Áp lực tiền mừng cưới dịp gần Tết

Đời sống - Ngày đăng : 10:20, 12/01/2022

Chưa hết nửa tháng đầu năm, Lê Trọng Hiếu (28 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được mời đến 3 đám cưới, 2 lễ đầy tháng và một tiệc thôi nôi con nhỏ của bạn bè.

Hiếu không quá bất ngờ bởi cuối năm thường được coi là “mùa cưới”. Tuy nhiên, khi các cánh thiệp liên tục được gửi đến, chàng nhân viên văn phòng không khỏi giật mình.

“Sau giai đoạn giãn cách, các bạn của tôi cưới rất nhiều dù cho chỉ được tổ chức quy mô nhỏ. Không những vậy, nhiều người bạn hoặc đồng nghiệp khác cũng mang thai hoặc sinh em bé trong dịch, giờ đây tổ chức tiệc mừng tuổi cho con”, Hiếu chia sẻ.

Sau giai đoạn giãn cách, nhiều đôi trẻ tranh thủ tổ chức tiệc cưới. Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Áp lực tiền mừng cưới

Theo Hiếu, anh không thể tham dự tất cả đám cưới, tiệc liên hoan được mời bởi một số người bạn tổ chức ở quê. Tuy vậy, anh đều gửi tiền hoặc quà tới chúc mừng.

“Nếu không vì dịch, tôi chắc chắn sẽ về nhà bạn mình chia vui. Từ xa, tôi gửi phong bì tiền mừng từng người, dịp đám cưới là 2 triệu đồng, tiệc mừng sinh nhật, đầy tháng thì một triệu đồng hoặc kém hơn một chút”, Hiếu kể.

Đối với Hiếu, anh không hề nghĩ ngợi về chuyện tiền bạc khi bạn bè mời cưới bởi tất cả đều là mối quan hệ thân thiết. Nhưng khi các đám cưới cùng diễn ra trong một thời điểm, anh có phần bối rối và buộc phải tìm cách cân đối lại chi tiêu.

“Lương của tôi không quá cao, thời điểm này tôi cũng chưa có thưởng Tết. Trong tháng 1 này, tôi dự tính sẽ mất đến gần 10 triệu đồng để mừng các ngày vui của bạn bè. Hiện tại, tôi chỉ hy vọng mức thưởng của công ty cao một chút để Tết này ‘bánh chưng có thịt’”, Hiếu bày tỏ.

Hương Linh (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chung tình cảnh.

Năm ngoái, vừa vào làm tại một công ty tài chính được 2 tháng, Linh liền nhận được thiệp mời cưới của một đồng nghiệp.

Dù chưa nhớ mặt cả phòng hay có mức lương cứng, cô vẫn niềm nở tham dự và gửi tiền mừng như các thành viên khác để “hòa nhập với môi trường”.

Hiếu trong đám cưới của một người bạn thân

“Thời điểm đó, tôi vẫn đang trong quá trình thử việc. Kinh tế chưa ổn định lắm, nhưng tôi khó lòng từ chối lời mời từ các anh, chị cùng phòng. Tôi nghĩ rằng đám cưới cũng chỉ có 1-2 lần trong năm, không nên quá tính toán thiệt hơn”, Linh nói.

Tuy nhiên, liên tục 3 tháng tiếp theo, cô lại được mời tới 3 đám cưới, 2 bữa tiệc mừng sinh nhật con của đồng nghiệp.

Từ chỗ vui vẻ nhận lời, Linh trở nên lo lắng khi khoản mừng cho các dịp này chiếm một phần cố định trong mục chi tiêu hàng tháng, trong khi tiền thưởng của cô giảm mạnh vì dịch bệnh.

Cùng lúc đó, bạn bè xung quanh Linh cũng rục rịch lập gia đình, khiến vấn đề kinh tế lại càng thêm áp lực.

“Ở độ tuổi của tôi, bạn bè cũng đi lấy chồng cả. Tôi không thể từ chối lời mời của đồng nghiệp, dù thân hay không, vì thường xuyên gặp họ ở công ty. Cứ mỗi lần như vậy lại mất khoảng 300.000-500.000 đồng, tôi không thể không bận lòng được”, cô thở dài.

Bị hỏi han chuyện hôn nhân

Mỗi năm, nhìn bạn bè thân thiết lần lượt lập gia đình, Hiếu có phần hơi chạnh lòng bởi đã 5 năm trôi qua tính từ ngày anh kết thúc mối quan hệ yêu đương gần nhất.

Không cần gia đình hối thúc, anh cũng tự hỏi: “Bao giờ đến lượt mình?”.

Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Thanh Hương (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Từ đầu năm, cô đã tham dự 3 đám cưới và 2 tiệc đầy tháng con nhỏ của bạn bè. Cận kề Tết Nguyên đán, Hương lại càng thêm áp lực khi nghĩ đến cảnh bị gia đình hỏi han về chuyện người yêu, hẹn hò.

“Tôi nghĩ mình đúng là tuýp người dành cả thanh xuân để đi ăn tiệc cưới bạn bè. Trong nhà trọ của tôi, 3 người bạn đã lần lượt đi lấy chồng, chỉ còn mình tôi độc thân. Nghĩ cũng thấy sốt ruột đấy, nhưng tôi mặc kệ thôi, chờ duyên tới”, nữ nhân viên truyền thông cười.

Nói thêm về vấn đề tài chính sau mỗi dịp mừng bạn bè, Hương giãi bày: “Năm vừa qua, do dịch bệnh, thu nhập của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Cuối năm, tôi muốn dành tiền chi tiêu dịp Tết mà các đám cưới, tiệc đầy tháng cứ dồn dập làm tôi có chút áp lực về tài chính, phải tiết kiệm chi tiêu để dành tiền lại. Tuy nhiên, vì đều là chỗ bạn bè thân quen nên tôi cũng không tính toán nhiều”.

Thanh Hoa trong một buổi tiệc mừng sinh nhật con của bạn mình

Trong khi đó, Thanh Hoa (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đang khá thoải mái tận hưởng cuộc sống độc thân của mình. Với cô, sống một mình vẫn rất vui, có thể tự do cả về thời gian và tài chính.

Tuy vậy, trên thực tế, khi nhìn nhiều bạn bè lập gia đình và sinh con, bản thân Hoa cũng có suy nghĩ muốn “có đôi, có cặp”.

“Càng về cuối năm, chuẩn bị bước sang tuổi mới, tôi càng bị bố mẹ nhắc nhở, thúc giục chuyện lấy chồng. Tôi cảm nhận được sự lo lắng, sốt ruột của bố mẹ qua từng năm. Nhưng duyên chưa đến, tôi chỉ mong bố mẹ hiểu và thông cảm”, Hoa nói.

Những tháng cuối năm, Hoa đã tham dự 4 đám cưới của bạn bè, một tiệc sinh nhật và 2 tiệc đầy tháng con của bạn thân, mỗi dịp mừng phong bì từ 500.000 đồng đến một triệu đồng. Nhiều người bạn trêu đùa Hoa “khi nào mới chịu thu hồi vốn?”.

“Mặc dù chi tiêu khá nhiều vào việc mừng cưới bạn bè, nhưng tôi không thấy quá áp lực hay có suy nghĩ cần 'thu hồi vốn'. Thay vào đó, tôi mừng cho các bạn mình khi có gia đình mới, con cái và nhiều niềm vui", Hoa tâm sự.

Theo Zing