tại trung tâm kiểm tra, kiểm soát, từ điện lực cấp huyện, cấp công ty đến cấp tổng công ty, cán bộ an toàn chỉ cần đăng nhập tài khoản trên hệ thống ECP là có thể chọn công việc và xem hình ảnh được gửi về tại từng khu vực lưới điện cụ thể. Nếu phát hiện sai sót sẽ phản hồi ngay với đơn vị công tác để khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn lao động”, anh Trần Văn Hậu, chuyên viên Phòng An toàn (Điện lực Hải Dương) cho biết.
Hình thành văn hóa lao động chuyên nghiệp
Đã có 4 năm gắn bó với nhiệm vụ kiểm soát ATLĐ tại Điện lực Ninh Giang, anh Nguyễn Xuân Hoàng, cán bộ an toàn chuyên trách hiểu rất rõ hiệu quả mà phần mềm ECP mang lại trong thực hiện nhiệm vụ.
Tại tổ trực vận hành, một màn hình ti vi khoảng 60 inch thường xuyên cập nhật hình ảnh từ phần mềm để phục vụ việc kiểm tra, kiểm soát. “Giống như chính bản thân đang đi trực tiếp vậy”, anh Hoàng chia sẻ. Mọi hoạt động của tổ vận hành đều được kiểm soát chặt chẽ. Từ nhận phiếu công tác, triển khai nhiệm vụ tại hiện trường, các phương án sửa chữa, thiết bị bảo hộ cho đến tính an toàn trong khắc phục sự cố... Không những nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát ATLĐ, với việc triển khai ECP, sẽ không có sự bao che hoặc đánh giá cảm tính. “Bất kỳ vi phạm nào đều được ghi nhận công khai, lưu trữ trên hệ thống, không chỉ cán bộ bộ phận ATLĐ tại đơn vị mà ngay tại cấp công ty, cấp tổng công ty đều nắm được.
Xuất phát từ yêu cầu bắt buộc, đến nay việc sử dụng ECP đã trở thành thói quen không thể thiếu đối với bất kỳ nhân viên điện lực nào. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức Tâm, Đội Quản lý tổng hợp (Điện lực Bình Giang), nếu ngày hôm sau có lịch thực hiện nhiệm vụ trên lưới điện thì từ chiều hôm trước anh đã chủ động xem lại phiếu công tác được cấp trên hệ thống. “Thông tin công việc cụ thể, các biện pháp bảo đảm ATLĐ, số lượng người thực hiện… đều được cung cấp rõ ràng”, anh Tâm cho biết.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ trên lưới điện, anh Tâm phải tập hợp nhóm làm việc để triển khai các phần việc cụ thể cũng như công tác bảo đảm an toàn. Khi thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng phần mềm ghi lại hình ảnh có xác định thời gian, tọa độ cụ thể gửi lên phần mềm để các cấp kiểm soát. “Những thói quen đó hình thành rõ nét, dần trở thành văn hóa lao động đối với chúng tôi. Không chỉ bảo đảm tối đa hiệu quả công việc của mỗi người mà còn góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị”, anh Tâm nói.
Cũng chính nhờ ứng dụng này, Đội Quản lý vận hành Điện lực Bình Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ Điện lực Cẩm Giàng khi đơn vị này bị phong tỏa do dịch Covid-19 hồi đầu tháng 2.2021. Mặc dù bị phong tỏa nhưng nhân viên Điện lực Cẩm Giàng vẫn có thể theo dõi mọi hoạt động của đội hỗ trợ đang thay mình thực hiện nhiệm vụ ngoài hiện trường. Sự phối hợp thông qua màn hình ti vi cài đặt phần mềm ECP đã giúp 2 lực lượng kịp thời khắc phục một số sự cố thời điểm đó. Nguồn điện năng cung cấp cho toàn huyện Cẩm Giàng cũng nhờ đó được bảo đảm.
HÀ KIÊN - THANH HOA