Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:47, 10/01/2022

3 năm qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã năng động, dám nghĩ, dám làm thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.


Nhờ dám nghĩ, dám làm, anh Lưu Mạnh Quỳnh ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) có 2 máy sản xuất bánh đa khép kín với sản lượng từ 150-180 tấn bánh đa khô/tháng, cho thu lãi cao

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi giai đoạn 2019-2021 như một làn gió mới lan tỏa sâu rộng tới hội viên nông dân trong tỉnh và đã thu được những kết quả tích cực. Từ đó đã xuất hiện những mô hình tiêu biểu mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần đổi mới diện mạo quê hương.

Nhiều tấm gương tiêu biểu

Trong không khí khẩn trương của những ngày cuối năm, xưởng gia công may của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cũng hối hả hơn để giao hàng đúng hẹn cho khách. Nhờ sự năng động của chị Thúy nên 2 năm qua, dù dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ nhưng xưởng chỉ nghỉ 1 tháng, trên 30 công nhân vẫn có việc đều và thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng về thiết kế thời trang, chị Thúy đã làm nhiều nơi, nhiều lĩnh vực để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2015, chị quyết định lập xưởng may. Lúc đầu, ngoài vốn, chị còn gặp khó khăn về nguồn hàng. Để khắc phục, khi có đơn đặt hàng chị làm cẩn thận, kỹ càng nên được bạn hàng tin tưởng. Tiếng lành đồn xa, dần dần chị đã nhận được nhiều hợp đồng gia công chi tiết sản phẩm quần áo cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Gia đình chị Thúy còn mở thêm dịch vụ sửa chữa, lắp máy, lắp đặt nước cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Dịch vụ này cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ. Bên cạnh đó, gia đình chị còn chung vốn làm trang trại nuôi gà đẻ với quy mô 20.000 con…

Mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 1 tỷ đồng từ mô hình tổng hợp này. Không chỉ làm giàu, gia đình chị còn tích cực ủng hộ địa phương trong phòng chống dịch Covid-19, khuyến học, nông thôn mới...

Tuổi đời còn khá trẻ nhưng nhờ dám nghĩ, dám làm đã mang đến thành công nhất định cho anh Lưu Mạnh Quỳnh ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Sau khi chăn nuôi không thuận lợi, anh Quỳnh vào miền Nam học làm bánh đa theo quy trình khép kín. Năm 2015, về địa phương, anh thuê thợ hàn, lắp đặt một dây chuyền sản xuất kkép kín từ vo gạo, ngâm, xay bột, ủ, đến tráng bột và ra sản phẩm hoàn chỉnh. Sau khi máy làm xong, anh đưa vào sản xuất thử. Tuy đã ra sản phẩm nhưng anh Quỳnh chưa ưng ý vì vẫn có đợt bị lỗi. Anh tiếp tục nghiên cứu và cải tiến để sản phẩm hoàn chỉnh hơn. Trên diện tích nhà xưởng rộng 800 m2, đến nay anh Quỳnh có 2 máy sản xuất bánh đa khép kín với sản lượng từ 150-180 tấn bánh đa khô/tháng, chất lượng bảo đảm; thu lãi từ 60-100 triệu đồng/tháng.

Xưởng sản xuất bánh đa của gia đình anh Quỳnh đang giải quyết việc làm cho 12-15 lao động với thu nhập từ 8-15 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài 2 mô hình hình kinh tế trên, trong 3 năm qua trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, đáng để người dân học hỏi, làm theo.


Mỗi năm gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) thu lãi trên 1 tỷ đồng từ mô hình tổng hợp

Triển khai bài bản

Để có được thành công đó, ngoài nỗ lực tìm hướng đi riêng của từng nông dân thì còn có vai trò của các cấp chính quyền và sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp.

Hằng năm, các cấp hội xây dựng kế hoạch và phát động phong trào nông dân đăng ký hộ SXKD giỏi, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, sản xuất nông sản an toàn, sản phẩm có nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc. Cuối năm, các cấp hội tổ chức bình xét hộ đạt SXKD giỏi nghiêm túc, công khai, dân chủ...

Hội Nông dân tỉnh phối hợp các đơn vị tổ chức tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường, giá cả, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và dạy nghề. 3 năm qua, các cấp hội đã tổ chức 132 lớp dạy nghề cho 4.620 lao động nông thôn, 3.625 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 267.536 lượt người, cung ứng gần 17.000 tấn phân bón chậm trả cho nông dân. Tín chấp cho 32.572 hộ hội viên nông dân vay 2.369,8 tỷ đồng... Các cấp hội đã chủ động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và cho 3.441 hộ vay 85,38 tỷ đồng để phát triển SXKD…

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh có 126.701 lượt hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi, chiếm 67,2% số hộ đăng ký. Trong đó có 3 cá nhân được tặng danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc, 3 người được tặng danh hiệu Nhà khoa học của nhà nông, 166 hộ SXKD giỏi cấp Trung ương, 3.832 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, những hộ còn lại đạt danh hiệu cấp huyện và cấp cơ sở. Phong trào hỗ trợ hội viên nghèo được các tổ chức, cá nhân thực hiện khá tốt và đã giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. 

THANH HÀ