Nỗi đau hiếm muộn

Gia đình - Ngày đăng : 17:33, 04/01/2022

Biết tin mình bị vô sinh, Nguyễn Thu Hồng, 35 tuổi, khóc nguyên một ngày với cảm giác mình là người khiếm khuyết rồi đề nghị chồng ly hôn.

Hai vợ chồng Hồng đều là công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Sau một năm đầu trên hành trình đi tìm con, họ đã tiêu hết khoản tích góp. Sang năm thứ hai, anh chị phải vay mượn bạn bè khắp nơi. Nợ ngày một dày lên nhưng con thì vẫn không thấy đâu.

Không có cơ hội sinh con tự nhiên, bác sĩ bảo Hồng chỉ còn phương án cuối cùng là làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Nhưng nghe nói chi phí hơn 80 triệu đồng, Hồng bật khóc tại chỗ. Bước khỏi cửa phòng bệnh, chị thấy người phụ nữ cùng đợt điều trị từ năm ngoái đang ngồi thu mình ở góc cầu thang, mắt đỏ hoe. Hồng ngồi xuống hỏi han. "Tôi thì thiếu tiền, chị ấy thì không có trứng. Chị năn nỉ tôi chia trứng, đổi lại sẽ phụ tôi khoản kinh phí còn thiếu", Hồng kể.

Chị lắc đầu bảo "chẳng khác gì em đổi con". Nhưng sau nhiều đêm giằng xé, Hồng đồng ý. "Tôi tự an ủi mình đang tạo cơ hội cho cả hai cùng được làm mẹ", chị nói.

Hồng dối chồng có nhà tài trợ của bệnh viện hỗ trợ công nhân chi phí làm IVF. Nhưng khi chuyển phôi, chị thất bại, người phụ nữ kia thành công. "Tôi cảm giác như mình đang rơi xuống một cái hố rất sâu, không có cách nào để trèo lên được", chị mô tả lại nỗi đau.


Phụ nữ hiếm muộn phải trải qua nhiều đợt khám, điều trị đau đớn về tinh thần lẫn thể trạng. Ảnh minh họa: Huxiu

Thu Minh, 42 tuổi, ở Hạ Long, Quảng Ninh kết hôn với người chồng kém 5 tuổi sau ba năm sống chung. Từng đổ vỡ một lần và đã có con gái, chị tính chỉ yêu mà không cưới vì sợ vết thương cũ lặp lại. Đến khi mẹ người yêu ung thư giai đoạn cuối cầm tay, mong chị về làm dâu để sớm có cháu nội, Minh đồng ý cưới. Nhưng đã sáu cái giỗ của mẹ chồng, chị vẫn chưa có thai.

Sau cưới một năm, chị Minh đã đi khám hiếm muộn, phát hiện mình bị u nang buồng trứng. Biết một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh điều trị hiệu quả, vợ chồng chị khăn gói vào. Sau ba lần vào Nam ra Bắc, nghỉ làm suốt sáu tháng, cuối cùng chị được chỉ định làm IVF. Chị chuyển về một bệnh viện ở quê làm thụ tinh để đỡ công đi lại và bớt tiền trọ.

Đứa trẻ trong bụng được hai tuần tuổi thì mất, đúng ngày bố chồng chị qua đời. "Ở chỗ làm, tôi là một nhân viên tệ. Ở nhà, tôi là một người vợ tồi ", người phụ nữ làm trong ngành du lịch tự dằn vặt. Hai năm nay, chị không có thu nhập vì dịch. Anh chồng thợ hồ làm cũng chỉ đủ ăn. Vì kiếm con, tiền tiết kiệm hơn chục năm qua của chị không còn. Trên hành trình kiếm con, chị "xây lên" một khoản nợ hơn 200 triệu đồng.

Vợ chồng Hồng và Minh chỉ là hai trong khoảng một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn ở Việt Nam, chiếm 7,7%, theo Bộ Y tế. Trong đó, 50% số cặp vợ chồng hiếm muộn dưới 30 tuổi. Khoảng 30% trường hợp vô sinh nguyên nhân từ người chồng, 30% do vợ, 30% từ cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi có thai đầu) tăng 15 - 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, đứng sau ung thư, bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.

"Ngoài phải đánh đổi tiền bạc, sự nghiệp do thời gian điều trị kéo dài, chi phí đắt đỏ, bệnh nhân hiếm muộn còn phải chịu áp lực nặng nề từ xã hội", bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội), nói.

