Không để tiêu cực ẩn nấp trong "vùng COVID"

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:42, 07/01/2022

Làm rõ, làm đến cùng trách nhiệm không chỉ để xử lý, mà còn để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi và cuối cùng là hoàn thiện pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, "làm liên tục, chứ không phải vì có dịch COVID-19 mà ngừng lại, dừng làm, không dám xử lý cái nọ, cái kia".

Có thể nói, việc phát hiện "khối ung nhọt" mang tên Việt Á với hành vi làm giá, ăn chia trong đấu thầu, phân phối bộ kit xét nghiệm COVID-19 đã khiến dư luận hết sức bất bình, phẫn nộ.

Đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật đáng lên án mà còn là hành vi vi phạm đạo đức tệ hại, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và toàn dân chung tay, góp sức, góp của với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường đang diễn ra, Chính phủ thông tin: "Công ty Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, đồng thời một số cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Như vậy là có sự cấu kết giữa một số cán bộ biến chất trong bộ máy và doanh nghiệp bên ngoài để trục lợi. Trong tình hình "nước sôi lửa bỏng" của đất nước những tháng ngày chống dịch, lòng tham của kẻ điều hành doanh nghiệp đáng bị lên án một thì sự trục lợi của những kẻ khoác áo công bộc phải bị lên án mười.

Chính vì vậy, dư luận trông đợi các cơ quan có trách nhiệm sẽ "làm đến tận cùng" vụ án Việt Á để đưa mọi hành vi phạm tội và cả những người chịu trách nhiệm ra xử lý tương xứng, như Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời tại cuộc họp báo trước kỳ họp.

Cùng thời điểm, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện 3 cuộc thanh tra về mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, triển khai trong quý 1.2022.

Cũng ngay lập tức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã ký công văn gửi các cơ quan liên quan về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR, giao Thanh tra thành phố thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này.

Như vậy, cùng với việc trông đợi kết quả cuối cùng của việc điều tra vụ án, dư luận cũng mong muốn sớm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có vai trò quyết định ở mỗi khâu, mỗi chặng trên "đường đi" của kit xét nghiệm Việt Á cũng như các sinh phẩm, thiết bị y tế phòng chống dịch khác nếu gây hoài nghi.

Làm rõ, làm đến cùng trách nhiệm không chỉ để xử lý, mà còn để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi và cuối cùng là hoàn thiện pháp luật.

"Có công thì thưởng, có tội thì phạt", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần lưu ý như vậy.

Chúng ta càng trân trọng công lao của các lực lượng tuyến đầu, sự đóng góp và nghĩa cử của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống đại dịch COVID-19 bao nhiêu, chúng ta càng mong muốn sớm trừng trị tội phạm và xử lý sai phạm của những kẻ lợi dụng cơ hội "đục nước béo cò" bấy nhiêu.

Không thể để tiêu cực ẩn nấp trong "vùng COVID".

Theo Tuổi trẻ