Vì sao cuộc cách mạng chiến thuật của Rangnick chưa hiệu quả?

Quốc tế - Ngày đăng : 10:03, 05/01/2022

Ngoại trừ sơ đồ 4-2-2-2, những dấu ấn chiến thuật mà huấn luyện viên Ralf Rangnick để lại tại Man United tương đối nhạt nhòa.

1.PRESSING CHƯA TỚI

Rangnick là một huấn luyện viên nổi danh với lối chơi pressing cường độ cao trên khắp mặt sân nhằm đoạt bóng nhanh nhất có thể. Dù vậy, tại Man United, đặc sản này của Rangnick hoàn toàn mất dạng. Trả lời phỏng vấn sau thất bại 0-1 của MU trước Wolves vừa qua, chiến lược gia người Đức bức xúc: "Chúng tôi không hề pressing. Chúng tôi đã cố gắng nhưng đã không thể gây áp lực lên đối thủ". Vậy điều gì khiến MU thiếu đi một nguyên lý cơ bản như vậy trong bóng đá của Rangnick? Có ba cách giải thích tiềm năng.

Đầu tiên là về thể chất của các cầu thủ và dấu hỏi về điều kiện chung. Về điểm này, Rangnick đã kế thừa đội bóng ở giai đoạn khó khăn. Mùa trước, MU được xây dựng theo một chế độ, phương pháp hoàn khác, nên việc chuyển sang một cách tiếp cận khốc liệt hơn khiến các cầu thủ gặp khó khăn. Có rất ít thời gian tập luyện giữa các trận đấu ở giai đoạn cuối năm tại Anh, kèm theo đó là ảnh hưởng từ dịch bệnh làm quá trình trui rèn càng trở nên khó khăn.

Thứ hai là viêc pressing không thể tách rời hoàn toàn với cách chơi bóng của đội. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu một đội dễ dàng để mất bóng từ vài đường chuyền sau khi mới đoạt lại quyền sở hữu. MU đang thiếu chính xác một cách tồi tệ ở hầu hết các khu vực trên sân. Pressing phụ thuộc vào việc các cầu thủ ở gần nhau như một nhóm thay vì đứng tách rời.

Điều cuối cùng và gây tranh cãi nhất là liệu các tiền đạo của MU có thiên hướng pressing hay không, với Cristiano Ronaldo là trường hợp đáng lưu tâm nhất. Michael Carrick đã loại bỏ Ronaldo ở trận gặp Chelsea, song Rangnick vẫn cho CR7 đá chính trong mọi trận đấu. Ronaldo không đơn độc, nhưng công việc phòng ngự của chân sút này chính xác là la hét các đồng đội "đẩy lên phía sau tôi". Nhưng tại sao bạn phải dâng lên khi đối phương dễ dàng vượt qua?

Trong hiệp 1 trước Wolves, bộ tứ tấn công của MU gồm Sancho, Greenwood, Cavani và Ronaldo chỉ có 3 lần thu hồi bóng và 1 lần tắc bóng bên phần sân đối phương. Wolves đã hoàn thành 77/85 đường chuyền ở 1/3 phần sân nhà tại Old Trafford, và điều này cho thấy họ không hề gặp nhiều áp lực từ MU. 

Các cầu thủ MU lười pressing
Các cầu thủ MU lười pressing

2. SỐ 10 VÀ VẤN ĐỀ BRUNO FERNANDES

Một đặc điểm trong sơ đồ 4-2-2-2 của Rangnick là vai trò của "số 10 kép", với 2 tiền vệ chơi rộng khi đội bóng đang trong quá trình phòng ngự và chiếm khoảng trống phía sau các tiền đạo khi đội có bóng tấn công. Với sự vắng mặt của Paul Pogba - người là ứng viên hàng đầu chơi ở vị trí số 10 lệch trái - MU đang thiếu những cầu thủ thi đấu tốt với các yêu cầu phòng ngự và tấn công trong vai trò này. Juan Mata sẽ là người hoàn hảo, nhưng đáng buồn đây không phải là Mata của năm 2012.

Đội hình của MU quá nặng về tiền đạo. Edinson Cavani, Ronaldo, Marcus Rashford và Mason Greenwood đều muốn đá cao nhất trên hàng công. Điều đó có nghĩa 2 trong số 4 cái tên này sẽ phải ngồi dự bị, điều mà Rangnick có vẻ miễn cưỡng thực hiện, một phần do thiếu các lựa chọn. Greenwood và Rashford (ít nhất là về hình thức) vượt trội hơn về khả năng cầm bóng, nhưng kỹ năng chính của họ không phải là lấy bóng giữa các tuyến và chắp nối mọi thứ với nhau. Họ muốn ở tuyến cuối cùng của hàng phòng ngự, đứng gần cầu môn đối phương để ghi bàn.

Người muốn đứng ở khoảng trống ấy không ai khác ngoài Bruno Fernandes, người đã không có tên ở đội hình chính trước Burnley và Wolves. Bất chấp phong độ sa sút, Fernandes vẫn là một trong những cầu thủ hiệu quả nhất giải đấu. Tuy nhiên, trong hệ thống của Rangnick, việc chơi như một số 10 cũng liên quan đến việc lùi về khi đội đang phòng thủ. Điều này không giống như vai trò trung tâm của Fernandes trong sơ đồ 4-2-3-1 của MU dưới thời Ole Gunnar Solskjaer.

