Xây dựng đời sống mới nơi đất đỏ Tây Nguyên
Kinh tế - Ngày đăng : 13:16, 07/01/2022
Ông Nguyễn Xuân Đoàn (người đội mũ) quê xã Quang Khải (Tứ Kỳ) lập trang trại rộng lớn ở xã Đắk Ngọc, huyện Đắk Hà (Kom Tum)
Vốn liếng họ mang theo chủ yếu là sức lao động cần cù và khát vọng đổi đời. Hôm nay, hầu hết các gia đình đã có cuộc sống ổn định, nhiều người làm giàu thành công trên quê hương mới.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Ký ở thôn 2, xã Đắk Pơ Pho, huyện Kông Chro (Gia Lai). Ông Ký quê xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang). Năm 1989, ông Ký xung phong và được bầu làm Phó Trưởng đoàn gồm 45 hộ dân Hải Dương vào xã Đắk Pơ Pho lập nghiệp. “Ngày mới vào, vùng đất này chỉ toàn đồi núi hoang sơ, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại vô cùng khó khăn khiến nhiều người nản chí muốn quay về”, ông Ký nhớ lại.
Ông Ký cùng gia đình khai hoang trồng các loại hoa màu như đỗ, bắp... Vài năm sau, khi chắt chiu được chút vốn, ông mua thêm đất mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, ông đã sở hữu trang trại rộng trên 10 ha với 3 ao cá rộng khoảng 10.000 m2, gần 2 ha mía, 3 ha sắn, hơn 4 ha cây ăn quả các loại và nuôi trên 200 con gà thương phẩm giống Đông Hồ. Ông Ký cho biết bình quân mỗi năm trang trại mang lại cho gia đình thu nhập trên 400 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.
Nơi bà con người Hải Dương lập nghiệp tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) ngày càng khang trang
Theo ông Ký, thôn 2 xã Đắk Pơ Pho hiện có 95 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, phần lớn là người Hải Dương di cư theo diện xây dựng kinh tế mới. Nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước mà đời sống người dân trong thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông đã tích cực vận động người dân trong thôn hiến gần 4 ha đất làm đường giao thông, công trình công cộng. Riêng gia đình ông hiến gần 6.000 m2 đất ngay trung tâm xã để xây dựng sân bóng, tạo không gian vui chơi, giải trí cho nhân dân trong xã.
Tại thôn Ninh Thanh 1 và Ninh Thanh 2, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), chúng tôi gặp ông Trần Văn Nháng, quê xã Vạn Phúc (Ninh Giang). Ông Nháng cho biết vùng quê này có trên 500 hộ, gần 1.800 nhân khẩu chủ yếu là người dân các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Gia Lộc… vào lập nghiệp đầu năm 1987. Thời gian đầu, bà con gặp rất nhiều khó khăn vì toàn đồi núi và cỏ dại, giao thông cách trở. Nhưng bây giờ, cuộc sống đã ấm no, khá giả. Bà con Hải Dương ở huyện Ea Kar còn thành lập Hội Đồng hương Hải Dương để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống.
Gia đình ông Nguyễn Duy Tiên ở thôn12A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). Từ một vài cây vải giống Thanh Hà mang từ quê vào trồng rồi lai ghép với giống vải Cẩm Hoàng, ông Tiên đã tạo ra giống vải mới cho năng suất ổn định, quả to, thơm ngon. Năm 2021, với 1,1 ha trồng vải, ông Tiên thu được 19,5 tấn, bỏ túi gần 1 tỷ đồng. Ngoài lợi nhuận từ vải quả, ông Tiên còn chiết bán khoảng 10.000 cây vải giống, kiếm thêm 700 triệu đồng. “Sau nhiều năm gắn bó với cây vải, tôi đúc kết được nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc và viết thành cẩm nang để chia sẻ kinh nghiệm cho bà con”, ông Tiên cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Đoàn quê xã Quang Khải (Tứ Kỳ) vào thôn Đắk Bình, xã Đắk Ngọc, huyện Đắk Hà (Kom Tum) lập nghiệp đến nay đã gần 40 năm. Trên quê hương mới, vợ chồng ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, làm giàu từ trồng cà phê, nuôi cá và nuôi ong lấy mật. Hiện nay, gia đình ông Đoàn đã hình thành được trang trại rộng lớn với 1,2 ha cà phê, trên 1.500 cây đã cho thu hoạch, 500 m2 ao cá, nuôi 300 thùng ong lấy mật. Ông Đoàn cho biết mỗi năm gia đình thu lãi trên 800 triệu đồng, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Những người con Hải Dương đến Tây Nguyên bằng nhiều con đường khác nhau nhưng ở họ có sự gắn bó và tình yêu với miền đất đỏ cao nguyên. Họ cùng có quyết tâm, khao khát dựng xây vùng đất này trở nên giàu đẹp, ấm no...
NGUYỄN VĂN CHIẾN