Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 11:41, 01/01/2022

Để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần những chỉ đạo quyết liệt, trong đó yêu cầu kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.

Một biện pháp để "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá"

Việc thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công chủ đề năm 2022 đã được tỉnh Hải Dương xác định là "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá".

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch ĐTC vốn ngân sách địa phương, tổng vốn ĐTC nguồn ngân sách địa phương năm 2022 là 4.167,27 tỷ đồng, phân bổ về các cấp ngân sách như sau: Vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã là 2.978,621 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là 1.188,649 tỷ đồng.

Để giải ngân 100% vốn ĐTC năm 2022 nguồn ngân sách địa phương bảo đảm tiến độ đề ra là chuyện không dễ bởi thực tế nhiều năm qua tiến độ giải ngân vốn thường bị chậm, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp. Thậm chí, một số dự án đã có kế hoạch giao vốn nhưng chưa thực hiện giải ngân, có dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chậm thanh quyết toán.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Những ngày cuối năm 2021, số ca nhiễm mới ở Hải Dương tăng cao là một trở ngại khách quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư xây dựng.

3 kinh nghiệm quan trọng của năm 2021

Vậy những kinh nghiệm, giải pháp quan trọng nào cần được triển khai để thực hiện tốt nhiệm vụ ĐTC trong năm mới 2022?

Nhìn lại việc thực hiện nhiệm vụ ĐTC năm 2021 cho thấy 3 kinh nghiệm bổ ích.

Thứ nhất, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong giải ngân vốn ĐTC đã mang lại tác dụng rõ rệt. Điển hình là ngày 24.9.2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2801/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 tỉnh Hải Dương.

Thứ hai, căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh có sự điều chỉnh linh hoạt vốn ĐTC giữa các dự án. Đây là một kinh nghiệm quan trọng trong giải ngân vốn ĐTC của giai đoạn 2016-2020 tiếp tục được UBND tỉnh áp dụng trong năm 2021. Cụ thể, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh đã chủ động rà soát, điều chỉnh giảm kế hoạch ĐTC vốn nguồn ngân sách tỉnh đối với vốn chuẩn bị đầu tư, vốn chưa phân bổ chi tiết và vốn của 26 dự án dư vốn, dự án có khối lượng thực hiện đạt thấp hơn kế hoạch vốn giao, dự án chậm giải ngân để ưu tiên bố trí cho 12 dự án đã có khối lượng hoàn thành, 1 dự án khởi công mới; thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn kéo dài dự kiến phân bổ cho 2 dự án để thanh toán khối lượng hoàn thành cho 1 dự án.

Thứ ba, năm 2021 cũng đánh dấu những tín hiệu thể hiện sự quyết liệt trong xác định, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan khi chậm giải ngân vốn ĐTC. Tỉnh yêu cầu cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ hằng tháng tổng hợp, lập báo cáo chi tiết tình hình thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, lập cam kết giải ngân vốn năm 2021. Kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra (trừ lý do khách quan, bất khả kháng), kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; nếu năm 2021 giải ngân không đạt 100% kế hoạch vốn giao thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân có liên quan.

Đó là 3 kinh nghiệm quan trọng của năm 2021 cần tiếp tục được quan tâm áp dụng trong năm 2022.

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

Từ nhiều năm qua, việc giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án bị chậm trễ là một nút thắt lớn làm chậm tiến độ đầu tư, giải ngân vốn ĐTC. Hải Dương đã xác định năm 2022 là năm giải phóng mặt bằng của chính quyền các cấp trong tỉnh. Do đó, quyết liệt giải phóng mặt bằng là một lực đẩy để nhanh chóng giải ngân vốn ĐTC.

Ngoài ra, nhiều giải pháp quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết của HĐND tỉnh cần được tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu năm mới. Đó là các cơ quan chức năng hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Đối với dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2021 trở về trước, chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ quyết toán, trình phê duyệt. Đối với dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công ngay sau khi được giao vốn và sớm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán, giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2022, trong đó phấn đấu đến ngày 30.9 giải ngân từ 70% trở lên. Đối với dự án khởi công mới, chủ đầu tư tập trung triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu để dự án khởi công trước tháng 7.2022. Trong quá trình thực hiện đầu tư, phải sớm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân hết kế hoạch vốn giao trong năm 2022, trong đó phấn đấu đến ngày 30.9 giải ngân từ 60% trở lên.

TUẤN NGUYÊN (Ninh Giang)