Tên lửa siêu vượt âm Mach 10 của Triều Tiên - nhân tố ‘thay đổi cuộc chơi’?

Tin tức - Ngày đăng : 12:07, 13/01/2022

Năng lực vũ khí mới vượt trội có thể thay đổi vị thế của Bình Nhưỡng sau hàng thập kỷ răn đe tấn công nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc.

Chú thích ảnh
Ảnh do KCNA công bố về vụ thử tên lửa mà Triều Tiên tuyên bố là tên lửa siêu vượt âm Hwasong-8 ngày 28.9.2021

Sáng 11.1, Triều Tiên đã phóng thử một quả tên lửa mà Hàn Quốc xác nhận là đã bay với tốc độ siêu vượt âm (tức vượt trên 5 lần tốc độ âm thanh).

Tên lửa siêu vượt âm Mach 10

Ngày 12.1, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đã xác nhận Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa, với mục đích xác định lần cuối cùng các thông số kĩ thuật tổng thể của hệ thống vũ khí siêu vượt âm. Theo đó, thiết bị bay siêu vượt âm đã thực hiện một số đường bay kĩ thuật và bắn trúng mục tiêu đã định ở vùng biển cách 1.000km. KCNA khẳng định khả năng cơ động vượt trội của thiết bị bay siêu vượt âm đã được kiểm chứng rõ ràng sau lần bắn thử cuối cùng này.

Tên lửa rơi xuống vị trí quá xa so với tầm bắn liên lục địa cần thiết để bắn trúng lãnh thổ Mỹ. Vụ thử vì thế gây bất ngờ với những người theo dõi tin tức vốn đã quen với những vụ phóng thường xuyên của Bình Nhưỡng.

Nhưng theo tờ Asia Times, nếu nhìn sâu hơn, có thể nhận thấy một xu hướng mới trong khả năng quân sự của Triều Tiên.

Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa được phóng từ một địa điểm nội địa ở Triều Tiên ra Biển Nhật Bản đạt tốc độ Mach 10 và bay ở độ cao 60km trong hơn 700km. Tham mưu trưởng liên quân của Seoul nhận xét cuộc thử nghiệm của Triều Tiên cho thấy một tên lửa đã được "cải tiến" so với cuộc thử nghiệm vừa được tiến hành 6 ngày trước đó. Sự kiện ngày 5/1 được truyền thông nhà nước Bình Nhưỡng gọi là vụ thử tên lửa có khả năng siêu vượt âm.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí tốc độ cực cao, có thể là đạn đạo hoặc hành trình, di chuyển với tốc độ gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh, hoặc Mach 5, ở độ cao dưới 90 km. Tốc độ siêu vượt âm sẽ vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại. Và thử nghiệm mới nhất của Triều Tiên đã vượt xa tốc độ Mach 5.

Không hoàn toàn rõ liệu tên lửa của Triều Tiên có đáp ứng được định nghĩa đầy đủ của vũ khí siêu vượt âm hay không. Một số chuyên gia cho biết tên lửa siêu vượt âm cũng thể hiện khả năng cơ động cực cao nhưng khả năng nhắm mục tiêu của nó thì chưa được rõ.

Tuy nhiên, Triều Tiên đã thử nghiệm thứ mà họ tuyên bố là vũ khí siêu vượt âm kể từ tháng 9 năm ngoái và cho thấy những đường bay khác nhau trong các cuộc thử nghiệm trước đó.

Vụ thử hôm 5/1 dẫn đến cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York vào 10.1. Nhưng chỉ một ngày sau, Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa. Chương trình phát triển và thử tên lửa của Triều Tiên đã diễn ra bất chấp Liên hợp quốc đã thông qua các nghị quyết và áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề kể từ năm 2016.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi phóng tên lửa đạn đạo tại một địa điểm không xác định vào năm 2019

Răn đe mạnh hơn, thay đổi cán cân quyền lực

Các chuyên gia ở Seoul về cơ bản đồng ý rằng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cho đến nay, phần lớn là nhằm mục đích răn đe Mỹ.

Triều Tiên từng ưu tiên các lực lượng truyền thống trong những năm 1950 và các lực lượng phi truyền thống trong những năm 1960, 70 và 80. Họ đã bước vào thế phòng thủ kể từ khi Liên Xô cũ tan vỡ cộng với những khó khăn kinh tế ghê gớm trong những năm 1990. Sau đó trong thập niên 2000, Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh phát triển vũ khí nhằm răn đe. 

Giờ đây, các chuyên gia phát hiện ra rằng những tiến bộ mới trong công nghệ vũ khí của Triều Tiên có khả năng thay đổi cán cân quyền lực chiến lược với liên minh Hàn-Mỹ.

Điều này làm tăng rủi ro an ninh lớn hơn trong khu vực. Do hiện tại thiếu các biện pháp chống vũ khí siêu vượt âm – khi các biện pháp phòng thủ như vũ khí laser và điện từ vẫn chưa được hoàn thiện hoặc triển khai - các quốc gia có thể buộc phải chuyển sang chiến thuật tấn công phủ đầu.