Giai đoạn thi đấu tốt nhất của MU trước Wolves đến khi họ thay đổi hệ thống sang 3 trung vệ, trong đó Fernandes đá ngay bên dưới 2 tiền đạo và có pha dứt điểm dội xà ngang.

3. BỘ ĐÔI HẬU VỆ CÁNH

Giống như sơ đồ kim cương, 4-2-2-2 của Rangnick dễ bị tổn thương bởi lối chơi chuyển đổi nhanh và các đội sở hữu cặp cánh chơi mạo hiểm. Như huấn luyện viên Bruno Lage đã nói sau trận, Wolves đã có kế hoạch để bộ đôi hậu vệ cánh Marcal và Nelson Semedo dâng cao bất cứ khi nào 2 cầu thủ đá số 10 của MU bó hẹp. 

Lage nói: "Nếu bạn nhìn vào hiệp một, khi họ đang phòng thủ và cố gắng truy cản, tôi đã thấy điều đó từ băng ghế dự bị. Họ có Cavani cố gắng truy cản Ruben, Cristiano Ronaldo cố gắng kiểm soát Coady và cầu thủ chạy cánh bên trong. Do đó, khoảng trống nằm ở 2 cánh. Đó là lý do tại sao Semedo và Marcal có rất nhiều cơ hội, rất nhiều bóng trong hiệp một và các cầu thủ đã tìm thấy những khoảng trống ấy".

Những đường chuyền phối hợp thành công nhất của Wolves là từ tiền vệ trung tâm Ruben Neves đến Semedo, trong đó chân phải của Neves đã tìm đến cựu hậu vệ Barca 13 lần. 11 trong số này đến bên phần sân của Man United.

Luôn có tranh cãi về việc ai xứng đáng đá chính ở 2 cánh của MU. Luke Shaw và Aaron-Wan Bissaka trông thiếu năng lượng và sự tự tin trong cả mùa giải. Alex Telles là một trong những cầu thủ chơi ấn tượng nhất trong màn trình diễn hay nhất của Rangnick trước Crystal Palace. Anh nhận được 27 đường chuyền, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác của Man United. Bản thân các hậu vệ cánh của Wolves không chỉ gây ra vấn đề cho MU mà họ còn mở ra khoảng trống bên trong cho Daniel Podence và Trincao nhận bóng.

Với động thái này, Wolves đang tấn công với 5 cầu thủ trên khắp sân, giống như nhiều đội ở Premier League. Việc Semedo và Marcal dâng cao cho phép Wolves tiếp tục trội hơn MU về mặt quân số ở khu vực giữa sân.

Wan-Bissaka chơi không tốt bên cánh phải
Wan-Bissaka chơi không tốt bên cánh phải

4. THIẾU TIỀN VỆ TRUNG TÂM CHẤT LƯỢNG

Bất kể ai huấn luyện MU, họ sẽ cần những tiền vệ trung tâm tốt hơn, những người có thể chuyền bóng chính xác và kiểm soát bóng tốt. Scott McTominay và Fred là những người có khả năng bổ sung vào đội hình đáng tin cậy nhưng không nên là lựa chọn số 1. 

Rangnick muốn đội bóng của mình tấn công theo kiểu trực diện, sử dụng đồng hồ đếm ngược trên sân tập để thách thức các cầu thủ ghi bàn trong vòng 10 giây sau khi giành lại quyền kiểm soát bóng. Ông thích các đường chuyền hướng về cầu môn đối phương thay vì chuyền trả ngược. Nghe có vẻ rất thú vị, nhưng để có thể làm được điều này, bạn cần một tập thể thành thạo trong việc kiểm soát các pha chuyển đổi, khi những đường chuyền mạo hiểm này có thể dẫn đến việc mất bóng.

Hàng tiền vệ của United không chuyên về giữ bóng, và việc cố gắng chơi với tốc độ nhanh hơn dường như sẽ phải trả giá. Trong số 5 trận mà MU chuyền hỏng nhiều nhất tại Ngoại hạng Anh mùa này, có 3 trận là dưới thời Rangnick. Nó đặt ra câu hỏi liệu Man United, như họ đã làm trong hiệp hai trước Wolves, có nên chuyển trọng tâm khỏi khu trung tuyến bằng cách chuyển sang chơi sơ đồ 3 trung vệ và hậu vệ cánh hay không.

Giống MU, Tottenham của Antonio Conte sở hữu những tiền đạo chất lượng nhưng lại thiếu những tiền vệ khéo léo và hàng thủ không thực sự quá xuất sắc. Sơ đồ 3-4-3 hoặc 3-5-2 của Conte đã mang đến sự an toàn cho những khu vực yếu nhất của Spurs về quân số. Tottenham không chơi thứ bóng đá lấp lánh, nhưng kết quả cùng các chỉ số cơ bản của Spurs rất chắc chắn và họ đang tích lũy điểm số.

Một sự thay đổi từ 4-2-2-2 sẽ có hiệu quả nếu những vấn đề này tiếp tục xảy ra, nhưng liệu điều đó có làm hỏng quyền lực của Rangnick không?

Theo Bongdaplus