Xử lý nghiêm các trường hợp giao đất, cho thuê đất trái quy hoạch
Kinh tế - Ngày đăng : 08:39, 14/01/2022
>>>Kiểm tra, giám sát thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, quan trọng
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 tỉnh Hải Dương
Giảm 26.394 ha đất nông nghiệp
Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu chính như sau: Đất nông nghiệp hiện trạng 105.313 ha, đến năm 2025 là 78.919 ha, giảm 26.394 ha so với năm 2020, trong đó: Đất trồng lúa hiện trạng 58.981 ha, đến năm 2025 là 40.676 ha, giảm 18.305 ha so với năm 2020. Đất trồng cây lâu năm hiện trạng 20.508 ha, đến năm 2025 là 16.005 ha, giảm 4.503 ha so với năm 2020...
Đất phi nông nghiệp: Hiện trạng 61.414 ha, đến năm 2025 là 87.833 ha, tăng 26.419 ha so với năm 2020, trong đó: Đất quốc phòng hiện trạng 647 ha, đến năm 2025 là 1.011 ha, tăng 364 ha so với năm 2020. Đất an ninh hiện trạng 224 ha, đến năm 2025 là 213,39 ha, tăng 97 ha so với năm 2020, đồng thời đất an ninh giảm 101 ha tại Cồn Vĩnh Trụ để chuyển sang đất khu du lịch nghỉ dưỡng.
Đất khu công nghiệp hiện trạng 1.462 ha, đến năm 2025 là 7.499 ha, tăng 6.037 ha so với năm 2020. Đất cụm công nghiệp hiện trạng 946 ha, đến năm 2025 là 4.238 ha, tăng 3.292 ha so với năm 2020. Đất phát triển hạ tầng hiện trạng 26.743 ha, đến năm 2025 là 34.811 ha, tăng 8.068 ha so với năm 2020 (trong đó đất giao thông tăng 5.145ha). Đất ở nông thôn hiện trạng 13.040 ha, đến năm 2025 là 16.074 ha, tăng 3.034 ha so với năm 2020. Đất ở đô thị hiện trạng 4.215 ha, đến năm 2025 là 5.606 ha, tăng 1.391 ha so với năm 2020.
Đất chưa sử dụng hiện trạng 99 ha, đến năm 2025 là 74 ha, giảm 25 ha so với năm 2020.
Tránh tình trạng dự án "treo"
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 là tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về đất đai, có cơ chế tài chính phủ hợp để phát triển thị trường bất động sản; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách xã hội hóa, đối tác công tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh, công nghiệp và dịch vụ, lĩnh vực văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao, bảo vệ môi trường.
Rà soát, điều chỉnh các cơ chế tạo quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Ưu tiên bố trí đất để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm tạo động lực thực hiện kế hoạch sử dụng đất một cách đồng bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất; xử lý nghiêm các trường hợp giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và các trường hợp không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa nước đã được quốc gia phân bổ, nghiêm cấm việc chuyển đổi đất trồng lúa nước sang đất trồng cây lâu năm nuôi thuỷ sản hoặc chuyển sang các mục đích khác không theo quy hoạch. Thẩm định kỹ năng lực tài chính của các nhà đầu tư trước khi cấp phép cho đầu tư trên địa bàn tỉnh để tránh tình trạng dự án "treo"; đồng thời thường xuyên rà soát quy hoạch để xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hằng năm cho phù hợp với nhu cầu sử dụng đất.
Hải Dương cũng sẽ tập trung huy động các nguồn lực nhất là nguồn vốn xã hội hóa, đối tác công tư... để đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở sản xuất, dịch vụ, bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước về đầu tư và tín dụng, về mặt bằng sản xuất, về tư vấn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung; trong đó ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tập trung với công nghệ hiện đại, gắn với hệ thống quan trắc môi trường tự động...
PV