“Những gì họ đang làm chính xác là những gì họ đã nói rằng họ sẽ làm”, tướng về hưu Chun In-bum của Hàn Quốc nói với tờ Asia Times. "Họ nói rằng họ sẽ phát triển vũ khí siêu vượt âm, và đúng như vậy."

Sau Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 vào tháng 1.2021, Triều Tiên đã công bố lộ trình phát triển vũ khí mới, bao gồm UAV, tên lửa siêu vượt âm và vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên giảng dạy tại Đại học Kookmin của Seoul, cho biết: “Họ đã công bố một chương trình về những gì họ sẽ làm - chương trình hạt nhân của họ rất cởi mở. Họ công bố rất nhiều để thể hiện khả năng của mình và để khẳng định rằng họ không lừa dối”.

Cuộc thử nghiệm hôm 10.1 cho thấy phương Tây không nên coi nhẹ các chương trình đã được Bình Nhưỡng công bố.

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên trong cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng ngày 10.10.2021

Từ vũ khí răn đe sang vũ khí tấn công?

Các tài sản lưu động của Mỹ, như các nhóm tấn công tàu sân bay hay các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, đều không thể được bảo vệ một cách đáng tin cậy trước hệ thống vũ khí siêu vượt âm. Những hệ thống như vậy có thể ngăn cản Washington không di chuyển được lực lượng sang hỗ trợ Seoul trong trường hợp xảy ra xung đột.

Ông Go Myong-hyun, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Asan ở Soul, nhận định: “Đó là một chiến lược chống tiếp cận, khước từ vào khu vực. Thay vì tấn công đất liền Mỹ, họ có thể ngăn cản Washington tăng cường cho Hàn Quốc, vì không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có khả năng bắn hạ tên lửa mà Triều Tiên đang phát triển”.

Tại Hàn Quốc, mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật có thể làm vô hiệu hoá lực lượng thông thường mạnh mẽ và công nghệ cao của Seoul. Cho đến nay, Bình Nhưỡng đã không thử nghiệm một thiết bị hạt nhân chiến thuật (loại vũ khí cỡ nhỏ nhằm vào các mục tiêu quân sự bằng pháo hoặc máy bay - nhưng đã tiến hành thử nghiệm thành công các thiết bị hạt nhân chiến lược, là vũ khí cỡ lớn nhằm mục tiêu là các thành phố.

Trong thập niên 2000, Triều Tiên đã bắt đầu đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và các nền tảng phóng được thiết kế để ngăn chặn Mỹ. Vụ thử hạt nhân thành công đầu tiên của Bình Nhưỡng được tiến hành vào năm 2006; Lần thử nghiệm ICBM thành công đầu tiên của họ là vào năm 2017.

Giờ đây, các chuyên gia nhận thấy việc thử tên lửa siêu vượt âm là một động thái vượt quá sức răn đe.

Chú thích ảnh
Hình minh hoạ tên lửa siêu vượt âm

Ông Lankov nói: “Cho đến gần đây, tôi vẫn nói rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên phần lớn là để tự vệ. Nhưng giờ đây, họ đang dần phát triển các khả năng tấn công: Những gì bắt đầu như một dự án tự vệ đang trở thành dự án có thể được sử dụng cho một chiến dịch tấn công.”

Thế mạnh đàm phán

Còn chuyên gia Go nhận định: “Logic của Triều Tiên rất hợp lý. Họ đã sở hữu các biện pháp răn đe - họ có khả năng trả đũa nếu bị tấn công. Nhưng những gì họ đang xây dựng về khả năng vượt quá sức răn đe mà họ có: họ đang đa dạng hóa các phương án tấn công khi muốn kiểm soát sự leo thang ”.

Chuyên gia Andrei Lankov dự đoán: “Sẽ có nhiều vòng thử nghiệm hơn. Và nhiều vòng thử sẽ bất lợi hơn cho người Mỹ và người Hàn Quốc."

Điều này không có nghĩa là một cuộc chiến sắp xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Các loại vũ khí tăng sức nặng trên bàn đàm phán và Triều Tiên đã nói rõ rằng họ sẵn sàng đàm phán về loại bỏ một số yếu tố - nhưng không phải tất cả - trong các chương trình vũ khí của mình.

“Bằng cách bổ sung các khả năng, họ không làm điều đó hoàn toàn từ quan điểm quân sự. Đó là một phần trong chiến lược chính trị của họ chống lại Hàn Quốc và Mỹ", ông Go nói.

Trong khi đó, tướng về hưu Chun In-bum bổ sung: “Tôi nghĩ ưu tiên của họ là có khả năng đe dọa Mỹ, từ đó giành được ưu thế để tìm kiếm một vị thế đàm phán tốt hơn”.

Theo Báo Tin tức