Treo lãi suất cao thu lãi lớn, coi chừng "gậy ông lại đập lưng ông"

Kinh tế - Ngày đăng : 06:23, 11/01/2022

Năm 2021, nhiều ngân hàng vẫn giữ lãi suất cho vay cao và thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh các doanh nghiệp khó khăn mà vẫn giữ lãi suất cao thì có thể "gậy ông lại đập lưng ông".

Doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận hỗ trợ

Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Các ngân hàng đã có 3 lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất, với mức 1,5-2 điểm %/năm với lãi suất điều hành và giảm 0,6-1 điểm %/năm lãi suất tối đa tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Mặc dù vậy, điều này chỉ kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1 điểm % trong năm 2020 và khoảng 0,7 điểm % trong năm 2021. Các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn nhưng vẫn phải vay vốn với lãi suất cao, dù có thấp hơn so với thời điểm trước dịch. Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại vừa qua chỉ giảm lãi suất cho nhóm đối tượng hẹp và kèm theo rất nhiều điều kiện xét duyệt. Đặc biệt, khối ngân hàng TMCP tư nhân giảm lãi suất theo kiểu “nhỏ giọt”.

Khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay với khách hàng DN, của một số ngân hàng thương mại năm 2021 vẫn khá cao. Lãi suất vay từ 7-8%/năm với các kỳ hạn ít DN tiếp cận được, phần lớn đều vay với lãi suất cao hơn.

Mức lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực chất

Cụ thể, mặt bằng lãi suất trong năm 2021 các DN vẫn phải vay với kỳ hạn 6 tháng khoảng 8,5- 9%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 9- 9,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 9,25-9,75%/năm. Tuy nhiên, các mức lãi suất này không cố định. Cứ sau 3 tháng lại điều chỉnh một lần, cộng thêm biên độ. Mức cộng từ 1-3% cho kỳ hạn 6 tháng, từ 1,25-2,25% cho kỳ hạn 9 tháng và từ 1,5-2,5% cho kỳ hạn 12 tháng, tùy từng đối tượng khách hàng. Tính ra, lãi suất bình quân thấp nhất DN vay kỳ hạn 6 tháng là 9%/năm.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các DN khó gánh được mức lãi suất như trên. Trong khi đó, lãi suất huy động đến giữa năm 2021 đã giảm về mức rất thấp, bình quân chỉ từ 4-5,5%/năm.

Cả năm 2021, có những ngân hàng vẫn giữ nguyên quyết định về lãi suất cho vay, không điều chỉnh. Thậm chí, quyết định cho vay ban hành từ cuối tháng 8/2020 vẫn được duy trì đến tận hiện nay. Việc giảm lãi suất cho vay không là chính sách phổ biến và chỉ áp dụng cho một số khách hàng tiềm năng, đem lại lợi ích dì hạn cho ngân hàng.

Bên cạnh việc giảm lãi suất điều hành, hưởng ứng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN và người dân vượt qua khó khăn, ngày 15.7.2021, 16 ngân hàng thương mại lớn, chiếm khoảng 75% tổng dư nợ nền kinh tế, đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay đến hết năm 2021, với số tiền 20.613 tỷ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính từ 15.7 đến hết 31.10.2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng cho các khách hàng là 15.559 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết. Tuy nhiên, giảm nhiều nhất thuộc về 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với 12.663 tỷ đồng, chiếm 81,4% tổng số lãi giảm. Trong khi đó, 12 ngân hàng TMCP tư nhân chỉ giảm 2.869 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng số lãi giảm. Có ngân hàng TMCP tư nhân chỉ giảm vài chục tỷ đồng tiền lãi suất cho khách hàng.

