Giám đốc Bệnh viện Phổi: "Cách gọi F0, F1 không còn phù hợp"

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:25, 03/01/2022

Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Viết Nhung nhận định lạc quan về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trong năm 2022 và cho rằng cách gọi "F0", "F1" không còn phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam trao đổi với báo chí về dự báo tình hình dịch Covid-19 trong năm nay.

- Tổng Giám đốc WHO mới đây đưa ra thông điệp năm 2022 có thể là năm đánh dấu mốc chấm dứt Covid-19 ở dạng đại dịch. Ông nghĩ sao về phát biểu này?

- Nhận định của Tedros Adhanom Ghebreyenus dựa trên cơ sở khoa học về đặc tính của virus Corona có thể đột biến thành các biến chủng, lây truyền nhanh, nhưng độc tính không tăng lên và nhiều người bị nhiễm nhẹ có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng. Hơn nữa, khi con người được tiêm vaccine, có sức đề kháng, miễn dịch nhất định (có thể không đặc hiệu với mọi biến chủng) thì cũng làm cho biểu hiện của bệnh khi nhiễm sẽ nhẹ và độc lực tự nhiên của virus cũng có thể giảm dần.

Thực tiễn cũng cho thấy các biến chủng ngày càng lây truyền nhanh, nhất là chủng Delta và bây giờ là Omicron. Từ khi xuất hiện đến nay, biến chủng càng về sau thì lây lan càng nhanh hơn, tuy nhiên độc lực không tăng lên. Biến chủng Omicron gần đây được đánh giá là với số lượng lớn các đột biến và khả năng lây tăng đến 500% (tức là khoảng 5 lần), thậm chí còn cao hơn, nhưng theo nghiên cứu về dịch tễ ở các khu vực, nhất là Nam Phi (nơi tuyên bố phát hiện đầu tiên chủng Omicron) và nhiều quốc gia khác thì độc lực được đánh giá giảm hơn chủng Delta.

Sau Omicron có thể có những biến chủng khác nhưng với tiến trình thông thường như trên, sẽ không còn đáng ngại sự bùng phát thành đại dịch nữa. Cạnh đó, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đó là phát triển thành công 10 loại vaccine được WHO phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, phân bổ hơn 8,5 tỷ liều vaccine trên toàn cầu.

Mặt khác, việc điều trị cho những người nhiễm Covid 19 hiện nay cũng đỡ áp lực hơn. Khi chưa có bao phủ vaccine thì có khoảng 84% người nhiễm là thể nhẹ và không triệu chứng. Hiện nay với bao phủ vaccine, 90-95% người nhiễm là thể nhẹ và không triệu chứng, có thể theo dõi và điều trị ngay tại tuyến cơ sở và tại nhà bằng tư vấn tâm lý và cách theo dõi sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện và dùng thuốc hợp lý.

Đặc biệt, gần đây đã có những thuốc kháng virus điều trị hiệu quả đã được phê duyệt như Remdesivir (thuốc tiêm) và 3 loại thuốc uống: Favipiravir, Molnupirarvir, Paxlovid, cần được dùng giai đoạn sớm để giảm nhanh triệu chứng, không chuyển nặng và giảm nhanh nồng độ virus để cắt sớm nguồn lây. Thuốc uống có thể áp dụng điều trị tại cộng đồng mà không cần vào bệnh viện. Điều này rất quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lực y tế, không bị quá tải và giảm thiểu tử vong do Covid-19.

- Còn tại Việt Nam, ông dự báo diễn biến dịch bệnh thời gian tới như thế nào?

- Tại Việt Nam, tôi cho rằng tình hình dịch cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng khả quan với điều kiện cần thiết, nghĩa là Covid-19 sẽ không bùng phát thành đại dịch, khi chúng ta thực hiện tốt theo đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tất cả các địa phương cần làm đúng, tránh tình trạng sợ dịch quá nên ngăn sông cấm chợ, không dựa trên cơ sở khoa học nào, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và phiền hà cho người dân, hoặc thái cực khác "linh hoạt kiểu buông lỏng", chủ quan, thì đều rất nguy hiểm.

Chủng Omicron hiện đã vào tới Quảng Nam, vừa rồi giải trình tự gene phát hiện 14/15 mẫu dương tính với Omicron. Ở Hà Nội cũng đã có trường hợp nhập cảnh nhiễm biến thể này. Chúng ta chưa biết rõ tình hình biến chủng Omicron ở Việt Nam sẽ như thế nào, cần phải theo dõi, giám sát dịch và biến chủng này cả trong nước cũng như trên thế giới.

Vì Covid-19 là đại dịch toàn cầu, trong bối cảnh chúng ta đang từng bước mở cửa thận trọng, an toàn, khôi phục kinh tế xã hội, cho nên phải vừa chống dịch trong nước và theo dõi sát diễn biến ở các nước khác. Mới đây, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ông António Guterres đã kêu gọi tất cả các nước đoàn kết lại, các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển kiểm soát dịch Covid 19 để có thể khôi phục lại các chỉ tiêu trong nghị quyết Liên hợp quốc cho năm 2022.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam. Ảnh: TTX

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam. Ảnh: TTX

- Đâu là những giải pháp cần áp dụng để tình hình dịch bệnh "diễn biến theo chiều hướng khả quan" như ông nói ở trên?

