Khám phá nét độc đáo của nghệ thuật gọt củ hoa thủy tiên
Đời sống - Ngày đăng : 10:08, 17/01/2022
Để rồi, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, niềm vui tao nhã của những người thưởng hoa là được ngắm những cánh trắng hé nở duyên dáng mang mùi hương thanh khiết...
Giữa bạt ngàn sắc hoa xuân, thủy tiên mang vẻ đẹp rất riêng khiến lòng người người mê đắm.
Bày ra bàn trà bộ dao sắc tỉa củ hoa thủy tiên gắn bó với mình từ nhiều năm, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu các công đoạn cắt, gọt, tỉa và tạo dáng cho thủy tiên. Bàn tay chị thoăn thoắt tách nhẹ từng lớp đất bọc bên ngoài, sau đó đến lớp vỏ củ, để lộ dần ra lớp mầm nõn nà, trắng ngần. Lớp vỏ củ được bóc xong, sẽ là bóc lớp bao mầm để mầm hoa hé ra. Và thông thường, phần gọt thô sẽ gọt bỏ đi khoảng 50% phần vỏ ở mặt củ. Ngoài bóc vỏ củ, chị Thủy còn thực hiện thêm phần xén lá và cạo cuống hoa. Công đoạn này sẽ giúp lá hoa khi mọc lên có độ cong và mềm mại nhất định, thân hoa cũng uốn lượn, tạo nét thanh mảnh duyên dáng.
Củ hoa thủy tiên đẹp sở hữu phần rễ dài trắng muốt, lá xanh mềm mại, uốn lượn.
Chị Thủy tỉ mẩn gọt củ hoa, ánh mắt chăm chú lấp lánh niềm vui. Chỉ sau khoảng 15 ngày, lứa củ này của chị sẽ cho ra một chùm rễ dài trắng muốt, rồi những nụ hoa cũng sẽ xuất hiện. Và khoảng 5 đến 6 ngày từ khi nụ bắt đầu nhú, là hoa cũng vừa đến độ nở. Những bông hoa mỏng manh, thuần khiết, nhụy hoa tươi vàng, e thẹn hệt như người thiếu nữ xinh đẹp, khiến ai ngắm nhìn cũng trầm trồ say đắm.
Củ giống tốt quyết định rất lớn đến độ đẹp của hoa, vì vậy khâu chọn củ hoa thủy tiên là cực kỳ quan trọng.
Với những nghệ nhân gọt củ thủy tiên, khoảng 10 đến 25 ngày trước Tết Nguyên đán là thời gian lý tưởng để bắt đầu gọt củ, chuẩn bị cho lứa hoa nở đúng đêm Giao thừa, kịp cho gia chủ bày hoa thủy tiên ngát hương trên bàn thờ gia tiên và bàn tiếp khách những ngày Tết. Rất nhiều công phu, sự tâm huyết được người cắt tỉa hoa gửi gắm, căn chỉnh từng chút một để hoa nở chính đêm 30 Tết. Bởi người chơi hoa xưa quan niệm rằng, có một bình hoa nở đúng giao thừa thì năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến với gia đình. Hoa nở báo hiệu một năm mới tài lộc sung túc, mọi điều may mắn, phước lành an khang sẽ đến với gia chủ và những người thân yêu.
Những dụng cụ cắt gọt củ thủy tiên cơ bản mà người chơi hoa cần có.
Thủy tiên là loài hoa đẹp nhẹ nhàng, thanh khiết và đặc biệt nở đúng độ tiết trời se lạnh của miền Bắc dịp cuối năm. Cũng bởi vậy mà từ lâu, người Hà Nội chọn hoa thủy tiên làm thú chơi cầu kỳ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Những ngày đầu năm mới, nhìn ngắm bát thủy tiên khoe sắc, tỏa hương, tâm trạng mỗi con người trở nên an tĩnh, thanh bình, để chào đón một mùa xuân mới hạnh phúc tràn đầy.
Gọt củ thủy tiên cần thật cẩn trọng, tránh làm tổn thương đến các đầu lá non.
Nếu để tự nhiên, lá thủy tiên sẽ mọc nhiều và thẳng, che mất hoa. Vì vậy, người chơi hoa cũng cần xén lá để tạo độ cong, độ uốn lượn mềm mại cho phần lá bên dưới hoa.
