Hải Dương nay khác xa xưa

Chính trị - Ngày đăng : 08:32, 01/01/2022

Sau 25 năm tái lập tỉnh (1.1.1997-1.1.2022), Hải Dương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực.


Thủ phủ của tỉnh Hải Dương từ một thị xã nhỏ đã trở thành đô thị loại I.
Ảnh: THÀNH CHUNG

Phát triển nhanh

Năm 1997, khi tái lập tỉnh, Hải Dương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất còn thấp. Hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực để đầu tư, cải tạo, nâng cấp... Song với quyết tâm cao, đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nắm bắt thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Trong suốt 25 năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục tăng. Nhiều chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế đã vượt rất xa, gấp rất nhiều lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp là chủ đạo sang sản xuất công nghiệp là chính. Nếu như năm 1997, cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ tương ứng là 36%-34%-30% thì đến năm 2021 tỷ trọng các ngành trên là 9,5% - 61% - 29,5%. Năm 1997, tổng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 3.392 tỷ đồng thì năm 2021 đã đạt 287.540 tỷ đồng, gấp gần 85 lần. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 42.207 tỷ đồng, gấp 24 lần năm 1997. 

Đến nay, tỉnh đã có 11 khu công nghiệp, 40 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 80%. Năm 1997, khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ chiếm 1,7% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thì nay đã đóng góp tới 35%. Hải Dương đã thu hút được trên 9,2 tỷ USD FDI với 492 dự án đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 20.494 tỷ đồng, gấp 45 lần so với lúc mới tái lập tỉnh. Từ năm 2017, Hải Dương bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tự cân đối thu - chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương.

Tỉnh cũng tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiều công trình lớn, công trình trọng điểm, công trình giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh và liên tỉnh. Hàng chục cây cầu lớn như cầu Chanh, cầu Hiệp, cầu Triều, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Hợp Thanh, cầu Mây, cầu Hàn... đã xóa bỏ tình trạng đò phà cách trở, tạo thuận lợi đi lại giữa các địa phương trong tỉnh và giữa Hải Dương với các địa phương lân cận. Nếu trước đây huyết mạch giao thông chính của tỉnh là quốc lộ 5 thì nay Hải Dương đã có các tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chạy qua. Các quốc lộ 38B, 38, 37... được nâng cấp, cải tạo; đường trục Bắc-Nam được xây dựng giúp hạ tầng giao thông trong tỉnh ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần phát triển nhiều vùng quê trong tỉnh.

Thủ phủ của tỉnh Hải Dương từ một thị xã nhỏ đã trở thành đô thị loại I. Huyện Chí Linh trở thành thành phố, huyện Kinh Môn đã lên thị xã. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đã đạt 31,9%. Hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn như đường giao thông, công trình cấp nước sạch, công trình văn hóa, xã hội... có sự thay đổi rõ rệt. Đến hết năm 2021, Hải Dương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Hệ thống chính trị vững mạnh

Cùng với các thành tựu về phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,7 triệu đồng, gấp 18 lần năm 1997. Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh hiện chỉ còn 1%. Nếu như năm 1997 chỉ có 50% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh thì nay hệ thống nước sạch đã phủ khắp trong tỉnh. 

Nhiều năm qua, Hải Dương luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa luôn được chú trọng. Năm 1997, toàn tỉnh mới có 9 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa thì đến năm 2021 có 90% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu này. Hải Dương đã có hát ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; 4 di tích, cụm di tích là Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn miếu Mao Điền, cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội, công an trong sạch, vững mạnh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở.

Song song với phát triển kinh tế - xã hội, Hải Dương cũng luôn chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Nếu như cuối năm 1997 toàn tỉnh có 74.082 đảng viên thì đến nay Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc và 678 tổ chức cơ sở đảng với trên 108.000 đảng viên. Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Hằng năm có từ 80% số tổ chức cơ sở đảng trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dần đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về nêu gương. Tính riêng từ năm 2016-2021, toàn tỉnh có trên 30.000 tấm gương được ghi trong Sổ người tốt, việc tốt; khen thưởng 2.736 tập thể, cá nhân; cấp tỉnh tặng bằng khen cho 161 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu trong học và làm theo gương Bác; 1 tập thể, 3 cá nhân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Các phong trào thi đua, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể phát động được tỉnh thực hiện tích cực, có hiệu quả. 

Chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển từ khi tái lập tỉnh Hải Dương là thực tiễn sinh động thể hiện kết quả công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Những thành tựu quan trọng đạt được ngày càng khẳng định vị thế, bước phát triển lớn mạnh để Hải Dương vững vàng tiến về phía trước, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Ngày 26.1.1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 504 hợp nhất tỉnh Hải Dương với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng.