Năm cái Tết ở quê chồng, hầu như Hồng không ra khỏi nhà, không dám đi họp lớp. "Chỉ câu hỏi đơn giản 'có gì chưa' hay nhìn người ta nịnh con cháu tôi cũng thấy tổn thương", chị tâm sự.

Hồng thường chỉ trò chuyện với các "mẹ" trong một nhóm của người hiếm muộn, có hơn 1.200 thành viên vì cảm giác "họ nói cùng một thứ ngôn ngữ" với mình. Không muốn những người xung quanh bàn tán, vợ chồng chị giấu kín bệnh tình với cả gia đình. Mỗi lần đi chữa, chỉ hai vợ chồng âm thầm với nhau.

Chị Thu Minh thì sống hẳn ở nhà ngoại. Mỗi lần nhà nội có việc quan trọng, chị nhờ chồng nói hộ lý do để không phải về. Hai năm dịch bệnh với nhiều người là bất hạnh, nhưng Minh nói đó là cái cớ lý tưởng để chị không phải gặp nhà chồng. "Với những người hiếm muộn như tôi, sự quan tâm lớn nhất là đừng hỏi gì", chị nói.

Áp lực tâm lý, tiền bạc kéo dài đẩy hôn nhân của nhiều vợ chồng hiếm muộn xuống vực thẳm. Ở Việt Nam, chưa có thống kê, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, hôn nhân đổ vỡ vì hiếm muộn khá phổ biến. "Có đôi mất nhiều năm mới đủ điều kiện chuyển phôi, nhưng đến ngày chuyển lại thôi, vì người chồng đã có con với cô khác", bà kể.

Theo một nghiên cứu, khảo sát của Đại học Oxford tháng 3.2021, ở Mỹ Latinh, khoảng 1/5 phụ nữ không con ly hôn hoặc ly thân. Con số này lên tới 40% ở Nicaragua và Cộng hòa Dominica. Ở một số quốc gia khác, tỷ lệ ly hôn thấp hơn do nam giới có quyền lấy vợ hai, thay vì kết thúc hôn nhân do vô sinh.

Trong một lần gọi video về cho chồng, chị Thu Minh thấy đồ phụ nữ lạ trong phòng hai vợ chồng. Đó là khởi đầu cho những ngày cãi vã, rạn nứt. Chị viết đơn ly hôn, rồi rời khỏi nơi từng tin là bến đỗ đời mình.

Hiếm muộn cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng đẻ ít, đẻ thưa, khiến mức sinh trên cả nước giảm. Kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con mỗi phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con vào năm 2019.

Mức sinh thấp hơn cần thiết để duy trì dân số, hệ quả là tình trạng già hóa dân số đang đe dọa sự ổn định quốc gia. Dự báo đến 2050, Việt Nam sẽ trở thành "nước siêu già" với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 18%.


Bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, khám, tư vấn hiếm muộn cho một cặp vợ chồng tháng 3.2021. Ảnh Bệnh viện cung cấp

Theo các chuyên gia, tình trạng mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Giảm sinh sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ.

Sau này một đứa trẻ sẽ phải đối diện vấn đề cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại. Dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải gánh 3 người ngoài tuổi lao động.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA), từng cho biết vô sinh không phải dấu chấm hết, mà vẫn có cách chữa trị. Tiến bộ của y học, sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại và chuyên gia nhiều kinh nghiệm sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho những trường hợp này.

Theo ông, những năm đầu Việt Nam làm thụ tinh ống nghiệm (1998-2000), tỷ lệ thành công khoảng 20-25%, hiện tại trung bình đạt 40-50%, tương đương với thế giới. Tại một số cơ sở tiên tiến khác, tỷ lệ này có thể lên tới 50-60% nếu điều trị từ sớm bằng kỹ thuật hiện đại.

Năm 2019, sau năm năm kiếm con, chị Thu Hồng đã được một đơn vị phối hợp với bệnh viện chị điều trị hỗ trợ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm. Tết năm ngoái là Tết hạnh phúc nhất của vợ chồng Hồng, khi con gái nhỏ chào đời.

Còn Thu Minh vừa vay tiền đi làm IVF lần ba. Chồng chị đã xin lỗi, muốn vợ quay về để cùng kiếm con. "Nếu thành công, tôi sẽ tha thứ cho chồng để con có cha. Còn không, tôi sẽ giải thoát cho cả hai", chị nói.

Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

Theo VnExpress