Đại học tăng cường ứng phó dịch vụ thi hộ online

Giáo dục - Ngày đăng : 22:38, 12/01/2022

Trong bối cảnh nở rộ các dịch vụ thi hộ trực tuyến, các đại học đưa ra nhiều phương án, thay đổi hình thức thi hoặc áp dụng chế tài mạnh.

Nhiều đại học đang trong giai đoạn thi kết thúc kỳ I, bảo đảm hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Một số trường khác sẽ tổ chức kỳ thi ngay sau dịp nghỉ lễ. Do chưa thể đến trường học trực tiếp, các kỳ thi này diễn ra online. Đây là bối cảnh làm nảy sinh dịch vụ làm bài tập thuê, thi hộ dưới hình thức các hội nhóm "hỗ trợ học tập".

Nhiều nhóm kiểu này có hàng chục nghìn thành viên. Có nhóm được lập từ tháng 8.2021, đến nay đã có 16.000 lượt người tham gia. Trên các nhóm, những dòng chia sẻ như "cần tìm một bạn sp (support, hỗ trợ) môn toán kinh tế ngày 18.1" xuất hiện liên tục. Xen lẫn thông tin từ bên có nhu cầu là các dòng trạng thái quảng cáo dịch vụ của bên cung cấp.

Khi "cầu" và "cung" gặp nhau, quá trình "hỗ trợ" diễn ra dưới hình thức: vào giờ thi, sinh viên gửi đề cho bên dịch vụ làm giúp và chuyển lại thông qua các thiết bị thông minh.

Một số chia sẻ tìm người hỗ trợ môn học với thời gian cụ thể được đăng tải trên các nhóm.

Hầu hết đại học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chuyển sang hình thức học trực tuyến từ tháng 5.2021, khi Covid-19 bùng phát. Trong các đợt nghỉ năm 2020, nhiều trường đã tổ chức thi online. Lường trước những mánh khóe gian lận trên, các đại học chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Tiến sĩ Trần Mạnh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết hiện trường áp dụng 4 hình thức thi. Hai hình thức đầu là nộp tiểu luận/ bài tập lớn và thi vấn đáp. Với nộp tiểu luận, sinh viên gửi bài theo hình thức trực tuyến. Còn với thi vấn đáp, hai giảng viên sẽ tham gia hỏi, đề được bốc ngẫu nhiên, toàn bộ quá trình thi được ghi âm, ghi hình nên gian lận là không có.

Hình thức thứ ba được Học viện Ngân hàng áp dụng là thi viết tự luận, tức thí sinh làm bài ra giấy trước sự giám sát trực tuyến từ cán bộ coi thi. Ở những môn theo hình thức này, giảng viên sẽ chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đủ lớn để bộ phận khảo thí bốc ngẫu nhiên. Trong quá trình thi, 30 sinh viên một phòng được giám sát bởi hai cán bộ, các em phải bật camera và micro. Khi nộp bài, sinh viên scan bản viết tay. Trường sẽ hậu kiểm ngẫu nhiên, đối chiếu chữ viết tay với các bài thi trước đó và với tờ khai sinh viên khi vào trường. Nếu có dấu hiệu bất thường, trường có chế tài xử lý, ví dụ đình chỉ học tập một năm.

Hình thức cuối cùng là thi online trên phần mềm trực tuyến iTest. Ông Hà cho biết đây là phần mềm có thể thi cả trắc nghiệm và tự luận. Nó có một số tính năng chống gian lận như cảnh báo khi người thi mở trình duyệt khác; tự động chụp màn hình của thí sinh vào nhiều thời điểm ngẫu nhiên và lưu hệ thống. Như vậy, sinh viên thoát ra hoặc truy cập tài liệu trong quá trình thi nhiều khả năng sẽ bị phát hiện.

