COVID-19 có thể gây tổn thương và sẹo ở thận

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:05, 02/01/2022

Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Cell Stem Cell, bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ bị tổn thương thận nghiêm trọng lâu dài.

1. COVID-19 có thể gây sẹo ở thận

Các nhà nghiên cứu Đức, Hà Lan và Mỹ cho biết, không chỉ phải chịu đựng tình trạng mắc COVID-19, một số bệnh nhân có thể còn bị các vết sẹo và tổn thương thận kéo dài. Tổn thương này có thể là do khả năng tấn công trực tiếp vào thận của SARS-CoV-2.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi, đánh giá 89.000 người bị mắc COVID-19, và nhận thấy nguy cơ tổn thương thận dai dẳng tăng cao đáng kể ở cả những người bị tình trạng bệnh nặng phải nhập viện và những người bị tình trạng bệnh tương đối nhẹ.

Nhóm nghiên cứu cho biết, câu hỏi chính được đưa ra khi họ bắt đầu tiến hành nghiên cứu này không phải là xem COVID-19 có thể gây tổn thương thận hay không, vì điều này đã khá rõ ràng, mà họ muốn biết xem liệu tổn thương thận có phải là hậu quả tác động gián tiếp của tình trạng viêm do phản ứng miễn dịch của bệnh nhân với SARS-CoV-2 hay do SARS-CoV-2 tác động trực tiếp đến thận.

SARS-CoV-2 đã gây ra tổn thương trực tiếp các tế bào thận

Để tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã khai thác công nghệ tế bào gốc để tạo ra mô hình các quả thận nhỏ dành cho mục đích thử nghiệm. Mô thận được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm này sau đó được cho tiếp xúc với SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, SARS-CoV-2 đã gây ra tổn thương trực tiếp các tế bào thận, bên cạnh tình trạng viêm do phản ứng miễn dịch, và tổn thương này để lại sẹo lâu dài ở thận.

Theo nhóm nghiên cứu, nghiên cứu hiện mới chỉ tập trung vào nguy cơ hình thành sẹo liên quan đến tình trạng bệnh COVID-19 nặng. Hiện vẫn chưa rõ liệu virus tấn công trực tiếp mô thận có gây ra tổn thương nghiêm trọng tương tự cho những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nhẹ hơn hay không.

2. Ý kiến chuyên gia

Kết quả nghiên cứu mới này đã mang đến sự hiểu biết sâu hơn về cơ chế mô thận bị tổn thương khi tiếp xúc với SARS-CoV-2 trong môi trường phòng thí nghiệm.

Tác giả nghiên cứu, TS. Rafael Kramann, Giám đốc Viện y học Thực nghiệm và Sinh học hệ thống tại Bệnh viện Đại học RWTH ở Aachen (Đức) cho biết: "Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm các tế bào thận ở bệnh nhân, và đây là điều mà chúng tôi cũng đã quan sát được. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là COVID-19 cũng có liên quan đến quá trình xơ hóa, hình thành sẹo trong thận của bệnh nhân. Và sự hình thành sẹo đó không phải là vấn đề nhỏ, vì nó có thể dẫn đến tình trạng phá hủy cấu trúc của thận và dẫn đến suy thận".

Nên tiêm vaccine chủ động phòng tránh nhiễm COVID-19.

Theo TS. Ziyad Al-Aly, Giám đốc Trung tâm dịch tễ học lâm sàng thuộc Hệ thống Chăm sóc sức khỏe VA St. Louis (Mỹ): "Chúng tôi đã biết rằng COVID-19 kéo dài cũng có thể biểu hiện dưới dạng bệnh thận mới khởi phát, nhưng chúng tôi chưa rõ cơ chế gây bệnh. Nghiên cứu mới này đã cung cấp một số câu trả lời, đó là SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm các tế bào thận và có thể để lại sẹo ở thận. Đây là loại tổn thương thận dẫn đến suy giảm chức năng thận, gây bệnh lý thận và nói chung là không thể hồi phục".

"Mặc dù chưa thể xác định được bệnh nhân COVID-19 ở tình trạng nào dễ bị tổn thương thận nhất, nhưng chúng ta đều biết COVID-19 kéo dài có thể xảy ra ngay cả ở những người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ, tuy vậy nguy cơ cao hơn ở những người mắc COVID-19 nặng" - Al-Aly nhấn mạnh thêm.

Các chuyên gia cho rằng các loại thuốc kháng virus mới được phát triển có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 kéo dài. Song, điều này vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất hiện nay là mọi người hãy nên chủ động phòng tránh nhiễm COVID-19.

Theo Sức khỏe và Đời sống