Lo ngại bất bình đẳng khi xét tuyển đại học bằng IELTS

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:01, 12/01/2022

Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ giúp đại học có thêm lựa chọn tuyển sinh nhưng gây lo ngại về sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành thị và nông thôn.

Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL bắt đầu được sử dụng làm một trong những tiêu chí kết hợp để tuyển thẳng đại học từ năm 2017. Số lượng các trường sử dụng phương thức này ngày một tăng, trong bối cảnh xét tuyển đầu vào đại học ngày càng ít phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2021, học sinh sở hữu IELTS từ 5.0 có cơ hội giành lợi thế trong xét tuyển thẳng tại hơn 30 đại học. Tùy từng trường, chứng chỉ ngoại ngữ thường được xét kết hợp với: điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hoặc ưu tiên điểm xét tuyển (thí sinh có IELTS được áp dụng điểm trúng tuyển thấp hơn).


Học sinh lớp 12 ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bỉnh Thuận vượt biển vào đất liền, ôn tập thi tốt nghiệp THPT tháng 8.2020. Ảnh: Việt Quốc

Chính sách này đã tạo ra cuộc chạy đua học và thi lấy bằng IELTS, đặc biệt phổ biến ở các thành phố lớn để rộng cửa vào đại học. Nhiều giáo viên và chuyên gia lo ngại việc này gây bất công cho thí sinh ở nông thôn hoặc địa phương khó khăn, không đủ điều kiện tiếp cận ngoại ngữ.

Một giáo viên ở tỉnh Bình Phước phân tích, phổ điểm tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm nay phản ánh rõ sự chênh lệch trình độ ngoại ngữ giữa thành thị và nông thôn. Điểm tiếng Anh thấp ở các địa phương thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ; cao ở thành phố hoặc các tỉnh kinh tế phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu...

Trong khi đó, "miếng bánh" chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đang bị chia nhỏ với nhiều phương thức. Chỉ tiêu từ thi tốt nghiệp THPT, vốn được học sinh ở vùng nông thôn kỳ vọng nhất, dần thu nhỏ.

"Ở thành phố, học sinh có điều kiện học tiếng Anh từ nhỏ với vô số trung tâm ngoại ngữ nhưng ở nông thôn thì không. Do đó, không thể nói là tuyển sinh bằng tiếng Anh, nhất là IELTS, không ảnh hưởng đến tính công bằng được", cô giáo nói.


Phổ điểm tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chia làm hai đỉnh 4-5 và 8-9 điểm. Kết hợp phân tích các số liệu khác cho thấy đỉnh 4-5 điểm chủ yếu rơi vào khu vực nông thôn, trong khi đỉnh 8-9 điểm phân bố ở các đô thị lớn, phản ánh sự chênh lệch trong việc dạy và học tiếng Anh ở các khu vực khác nhau. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trong khi đó, đại diện các trường đại học lý giải đây là một trong những phương thức nhằm tuyển chọn thí sinh chất lượng cao.

PGS TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định về bản chất, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được dùng thay cho điểm thi môn tiếng Anh trong những tổ hợp có môn này. Tuy vậy, chứng chỉ quốc tế có uy tín và chất lượng cao hơn.

Tại Đại học Kinh tế quốc dân, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế xuất hiện tại hai nhóm trong đề án xét tuyển riêng, chiếm khoảng 25-35% tổng chỉ tiêu. Thí sinh có thể sử dụng IELTS, TOEFL, TOEIC kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực hoặc với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trước lo ngại dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tạo bất bình đẳng giữa thí sinh nông thôn và thành thị, ông Triệu không đồng tình. Bởi theo ông, khi đã có chứng chỉ, nếu phải dự thi, điểm thi môn tiếng Anh của những thí sinh này cũng thường rất cao. Do đó, việc sử dụng hay loại bỏ chứng chỉ khi xét tuyển không làm thay đổi nhiều tổng điểm theo tổ hợp của những thí sinh giỏi ngoại ngữ. Mặt khác, thí sinh nông thôn đã được cộng điểm ưu tiên theo các khoản khác của quy chế tuyển sinh.

Đại học Ngoại thương cũng là một trong những trường tiên phong đưa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL vào xét tuyển kết hợp điểm học bạ THPT, điểm thi THPT hay với các chứng chỉ năng lực quốc tế khác như SAT, ACT, A-Level. PGS TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, cho rằng chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong những cơ sở để xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất.

Giống như PGS Triệu ở Đại học Kinh tế quốc dân, bà Hiền cho rằng việc xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không làm mất cơ hội của những thí sinh không có điều kiện học ngoại ngữ. Các trường đều sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh. Chỉ tiêu của các phương thức cũng khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn theo năng lực, sở trường của mình.

"Nhà trường không xét tuyển hết những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ rồi mới xét tới thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức này là độc lập, ngang hàng, bảo đảm quyền lợi của thí sinh và tạo ra khả năng tiếp cận bình đẳng", bà Hiền nói.

Cũng theo PGS Hiền, Đại học Ngoại thương hàng năm đều có phân tích dữ liệu thí sinh vào học tại trường theo các phương thức khác nhau, Kết quả cho thấy những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có năng lực học tập rất tốt. Đây là một trong những cơ sở để trường duy trì phương thức này.

Ở góc nhìn khác, PGS TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đồng cảm với thí sinh ở nông thôn. Ông cho rằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, chỉ nên là tiêu chuẩn đầu vào cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc chương trình quốc tế.

Ông Tống không phủ nhận vai trò quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh trong thời buổi hội nhập. Ngược lại, ông cho rằng, cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp giỏi ngoại ngữ thường có cơ hội làm việc ở những môi trường chuyên nghiệp với thu nhập cao hơn người không giỏi lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nếu áp đặt ngoại ngữ, cụ thể là chứng chỉ IELTS làm tiêu chuẩn đầu vào, các trường có thể lấy đi cơ hội học tập của những thí sinh có năng lực, ý chí, nhưng chưa giỏi tiếng Anh vì điều kiện học tập ở phổ thông khó khăn.

Ông Tống cũng nêu thực trạng, không chỉ dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế làm đầu vào tuyển sinh, nhiều trường liên tục nâng chuẩn trình độ chứng chỉ ở đầu ra. Theo ông, đây là quy định vô lý, cần được loại bỏ, bởi không phải tất cả ngành nghề, môi trường làm việc đều cần ngoại ngữ trình độ cao. Rất nhiều sinh viên có chuyên môn tốt nhưng "trầy trật" nhiều năm mới lấy được chứng chỉ ngoại ngữ để tốt nghiệp.

"Chuẩn ngoại ngữ cả đầu vào và đầu ra chỉ nên ở mức tương đối. Hãy để sinh viên phấn đấu học ngoại ngữ trong quá trình học tập ở giảng đường với những mục tiêu, động lực của riêng mình. Và sau khi đi làm, họ sẽ tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ với yêu cầu của công việc", ông Tống nói.

Theo VnExpress