Quan điểm độc hại về tình yêu lãng mạn trên phim

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 16:46, 10/01/2022

Những cặp tình nhân dằn vặt dưới mưa, sự hy sinh cao thượng trong tình yêu được xem là công thức lỗi thời trong năm 2022. Nhà sản xuất nên phản ánh những thứ trong cuộc sống thực.

phim nhac ngon tinh khong con hop thoi anh 1
Trong The Way I Loved You, Taylor Swift nói cô nhớ "những lần đánh nhau, la hét, hôn nhau trong mưa" hơn là tình yêu bình thường

“Hãy để 2022 là năm chúng ta kết thúc những mối quan hệ độc hại, khái niệm sai lầm với sự lãng mạn”, SCMP mở đầu trong bài viết nói về câu chuyện tình yêu trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình.

Trong nhiều năm, các phương tiện truyền thông bán tín bán nghi một điều rằng con đường dẫn đến tình yêu đích thực không thể tránh khỏi những gập ghềnh, chông gai. Điều đó được thể hiện qua các bộ phim truyền hình, thậm chí là công thức tạo nên "drama". Ngay cả người xem cũng cho rằng sẽ thật nhàm chán nếu tác phẩm mất đi yếu tố đó.

Câu hỏi đặt ra là liệu một bộ phim, chương trình truyền hình có được đánh giá là lãng mạn hay không nếu không có cảnh hai người công khai tình cảm một cách sến súa, tranh cãi kịch liệt hoặc nụ hôn say đắm dưới mưa.

Tình yêu trong âm nhạc và phim ảnh

Chúng ta nghĩ về bộ phim The Notebook (2004). Những gì có trong phim thậm chí được thể hiện từ rất lâu trong Breakfast at Tiffany’s (1961) - bộ phim tạo ra hình tượng mang tính biểu tượng của Audrey Hepburn.

Ngay cả trong Cast Away (2000), khi Helen Hunt đứng dưới mưa cùng Tom Hanks và thốt lên câu “Anh là tình yêu đời em” từng khiến nhiều khán giả thích thú. Nhưng điều đó đã là quá khứ, cách nay hơn 2 thập kỷ.

Sự lãng mạn đó cũng hiện hữu thông qua các bài hát. Ca khúc The Way I Loved You của ngôi sao nhạc đồng quê Taylor Swift là ví dụ thực tế nhất về việc khán giả có xu hướng tìm kiếm sự dằn vặt trong tình yêu.

Thay vì chàng trai đang hẹn hò - người có ngoại hình hoàn hảo, luôn miệng khen cô đẹp - nhân vật trong MV lại nhớ nhất những khoảnh khắc la hét, đánh nhau, hôn nhau trong mưa, yêu nhau đến mức làm những điều điên rồ với người yêu cũ.

Điều đó không có nghĩa là tình yêu luôn thuận buồm xuôi gió. Đôi khi, người ta chỉ muốn một mình, điều đó ổn với một số người. All By Myself qua sự thể hiện của Celine Dion là bằng chứng.

Trong suốt MV, cô ở nhà một mình, không ai theo dõi và làm phiền. Nhiều người cảm thấy ổn vì điều đó. Nói đúng hơn, buồn cũng là một trong những cảm xúc của con người. Chúng ta hoàn toàn có thể bộc lộ sự buồn bã, đau khổ nếu muốn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là hầu hết bài hát, phim ảnh và chương trình truyền hình luôn ủng hộ mô-típ, câu chuyện tình yêu cụ thể: Chiến thắng mọi vấn đề, vượt qua thử thách lớn của tình yêu. Lâu dần, chúng ta dần mặc định đó là điều cần thiết trong cuộc sống. Nếu không đạt được, con người tiếp tục đi tìm tình yêu “vượt qua thử thách”.

Với tư cách là cá nhân của xã hội, chúng ta nên dần thức tỉnh trong cách nhìn nhận về tình yêu. Nó có thể độc hại và gây nguy hiểm cho người khác.

Trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, biên kịch thường xuyên rơi vào bẫy “hội chứng vai chính thứ hai”. Nghĩa là khán giả thường bỏ qua tình yêu của nhân vật chính, quyết định ủng hộ nữ/nam phụ hết lòng vì nhân vật chính mà không màng đến bản thân.

Thông thường, tuyến nhân vật này thường được xây dựng gần như hoàn hảo, thậm chí tốt đẹp hơn nhân vật chính. Họ thường ủng hộ và chịu đựng tình yêu đơn phương, giúp đỡ người mình yêu một cách tự nguyện, im lặng trong cao thượng.

