Xuất khẩu giữ đà tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 02/01/2022
Năm 2022, Công ty CP Vật liệu công nghệ cao An Cường phấn đấu mở rộng xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng của châu Âu và khu vực Đông Nam Á
Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, giữ đà tăng trưởng.
Hải Dương trong tốp đầu
Trong năm vừa qua, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng mỗi doanh nghiệp vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên, giữ vững đà tăng trưởng.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng chủ lực của tỉnh, Công ty TNHH May Tinh Lợi (Công ty Tinh Lợi) nhiều năm liền giữ vững danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2020 công ty này có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ nhất trong số 43 doanh nghiệp dệt may xuất khẩu uy tín của cả nước. Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là công ty phải tạm dừng sản xuất 2 lần do có ca mắc Covid-19 trong nhà máy nhưng với sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm cao, doanh nghiệp vẫn bảo đảm được kế hoạch xuất khẩu đã đề ra. “Năm 2021, chúng tôi hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 650 triệu USD, tăng hơn 15% so với năm 2020”, ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty Tinh Lợi chia sẻ.
Tháng 8.2021, Công ty CP Vật liệu xây dựng công nghệ cao An Cường (Công ty An Cường) trong khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (TP Hải Dương) vinh dự là một trong 21 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất dẻo của cả nước được Bộ Công thương bình chọn là "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2020. Công ty An Cường chuyên xuất khẩu các sản phẩm hoàn thiện nội thất công nghệ cao như sàn nhựa, tấm ốp tường, trần và phào chỉ trang trí. Năm 2020, công ty này đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu m2 sản phẩm sang thị trường các nước Mỹ, Australia, một số nước ở châu Âu và Đông Nam Á. Sản phẩm của công ty là một trong những ngành hàng xuất khẩu mới của tỉnh nhưng đã khẳng định được thương hiệu và vị thế. Năm 2021, tổng sản lượng xuất khẩu của công ty tăng 240%, doanh thu tăng 262% so với năm 2020. Ông Hoàng Anh Tú, Giám đốc Sản xuất Công ty An Cường chia sẻ: “Có được kết quả này là nhờ ban lãnh đạo công ty đã chủ động có giải pháp thích ứng linh hoạt để doanh nghiệp phát triển ổn định trong bất kỳ tình huống biến động nào".
Nhờ sự đóng góp của những doanh nghiệp như Công ty Tinh Lợi, Công ty An Cường... mấy năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Hải Dương liên tục phát triển. Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy, năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 4/11 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Xuất khẩu trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế chung của Hải Dương năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9.859 triệu USD, vượt 14,7% kế hoạch năm, tăng 27,1% so với năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là may mặc, giày dép, máy móc và linh kiện điện tử, cáp và dây cáp điện. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU), các nước ASEAN. Số liệu từ Chi cục Hải quan Hải Dương cũng cho thấy sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh trong năm 2021. Tổng số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại chi cục trong năm 2021 tăng 9% so với năm 2020. Số lượng tờ khai và kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng trên 10%.
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công thương cho biết Hải Dương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa được chú trọng từ việc huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến việc xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH May Tinh Lợi trong năm 2021 dự kiến tăng khoảng 15% so với năm 2020
Mở rộng thị trường
Hiện nay, một số thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Các doanh nghiệp đã tập trung củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Bên cạnh đó, tình hình lưu thông hàng hóa trong nước đã thuận lợi hơn. Chi phí logistics đang có dấu hiệu chững lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đã đề ra mục tiêu xuất khẩu trong năm 2022 và kỳ vọng vào sự bứt phá hơn nữa trong tương lai.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Anh Tú, trong năm 2022, Công ty CP Nhựa Hà Nội (công ty mẹ) sẽ đầu tư khoảng 220 tỷ đồng vào Công ty An Cường để nâng cao sản lượng hàng hóa, tăng lượng hàng xuất khẩu. Năm 2022, Công ty An Cường sẽ mở rộng xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng khác của châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Công ty đặt mục tiêu phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Còn Công ty Tinh Lợi đã chủ động tìm nhà cung cấp mới để thay đổi, thiết lập chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm nguyên liệu đầy đủ, kịp thời cho sản xuất. Để hạn chế tối đa xuất khẩu bằng đường hàng không nhằm giảm chi phí, Công ty Tinh Lợi đã tìm hiểu, kết nối với các DN vận tải mới và trả thêm phí để bảo đảm hàng hóa đến tay khách hàng đúng tiến độ theo thời gian đã ký.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hải Dương Đinh Xuân Vinh chia sẻ việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, các quốc gia là đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á… không triển khai “zero Covid” sẽ tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa. Đây là các điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, góp phần giúp xuất khẩu giữ đà tăng trưởng trong thời gian tới.
TRANG LAN