Sóng gió con riêng
Gia đình - Ngày đăng : 14:07, 14/01/2022
Mấy ngày nay, dư luận xã hội đang sục sôi vụ mẹ kế hành hạ con riêng của chồng đến tử vong và gióng lên một hồi chuông báo động về hiện tượng xã hội không mấy tốt đẹp này. Thật ra từ bao đời nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều lên án chuyện hành hạ con chồng của những bà mẹ kế. Người Việt ta cũng có câu: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng".
Không chỉ con riêng của chồng, mà con riêng của vợ cũng luôn là "vật cản" vô cùng chướng tai gai mắt với người thứ ba. Bản thân tôi cũng đã trải qua những ngày cay đắng đến tận cùng, uất ức đến vô vọng vì những câu chuyện diễn ra hằng ngày với con riêng của mình.
Tôi lập gia đình và sinh một bé trai. Sau đó, vợ chồng tôi chia tay. Dĩ nhiên vì con còn quá bé, chưa đến ba tuổi, nên quyền nuôi con thuộc về tôi.
Trong quá trình công tác, tôi cũng gặp gỡ, quen biết nhiều người đàn ông khác, từ chưa lập gia đình đến những người đã yên bề gia thất. Họ biết chuyện của tôi, tỏ ra đồng cảm, chia sẻ với gánh nặng "một mình nuôi con" nên thường xuyên thăm hỏi, thậm chí gửi quà cho con trai tôi nhân dịp lễ lạt. Tất cả chỉ dừng ở đó!
Chỉ duy nhất mình anh là dám "ngang nhiên" công khai đến nhà chở hai mẹ con tôi đi chơi mỗi tối; chở con tôi đi học những lúc tôi bận công tác. Thế rồi chuyện gì đến cũng đến. Chúng tôi nên duyên cầm sắt, dù gia đình anh cực lực phản đối vì anh là con trai trưởng… Vượt qua mọi trở ngại, anh cũng quyết định và hứa yêu thương mẹ con tôi.
Chúng tôi về chung một nhà, mọi chuyện với chồng, với con riêng cũng diễn ra bình thường như những ngày đầu quen biết. B. - con trai tôi - gọi anh bằng "ba" thân mật. Thế nhưng, anh hay có những câu vô ý: "Thằng B. cười mà mặt méo xệch như khóc"; "Nhìn cái tướng hèn hèn giống y ba nó"; "Làm cái gì cũng vụng về như vậy thì chắc không phải con anh rồi"…
Rồi thỉnh thoảng cũng có vài cây roi anh quất khi B. không đúng…
Những câu đại loại như thế cứ lặp đi lặp lại mặc dù tôi đã nhẹ nhàng nhắc: "B. là một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm học, lễ phép, hiền lành nên anh mới dễ dàng đánh chửi nó nhe; chứ gặp đứa khác thì chết với ba nó". Nhưng mà chồng cũ của tôi cũng đi một nước, không hề ghé thăm B. để nghe con kể lể…
Rồi đứa con chung của chúng tôi ra đời trong sự hân hoan chào đón của gia đình anh, góp phần hàn gắn quan hệ giữa tôi và mẹ anh. Thế nhưng sóng gió vẫn chưa chịu buông tha gia đình tôi. Lúc nào anh cũng dành mọi lời ca ngợi cho S. - con ruột của anh và tôi: "Thằng S. nhanh nhẹn, dễ nuôi khác hẳn thằng anh. Nó khôn ngoan lanh lợi hơn nhiều…".
Anh bắt đầu khó với con riêng của tôi, xét nét, khẽ tay con nhiều hơn ngay trước mặt tôi và dường như lý do "dạy con" nào của anh đưa ra cũng có lý.
Tôi ấm ức nhưng chưa tiện nói mạnh miệng vì muốn yên cửa yên nhà. Những lần chỉ có hai vợ chồng, tôi thường nhắc nhở chuyện này; nhưng anh cũng cố chấp: "Quan trọng là em thấy anh thương thằng B. không?".
Thương thì có, B. gọi anh bằng ba và coi anh như ba ruột nhưng cách anh so sánh và đối xử với hai đứa nhỏ thì rõ ràng anh nghiêng về một phía nhiều hơn.
Chuyện gì đến cũng phải đến. Tối hôm đó, vợ chồng tôi đưa B. cùng đi dự bữa tiệc do một người bạn tổ chức tại nhà hàng. Tại đây, con trả lời đúng câu đố vui nên được tặng một chiếc nón của chú hề. B. mừng lắm, về nhà liền khoe với em trai: "Anh Hai trả lời giỏi nên chú hề tặng nè". Em chỉ mới vài tuổi đầu, cầm nón trên tay giỡn và lỡ làm rách mất. Thế là bị B. đánh cho mấy cái.
Chồng tôi nổi cơn tam bành (chắc có lẽ do hơi men còn sót lại trong buổi tiệc), đánh cho B. một trận. Lúc này tôi không kiềm chế được nữa mới hét lên: "Sao anh cứ đánh con tôi hoài vậy?".
Như giọt nước tràn ly, anh bế thằng nhỏ trên tay và ném xuống nệm: "Đây, tôi cũng đánh con tôi nè!". Nói xong, anh thay quần áo, lấy xe bỏ đi suốt đêm.
Tôi cay đắng và nhận ra sự thật: chẳng ai thật lòng thương con riêng của mình. Tất cả chỉ là sự phỉnh gạt, lừa dối. Cứ ở lâu rồi sẽ biết.
Giờ thì chúng tôi đã chia tay. Từ câu chuyện đã trải qua, tôi nghĩ: nếu lên xe hoa lần đầu, bạn chỉ phải học một lớp tiền hôn nhân thì với người có con riêng, có lẽ phải học... mười lớp để có "cẩm nang" trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Theo Người lao động