Đại dịch Covid-19 tàn phá suốt thời gian dài, gây thiệt hại lớn, nên nhiều DN và hiệp hội các ngành hàng, đại biểu quốc hội,...liên tục kiến nghị ngành ngân hàng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà cần chia sẻ khó khăn bằng cách chủ động giảm lãi suất đến mức có ý nghĩa, nhưng không thành. Nhiều DN cho biết chỉ được giảm lãi suất từ 0,1-0,3 điểm %/năm. Trong khi, những khoản vay lãi suất trên 10%/năm, nếu giảm 1 điểm %/năm, cũng không hỗ trợ nhiều.

Điều kiện 'bán kèm'

Không những thế, các ngân hàng còn tìm cách kiếm thêm lợi nhuận từ khách hàng vay vốn, bằng cách bán bảo hiểm. Năm 2021, nhiều ngân hàng thu lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng từ hoa hồng bán bảo hiểm.

Cách các ngân hàng làm là giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho từng phòng giao dịch, đưa thêm tiêu chí mua bảo hiểm vào chấm điểm tín dụng khi xét duyệt cho vay vốn. Tức là khách hàng vay vốn, muốn được duyệt và giải ngân thì phải mua bảo hiểm, dù quy định là không bắt buộc. Nhiều DN đã phàn nàn về vấn đề này. Dù không ép nhưng nhân viên mời mà không mua, hoặc mua gói giá trị thấp, thì DN lại lo hồ sơ vay vốn chưa chắc đã được duyệt.

DN khó khăn về vốn cần được hỗ trợ dài hơn

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán BIDV, năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng lần lượt ở mức 406.694 tỷ đồng (tăng 16,7% so với năm trước) và 163.846 tỷ đồng (tăng 24,2%). Tốc độ tăng trưởng này bứt phá hơn so với năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng lợi nhuận chung của toàn thị trường.

Lợi nhuận cao, được nhìn nhận là do chi phí vốn giảm nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất cho vay, giúp NIM (biên lãi ròng) mở rộng tại hầu hết các ngân hàng. Bên cạnh đó, các khoản thu nhập từ phí, đặc biệt là phí bán bảo hiểm, cũng có đóng góp quan trọng, cho tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.

Một số ý kiến cho rằng, trong đại dịch ngành ngân hàng vẫn hoạt động kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng cao là điều đáng mừng. Có như vậy mới có điều kiện để hỗ trợ các DN và người dân.

Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với các DN lớn vào tháng 8.2021 cho thấy, gói hỗ trợ về vốn và tín dụng, được triển khai từ đầu năm 2020, có kết quả rất hạn chế. Chỉ có 30,72% DN đã tiếp cận được, trong đó 0,65% cho biết đáp ứng yêu cầu của họ, còn 25,49% cho biết chỉ mới đáp ứng được một phần và 4,6% cho biết chỉ đáp ứng được rất ít.

Đa số ý kiến từ giới chuyên môn đều cho rằng, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2021 là cao nhưng còn nhiều cảnh báo. Hiện các ngân hàng chưa phải trích dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ được Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại, nên có lợi nhuận cao. Sắp tới nếu phải trích lập, lợi nhuận sẽ giảm.

Ngoài ra, nhiều DN khó khăn có khả năng không thể trả nợ dẫn đến nợ xấu trong tương lai tăng cao. Ước tính của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn phần vào cuối năm 2021 có thể lên đến 8,2%, thậm chí còn cao hơn nếu dịch bệnh vẫn phức tạp.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, năm 2021, hơn 100.000 DN rút lui khỏi thị trường và hàng trăm ngàn DN khác gặp khó khăn. Những ngân hàng không thực lòng chia sẻ, hỗ trợ, dẫn đến các DN đóng cửa giải thể, phá sản thì khả năng trả nợ vốn vay cũng không còn. Như vậy, nợ xấu tất yếu sẽ tăng cao và sẽ tước đi lợi nhuận ngành ngân hàng có được trong năm qua. Thực ra, đây là câu chuyện “gậy ông lại đập lưng ông” mà thôi.

Theo Vietnamnet