Ngoài đời, ai cũng muốn điều đó, tìm được một người ngọt ngào, đáng yêu và tốt bụng. Nhưng liệu điều đó có thực tế và còn hợp lý hay không?

Với tư cách biên kịch, nhiều người cảm thấy hợp lý khi bỏ qua nhân vật phụ, dù hy sinh bao nhiêu vẫn không có được nữ chính (đôi lúc là nam chính). Cuối cùng thì hai nhân vật chính đã được “dọn đường” để đến với nhau.

Thực tế nhiều người cũng sẽ không hài lòng nếu vô tình để hai nhân vật chính không thể đến với nhau. Một bộ phận sẽ nảy sinh tâm lý bất đối xứng, nhân vật chính không đáng với sự hy sinh của nam/nữ phụ. Kiểu tình cảm “trên tình bạn, dưới tình yêu” trong các K-drama thường xuyên gây ức chế nhưng vẫn được áp dụng.

phim nhac ngon tinh khong con hop thoi anh 2
Phân cảnh thể hiện tình yêu dưới mưa quen thuộc trong The Notebook

Nên quên đi những thứ phi thực tế

Ngay cả Disney cũng thường xuyên để khán giả kỳ vọng về những mối quan hệ phi thực tế.

Nụ hôn đích thực đánh thức công chúa và hạnh phúc mãi về sau của Bạch Tuyết, tình yêu sét đánh của Lọ Lem và hoàng tử trong buổi dạ vũ, niềm ao ước kết hôn với người mình từng cứu sống của Nàng tiên cá… tiêm nhiễm vào người xem thứ tình yêu phi thực tế.

Mô-típ quen thuộc khác là các nhân vật chính muốn đến với nhau đều phải trải qua sự phản đối, quấy rối của nhân vật phản diện, đôi khi đó là người hoàn hảo hơn nữ chính về mặt xuất thân lẫn ngoại hình, vị thế trong xã hội…

Tất cả điều đó tạo nên cái nhìn lý tưởng về sự lãng mạn, hay nói đúng hơn là “tình yêu viển vông”, thứ mà chúng ta khó thấy trong cuộc sống chính mình. Giống như việc ai đó từng nói câu: “Hoàng tử đời thực không cưới Lọ Lem, anh ấy kết hôn với công chúa nước láng giềng”.

phim nhac ngon tinh khong con hop thoi anh 3
Những câu chuyện tình yêu sến súa, chông gai trong các bộ phim truyền hình không còn phù hợp trong năm 2022

Trong cuộc sống, chúng ta hoàn toàn có thể yêu ai đó một cách điên cuồng. Đó không cần phải là mối quan hệ đầy kịch tính hay quá chông chênh. Nhưng khi xem phim, khán giả muốn điều đó xảy ra, nhân vật càng dằn vặt vì tình yêu lại càng thu hút nhiều người xem.

Những câu chuyện tình yêu đầy kịch tính đôi khi được biết đến là sự hư cấu, khó có ai chứng thực.

Về những mối tình bi thảm, không có vở kịch nào nổi tiếng hơn Romeo và Juliet ra đời từ năm 1597 của William Shakespeare. Từ thời điểm tác phẩm ra đời, ý tưởng về hai người yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm, sự đối lập về giai cấp, tầng lớp ngăn cản tình yêu… là công thức quen thuộc, được áp dụng liên tục trong nghệ thuật, thơ ca.

Điều đó phổ biến đến nỗi chủ đề này làm lu mờ các nội dung khác, bỏ qua vô số vấn đề khác trong xã hội. Nhưng nghịch lý là những câu chuyện thế này vẫn được khán giả yêu thích. Họ say sưa, tò mò với cách mở màn, diễn biến của câu chuyện, khóc cười cùng nhân vật…

Đây là năm 2022. Có lẽ đã đến lúc chúng ta từ bỏ ý nghĩa rằng các mối quan hệ bản thân từng nhìn thấy trên màn ảnh hoàn toàn xảy ra ngoài đời thực.

“Tôi nói điều này với tư cách người hâm mộ cuồng nhiệt của dòng phim lãng mạn và phim truyền hình tình cảm. Hãy bỏ qua những câu chuyện độc hại về tình yêu. Chúng ta nên tìm kiếm những bộ phim, tác phẩm lành mạnh để phản ánh thế giới thực”, cây bút Ginny Wong của SCMP bình luận.

Theo Zing