- Hiện nay, trọng tâm chống dịch phải đặt ở cấp phường/xã, đủ năng lực để chủ động quản lý dịch tại địa bàn. Chúng tôi đang hỗ trợ các phường/xã dần hoàn thiện ba năng lực quan trọng nhất. Đó là giám sát dịch; quản lý điều trị tại nhà và tại trạm y tế lưu động; rà soát tiêm vaccine phòng Covid 19 đầy đủ cho nhóm người dễ bị tổn thương là người tuổi trên 50 và có bệnh nền.

Trước hết là năng lực giám sát dịch, các phường, xã phải biết dịch xuất hiện ở đâu, với ai, và xử lý ổ dịch đó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, bao gồm cả hiệu quả kinh tế. Muốn như thế, cần sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin, sự chủ động khai báo của người dân.

Khi người dân đi từ vùng dịch về có thông báo với chính quyền, thì chính quyền trao quyền xét nghiệm cho họ. Hiện nay, chúng ta tránh dùng từ F0, F1. Gọi như vậy không còn phù hợp nữa vì có thể tạo ra tư tưởng kỳ thị, mặc cảm trong xã hội. Ai nhiễm virus thì là gọi là người nhiễm, vì nhiễm chưa chắc đã bị bệnh do người dân đã tiêm vaccine, không có triệu chứng.

Năng lực thứ hai rất quan trọng là năng lực quản lý điều trị. Hiện nay, 90-95% người nhiễm Covid-19 là nhẹ và không triệu chứng nên cần phải quản lý ở tuyến phường/xã, chủ yếu là cách ly điều trị tại nhà khi đủ điều kiện và tại trạm y tế lưu động nếu không đủ điều kiện; còn lại 5-10% ở thể nặng thì mới đi bệnh viện.

Muốn như thế, phải có hai tổ chức quan trọng, tích hợp thành một hệ thống, đó là trạm y tế lưu động và tổ Covid cộng đồng. Trạm y tế lưu động cũng như tổ Covid cộng đồng cần nhiều cán bộ, nhưng cán bộ y tế chỉ là nòng cốt, và có sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội hỗ trợ như cán bộ phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người tình nguyện... để hỗ trợ chăm sóc y tế, cách ly, dinh dưỡng, tập luyện cho người có thể thu dung, điều trị tại trạm và giám sát hỗ trợ người nhiễm điều trị tại nhà.

Điều kiện cách ly cũng cần tương đối mềm dẻo, có phòng riêng là tốt nhất, nhưng nếu không có phòng riêng nhưng tuân thủ, bảo đảm không lây nhiễm cho những người xung quanh thì vẫn có thể chấp nhận được.

Năng lực thứ ba là rà soát việc tiêm vaccine cho những người có nguy cơ chuyển nặng nhiều nhất - những người trên 50 tuổi và người có bệnh nền. Lực lượng chức năng phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, tìm ra được danh sách người trên 50 tuổi mà chưa tiêm thì phải tiêm bằng hết, đặc biệt là số trên 60 tuổi, có bệnh nền. Đa số nhóm này hiện chưa được tiêm vì cấp y tế cơ sở sợ biến chứng, thông báo cần tiêm tại bệnh viện nhưng không chỉ ra được đến bệnh viện nào. Do đó, Sở Y tế phải kêu gọi các bệnh viện, kể cả bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn vào cuộc. Số này khi tiêm đủ 3 mũi vaccine thì sẽ yên tâm.

- Khi bỏ cách gọi "F0" "F1" và trao quyền xét nghiệm cho người dân, khác với cách làm lâu nay, ý ông muốn đề cập đến phát huy vai trò của mỗi người dân trong chống dịch giai đoạn tới?

- Mỗi người dân phải chủ động bảo vệ cho mình bằng vaccine và 5k (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) để không nhiễm, nếu nhiễm thì không chuyển nặng và nếu chuyển nặng thì không tử vong. Chủ động phòng dịch cho mình cũng là cho người thân và cho cộng đồng.

Nếu mỗi xã/ phường, mỗi người dân chủ động kiểm soát dịch với đủ 3 năng lực nêu trên, cả nước có thể ăn Tết vui hơn năm trước, vì dù số ca nhiễm có thể vẫn có nhưng được kiềm chế, đặc biệt là không tăng nặng và không tử vong.

Việt Nam cần trao quyền kiểm soát dịch Covid-19 cho từng người dân, hoặc là từng gia đình. Mỗi gia đình phải có ít nhất một người thông hiểu về dịch Covid-19, bảo đảm có năng lực xét nghiệm nhanh nếu như cảm thấy nghi ngờ, hoặc thành viên nào đó có triệu chứng, nguy cơ nhiễm Covid-19. Kit Test nên có sẵn để người dân có thể tiếp cận được.

Trước đây, vấn đề nào cũng phải lực lượng y tế thực hiện, nhưng từ nay, hãy giao quyền chủ động chống dịch cho người dân. Tất nhiên khi có nghi ngờ thì xác định bệnh phải do nhân viên y tế kiểm soát.

Theo VnExpress