Độc đáo không gian Chu Văn An
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 08:00, 02/01/2022
Không gian trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An
Trải nghiệm thú vị
Đến tham quan gian trưng bày chuyên đề "Chu Văn An - Thượng tường Sơn đẩu" tại Bảo tàng tỉnh, chị Nguyễn Thị Tuyết (ở phố Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương) rất bất ngờ vì không gian trưng bày hoàn toàn khác lạ so với những lần trước chị đến đây. Chị Tuyết cho biết: "Những thông tin, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An được tái hiện chân thực và sinh động giống như đang xem một bộ phim tài liệu. Trên các tấm vải lụa trắng mềm mại, những bức tranh cổ cùng những thông tin về thầy giáo Chu Văn An được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, không nhàm chán. Cuối tuần này tôi nhất định sẽ dẫn hai con đến đây tham quan, trải nghiệm".
Chuyên đề giới thiệu về thầy giáo Chu Văn An được Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng tỉnh đưa về trưng bày tại Hải Dương vì nơi đây gần như là quê hương thứ hai của danh nhân.
Sau khi từ quan, thầy giáo Chu Văn An đã tìm về Chí Linh để ở ẩn, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh cứu người, làm thơ, viết sách lưu truyền cho hậu thế. Khi mất, thầy được nhân dân Hải Dương lập đền thờ. Vì vậy, theo Giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn miếu - Quốc Tử Giám, lựa chọn trưng bày chuyên đề "Chu Văn An - Thượng tường Sơn đẩu" tại Hải Dương rất có ý nghĩa, giúp người dân địa phương hiểu hơn về thầy giáo Chu Văn An thông qua một cách làm mới lạ. Không gian trưng bày này do những họa sĩ, nhà thiết kế nổi tiếng của Pháp và nhiều cán bộ, nhân viên của trung tâm thực hiện kỳ công trong một thời gian dài.
2 chủ đề trong gian trưng bày "Chu Văn An - Thượng tường Sơn đẩu" là "Túc thanh cao" và "Gương thầy sáng mãi" được giới thiệu liền mạch, khoa học. Nội dung giới thiệu về thầy giáo Chu Văn An cũng được thể hiện khá phong phú từ những câu thơ, câu đối đến câu chuyện nho nhỏ kể về thầy. Đặc biệt, phần lớn thông tin trưng bày tại Bảo tàng được dịch ra 2 thứ tiếng là Anh và Pháp.
Điểm thú vị nữa của chuyên đề trưng bày lần này là sự độc đáo về chất liệu. Nội dung, hình ảnh và những bức vẽ mô phỏng cuộc đời, sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An được viết hoặc vẽ trên nền lụa trắng. Các tấm lụa chữ này nổi bật nhờ nghệ thuật dùng ánh sáng đèn hắt phía sau. Xen kẽ trong không gian trưng bày bằng lụa là những tấm gỗ nhỏ được viết, vẽ, chạm khắc để biểu đạt thông tin về chuyên đề một cách kỳ công.
Tại không gian trưng bày, du khách cũng có thể trải nghiệm viết chữ Hán. Tại đây, nhân viên Bảo tàng tỉnh hướng dẫn chi tiết, cụ thể để khách có thể tự mình viết những câu đối, câu thơ của thầy giáo Chu Văn An bằng chữ Hán hoặc có thể tự viết những dòng chữ theo ý mình.
Giáo dục truyền thống hiếu học
Theo bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn miếu - Quốc Tử Giám mà một không gian trưng bày mới lạ và ý nghĩa đã có mặt tại Hải Dương. Thông qua nội dung trưng bày này, Bảo tàng tỉnh sẽ giới thiệu đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong tỉnh về một người thầy của mọi thời đại, những giá trị lịch sử văn hóa tốt đẹp, đặc biệt là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của người dân xứ Đông xưa, Hải Dương nay. Từ đó, khơi gợi niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng con người Hải Dương văn minh, hiếu học và có khát vọng vươn lên.
Bạn Phạm Phương Thảo (ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình, TP Hải Dương), sinh viên Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) lần thứ 2 được tham quan gian trưng bày giới thiệu về thầy giáo Chu Văn An nhưng vẫn thấy thích thú. Thảo cho biết, trước đó, vào tháng 11.2020, em đã được trải nghiệm không gian này ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Năm nay khi thấy giới thiệu không gian như vậy tại Bảo tàng tỉnh, Thảo lại tranh thủ đến tham quan lần nữa. "Lần này đến đây em có nhiều thời gian hơn để đọc và tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An. Qua đó, em cũng thấy được truyền thống hiếu học của cha ông ta xưa", Thảo nói.
Chuyên đề "Chu Văn An - Thượng tường Sơn đẩu" được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh từ ngày 29.12.2021 đến 28.2.2022. Theo bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, để có thêm nhiều người dân trong tỉnh biết đến không gian trưng bày mới lạ này, Bảo tàng tỉnh dự kiến phối hợp với một số đơn vị và địa phương tổ chức giới thiệu chuyên đề tại Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) và đền thờ thầy giáo Chu Văn An tại Chí Linh. Đây là một trong những cách để Bảo tàng tỉnh đến gần hơn với công chúng và giúp thầy cô giáo có tư liệu, không gian cho học sinh trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử địa phương.
HẢI MINH