Theo ông Hà, trải qua hai đợt thi online vào năm ngoài và đang ở đợt thi thứ ba, nhà trường chưa phát hiện sinh viên thi hộ nhờ các biện pháp trên. Tuy nhiên, những sự cố trong quá trình thi như rớt mạng, đột ngột camera hỏng hay scan bài gửi lên hệ thống không đủ thời gian quy định... vẫn xảy ra.

"Với các trường hợp như vậy, nhà trường sẽ tìm hiểu, có vi phạm sẽ xử lý theo quy chế, còn vì lý do khách quan sẽ cho thi lại để bảo đảm quyền lợi của sinh viên và chất lượng đào tạo của trường", ông Hà nói.

Cũng nhận thấy nguy cơ của việc thi hộ, Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Nha Trang cho biết nhà trường yêu cầu giảng viên lưu trữ bài làm của sinh viên như video quá trình thi, bài tiểu luận online, bài thi giấy trên hệ thống LMS để kiểm tra khi cần.

Đại học Nha Trang khuyến khích giảng viên tổ chức thi kết thúc môn bằng vấn đáp trực tuyến. Bằng cách này, giảng viên có thể kiểm soát được sinh viên trong suốt quá trình trả bài, tránh gian lận. Với hình thức làm bài tự luận trên giấy, trường yêu cầu sinh viên có hai camera để cán bộ coi thi kiểm soát toàn bộ quá trình thi.

Theo ông Phương, với hình thức thi trực tuyến, nhà trường cần có cách tiếp cận khác so với thi truyền thống. Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, giảng viên có thể dùng phương pháp "vấn đáp xác thực" để ngăn ngừa tiêu cực. Chẳng hạn, trong giờ làm bài, giảng viên có thể gọi ít nhất 15% thí sinh để xác thực đúng là sinh viên trong danh sách dự thi. Điều này tránh việc một số sinh viên "qua mặt" cán bộ coi thi bằng những chiêu trò công nghệ.

"Ngoài ra, vấn đáp xác thực còn có thể áp dụng nếu giảng viên cảm thấy sinh viên có điểm cao bất thường. Khi chấm bài, giảng viên có thể kiểm tra lại kiến thức người học để xác định khả năng người đó có gian lận hay không", ông Phương nói.

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền học online tháng 2/2021. Ảnh: Thanh Hằng

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền học online tháng 2.2021. Ảnh: Thanh Hằng

Kỷ luật nghiêm khắc hành vi gian lận trong thi cử cũng được nhiều trường áp dụng. Chẳng hạn, Đại học Nha Trang sẽ trừ điểm, cảnh báo học vụ, cho nghỉ học có thời hạn hoặc buộc thôi học, tuỳ mức độ gian lận.

Quy chế thi kết thúc học phần bằng hình thức trực tuyến của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng xử lý nặng hành vi nhờ người thi hộ hoặc hỗ trợ làm bài. Thí sinh sẽ bị 0 điểm và đình chỉ thi. Mới đây, trường đã đình chỉ thi 78 sinh viên trong kỳ thi trực tuyến học kỳ II năm học 2020-2021.

Ở Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, thi hộ, nhờ người khác thi hộ dưới mọi hình thức sẽ bị đình chỉ học một năm, buộc thôi học hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm.

Ở các trường thuộc khối kỹ thuật, phần thi và chế tài được áp dụng tương tự. Ngoài ra, nhiều trường tăng số lượng học phần làm đồ án môn học. Tiến sĩ Trịnh Văn Toàn, Trưởng Phòng Đào tạo Đại học Điện lực (Hà Nội) cho hay làm đồ án môn học tức sinh viên phải bảo vệ đồ án đó trước giảng viên. Với cách này, sinh viên buộc phải làm thật mới có thể trình bày và trả lời vấn đáp từ giảng viên.

Đại diện các trường đại học nhấn mạnh, ý thức của sinh viên vẫn là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, với những cách thức được áp dụng, các trường tự tin sẽ hạn chế tối đa gian lận trong thi cử trực tuyến.

Theo VnExpress