Trong 29 năm hợp nhất, trải qua 7 kỳ đại hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Hưng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu như danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (năm 1978), Huân chương Sao Vàng (năm 1985).

Để phù hợp với tình hình mới, ngày 6.11.1996, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết về việc tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có Hải Hưng. Ngày 1.1.1997, tỉnh Hải Dương và Hưng Yên chính thức được tái lập.

25 năm sau ngày tái lập tỉnh (1.1.1997-1.1.2022), cả Hải Dương và Hưng Yên đều không ngừng phát triển, bứt phá đi lên; nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đều cho rằng việc chia tách hai tỉnh là quyết sách phù hợp với thực tiễn. Dù đã chia tách nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh vẫn giữ mối quan hệ bền chặt, thắm tình anh em.

Khai thác tốt tiềm năng địa phương


Trước khi tái lập, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Hải Hưng còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của nền kinh tế yếu kém, lao động thủ công là phổ biến, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh yếu… Trong khi đó, hạ tầng, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. 

Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, Trung ương thực hiện tái lập 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Việc tái lập tỉnh tạo điều kiện cho mỗi địa phương khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển về mọi mặt, thực hiện đúng đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Tái lập tỉnh cũng nhằm tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp ủy, chính quyền đối với cơ sở, bảo đảm sự sâu sát, giải quyết kịp thời công việc của địa phương, tăng cường giữ vững an ninh - quốc phòng.

Những thành tựu to lớn Hải Dương và Hưng Yên đạt được sau 25 năm tái lập tỉnh đã chứng minh quyết định quan trọng của Trung ương là đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Đây cũng là tiền đề, động lực quan trọng để mỗi tỉnh phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra những đột phá nhằm phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững.

PHẠM VĂN BẢO 
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh


Tình cảm bền chặt


25 năm qua cũng là từng ấy thời gian tình cảm của hai tỉnh Hải Dương - Hưng Yên ngày một hun đúc, bồi đắp thêm bền chặt. Một trong những cầu nối quan trọng giữa con em hai địa phương là Ban liên lạc Hội Đồng hương của hai tỉnh. Đầu năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 nên chúng tôi không tổ chức được buổi gặp mặt, còn từ năm tái lập đến năm 2020, vào dịp Tết Nguyên đán, Ban liên lạc Hội Đồng hương Hưng Yên tại Hải Dương đều duy trì tổ chức. Đây là dịp để chúng tôi gặp mặt, chia sẻ với nhau những tình cảm, động viên nhau cùng phát triển; thăm hỏi, tặng quà, chúc thọ hội viên cao tuổi. Đặc biệt, các buổi gặp mặt đều có lãnh đạo của hai tỉnh đến dự, động viên, thông tin tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân hai bên.

Ngoài ra, một cầu nối giúp tình cảm của hai tỉnh Hải Dương - Hưng Yên càng bền chặt là nhiều năm nay, từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ban, ngành, đoàn thể đều có nhiều hoạt động gắn kết như thăm hỏi, gặp mặt, giao lưu, trao đổi, hỗ trợ nhau trong thực hiện các nhiệm vụ. Nhiều cơ quan, đơn vị, nhân dân của hai tỉnh còn có hoạt động tương trợ lẫn nhau như xây nhà tình nghĩa, ủng hộ người dân gặp khó khăn, hoạn nạn. Các doanh nghiệp cũng tăng cường hợp tác...

Thời gian tới, chúng tôi mong rằng lãnh đạo hai tỉnh và các cơ quan, đơn vị, người dân có thêm nhiều hoạt động để tình cảm của hai quê ngày càng bền chặt.

NGUYỄN HẢI TRIỀU 
Trưởng Ban liên lạc đồng hương Hưng Yên tại Hải Dương


Bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội


Chứng kiến quãng thời gian 25 năm sau ngày hai tỉnh Hải Dương - Hưng Yên tái lập, điều tôi cảm nhận rõ nhất là hai địa phương có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Hải Dương đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Tỉnh hiện có hàng chục khu, cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ. Nhiều tuyến đường huyết mạch, cây cầu được nâng cấp, xây dựng, tạo sự kết nối giữa Hải Dương với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc. 

Năm 2021, thật đáng mừng vì dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh ta vẫn có tốc độ tăng trưởng khá cao, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. 

Thời gian tới, tôi mong rằng hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình để tạo nhiều bứt phá hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

BÙI XUÂN HUẤN 
(phố Đoàn Kết, TP Hải Dương) 


HOÀNG LONG - PV