Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm nay
Thế giới - Ngày đăng : 20:10, 12/01/2022
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất công bố ngày 11.1, WB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống 4,1% từ mức 5,5% của năm ngoái và có thể giảm tiếp xuống còn 3,2% vào năm tiếp theo.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 và năm 2022 thấp hơn 0,2% so với báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mà WB công bố vào tháng 6.2021.
WB cảnh báo sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron, vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lạm phát kéo dài có khả năng cản đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ayhan Kose, người đứng đầu bộ phận dự báo của WB, nói với hãng tin AFP rằng biến thể Omicron có tác động tổng thể lành tính hơn so với các đợt bùng phát ban đầu.
Tuy nhiên, ông Kose cũng cảnh báo: "Nếu nó tồn tại lâu hơn nữa, ca bệnh vẫn tăng cao và tiếp tục gây áp lực cho hệ thống y tế, tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp hơn".
Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động, khó khăn trong sản xuất và vận chuyển toàn cầu, qua đó thúc đẩy làn sóng tăng giá.
Mỹ, Trung tăng trưởng chậm lại
Các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng không tránh khỏi tác động kinh tế của Omicron.
Trong báo cáo, WB đã hạ tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2021 xuống còn 5,6% và dự báo mức này sẽ giảm tiếp trong năm 2022 xuống còn 3,7% và năm 2023 là 2,6%.
WB cho biết kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong 10 năm trị giá 1,2 nghìn tỷ USD của Washington sẽ tạo ra một "cú hích nhỏ" cho nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới, với nhiều tác động hơn trong những năm sau đó.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với "lạm phát dai dẳng và việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn mong đợi".
Đối mặt với lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ sớm tăng lãi suất và có thể thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng chi phí vay đối với các nước đang phát triển vốn đã gánh khoản nợ kỷ lục.
WB dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc sẽ chậm lại, ở mức 5,1% trong năm 2022 và 5,2% trong năm tiếp theo.
WB cho rằng rắc rối của Trung Quốc sẽ còn vượt qua ngoài ranh giới đại dịch. "Khả năng suy thoái rõ rệt và kéo dài trong lĩnh vực bất động sản có đòn bẩy tài chính cao và những tác động tiềm tàng của nó lên giá nhà, chi tiêu tiêu dùng và tài chính của chính quyền địa phương - là một rủi ro làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế", báo cáo của WB cho biết.
Theo Tuổi trẻ