Áp lực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:45, 14/01/2022
Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Hải Dương chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 nặng
Thời gian qua, số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tăng khiến các nhân viên y tế trực tiếp điều trị chịu nhiều áp lực.
Trao đổi với chúng tôi nhưng điện thoại của bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh liên tục nhận cuộc gọi từ các nhân viên y tế trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. "Bệnh nhân nặng ngày càng nhiều nên chúng tôi gần như phải giữ liên lạc 24/24 giờ để xử lý những tình huống đột xuất. Anh em ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc, đầu óc lúc nào cũng chỉ lo công việc", bác sĩ Thế Anh chia sẻ.
Hơn 1 tháng nay, Khoa Cấp cứu, hồi sức và chống độc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - nơi điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng luôn trong tình trạng không còn một chỗ trống. Bệnh viện còn phải bố trí thêm 5 giường bệnh ở một khu vực riêng để điều trị F0 nặng. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 24 bệnh nhân Covid-19 nặng.
Thời gian trước, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh được Sở Y tế tăng cường thêm 7 bác sĩ, điều dưỡng từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi Hải Dương tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Có sự giúp sức của họ, công việc đỡ vất vả, nhân viên y tế có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Tuy nhiên cách đây 1 tháng, 7 nhân viên y tế tăng cường đã rút về đơn vị. Nhân lực của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh có hạn trong khi bệnh nhân nặng không ngừng tăng khiến công việc chịu nhiều áp lực, vất vả. "Thời điểm trước cũng với số lượng bệnh nhân như hiện tại, chúng tôi có 4 ê kíp tham gia chăm sóc, điều trị, mỗi ê kíp làm việc 6 tiếng/ngày. Hiện tại, bệnh viện chỉ có 2 ê kíp, mỗi ê kíp làm việc liên tục 12 tiếng/ngày", bác sĩ Thế Anh cho biết thêm.
Bác sĩ Vũ Đức Quý đang làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng cho biết bệnh nhân đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền, phải thở máy dòng cao, nằm im một chỗ. Số bệnh nhân còn lại tình trạng khá hơn nhưng cũng vẫn phải thở ô xy, không tự chăm sóc được bản thân. Tại đây, các bác sĩ, nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ theo dõi, điều trị đến vệ sinh cá nhân, ăn uống, tắm giặt... "Suốt 12 tiếng chúng tôi gần như không rời mắt khỏi bệnh nhân. Diễn biến sức khỏe của họ có khi đang tốt lên nhưng một vài tiếng sau lại xấu đi. Anh em phải liên tục theo dõi, ghi chép các chỉ số của từng người để hội chẩn và đưa ra biện pháp chăm sóc phù hợp. Làm việc dài ngày, anh em mệt mỏi lắm nhưng vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh nên bảo nhau cố gắng", anh Quý thông tin.
14 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Hải Dương cũng được các nhân viên y tế thay nhau chăm sóc 24/24 giờ. Bác sĩ Phạm Lương Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phổi Hải Dương cho biết một số bệnh nhân cao tuổi thuộc diện nguy kịch nên nhân viên y tế gần như không rời mắt. Chỉ công việc theo dõi, điều chỉnh một loạt các thiết bị, máy móc phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân cũng khiến đầu óc căng thẳng.
Phải làm việc trong khu vực có hàm lượng hạt chứa virus cao, diện tích lại hẹp khiến nhân viên y tế dễ mắc Covid-19. Thời gian qua, có một số nhân viên y tế tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 đã trở thành F0. Nhóm nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh chứng kiến cảnh 2 bệnh nhân tử vong trên giường bệnh vào các ngày 10 và 12.1 bị áp lực tâm lý.
Mỗi ê kíp chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong 3 tuần liên tục sẽ được nghỉ ngơi. Tiếng là nghỉ ngơi nhưng trên thực tế họ phải cách ly tại bệnh viện 7 ngày và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày, sau đó lại quay lại công việc. Các nhân viên y tế này có rất ít thời gian tham gia các hoạt động xã hội, chăm sóc gia đình. Việc này nếu kéo dài lâu có thể khiến nhân viên y tế bị ảnh hưởng tâm lý.
Thời gian gần đây, số lượng người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng lên. Dự báo, số lượng bệnh nhân nặng nhập viện tại Hải Dương có thể sẽ tăng. Về cơ sở hạ tầng điều trị F0, tỉnh đã chủ động chuẩn bị nên hiện tại không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nhân viên y tế làm nhiệm vụ hồi sức, cấp cứu tại các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 vẫn còn mỏng. Việc huy động các nhân viên có kinh nghiệm từ tuyến huyện lên tăng cường trong giai đoạn hiện nay khó thực hiện do các địa phương cũng bắt đầu điều trị F0 tại nhà. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương đã phải tự đào tạo nhân viên chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo hướng người quen việc hướng dẫn người mới để giảm tải áp lực cho các ê kíp hiện tại. "Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng quy định tất cả các bác sĩ, điều dưỡng, không cần biết đang ở khoa nào đều phải tham gia điều trị F0. Các cơ sở y tế tại tỉnh ta cũng nên thực hiện như vậy để chủ động hơn trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người mắc Covid-19", bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đề xuất.
Theo thống kê, hầu hết bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Hải Dương đều là người cao tuổi, mắc bệnh nền. Cả 4 bệnh nhân đã tử vong cũng thuộc nhóm này. Để giảm tải áp lực trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát, tổ chức tiêm đủ mũi vaccine cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Các gia đình quan tâm chăm sóc, hạn chế cho người cao tuổi tiếp xúc để tránh mắc Covid-19.
TIẾN MẠNH