Đến thăm trưởng nhóm “Ngôi nhà Hoa thủy tiên” (nhóm hướng dẫn, chia sẻ phương pháp chăm sóc loài hoa kiêu kỳ) Nguyễn Thị Thanh Thủy, có thể thấy từ phòng khách đến ban công, sân thượng của nhà chị những ngày giáp Tết, đâu đâu cũng thấy bóng dáng loài hoa thủy tiên. Đã thành thông lệ, cứ khoảng ngày 10 tháng Chạp Âm lịch, chị Thanh Thủy lại tự tay cắt, gọt, tỉa và tạo dáng cho thủy tiên. Từ chơi hoa đến chia sẻ niềm đam mê chơi hoa thủy tiên với mọi người, chị Thanh Thủy được rất nhiều người yêu hoa gửi gắm việc cắt tỉa để sát Tết đặt mua một chậu hoa nở đẹp và đúng dịp.
Củ thủy tiên sau khi gọt xong cần úp sấp trong chậu nước, thay nước khoảng 4 - 6 tiếng một lần để làm sạch hết nhựa.
Nói về một bình hoa thủy tiên đẹp, chị Thanh Thủy chia sẻ: “Nhất dáng, nhì hoa. Về dáng, hoa phải có rễ trắng muốt, dài, lá xanh uốn lượn. Hoa có độ cao thấp khác nhau, mọc tập trung ở chính giữa. Hoa phân tầng cao thấp, hoa cao lá cao, hoa thấp lá thấp”. Cũng theo chị Thủy, đã là hoa thủy tiên, thì không có cây nào xấu cả. Quan trọng là hoa được sắp đặt như thế nào, bày trí ra sao. Mỗi người sẽ có một ấn tượng riêng. Có người thích những bát hoa đầy đặn sum suê như một mâm xôi, người lại thích những bát hoa nhẹ nhàng, điệu đà một chút. Bát hoa hoàn thiện có thể trưng bày, trang trí chỉ cần có đủ rễ, đủ lá, đủ hoa. Trong trường hợp nó có những khiếm khuyết, thì người chơi sẽ tìm cách bày trí để phù hợp với cây thì hoa vẫn khoe được vẻ đẹp riêng của mình.
Nói về cơ duyên đến với nét nghệ thuật chơi hoa độc đáo này, chị Thanh Thủy cho biết, chị đã bắt đầu tìm hiểu và gắn bó với thú chơi hoa thủy tiên đã gần 30 năm.
“Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, công ty đầu tiên tôi làm việc là một liên doanh giữa công ty Công viên cây xanh với doanh nghiệp Nhật Bản. Do đó, tôi may mắn được tiếp cận với các nghệ nhân gắn bó với nghệ thuật cắt gọt củ thủy tiên, được chia sẻ bí quyết, hướng dẫn tỉ mỉ từng chút một về các bước để có được một bình hoa đẹp. Và từ thời điểm đó, mỗi năm vào khoảng trung tuần tháng Chạp, tôi đều tự tay tỉa từng củ thủy tiên để bày biện trong nhà mỗi dịp Tết” - chị Thủy kể.
Khu vườn nhỏ tràn ngập hoa thủy tiên của nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Thủy.
Để có được một bình hoa thủy tiên hoàn chỉnh, có thể ra hoa thường bao gồm 4 công đoạn chính là: Chọn củ, sau đó gọt củ, bỏ đi lớp lá vàng, cạo rễ. Khi gọt, người chơi hoa cần phải cẩn trọng, nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương đến các đầu rễ non. Dụng cụ cắt tỉa gọt không cần quá cầu kỳ, nếu không có dao chuyên dụng người gọt củ hoàn toàn có thể dùng dao gọt hoa quả có đầu nhọn vát, khi khoét củ có thể dùng thìa cà phê nhỏ hoặc một que tre nhọn thay thế.
Mỗi bình hoa thủy tiên lại mang một nét đẹp riêng, gói ghém cả tâm tư người cắt tỉa, chăm sóc.
Thủy tiên là loài hoa ưa sạch, vì vậy để hoa tươi lâu, người chơi hoa phải thay nước thường xuyên, chăm sóc cho bộ rễ chu đáo. Cây hoa không phơi nắng mà phải để trong nhà tối hoặc chỗ râm mát. Phải đợi đến đêm, người chơi hoa mới nhẹ nhàng đưa từng bát hoa ra ngoài trời cho cây hứng chút sương giá đất trời.
Ngày ngày người chơi bỏ công quan sát, thấy nước có hiện tượng vẩn đục, phải lập tức xem xét phần củ nào thối, ủng thì dùng dao gọt rộng cho hết và rửa thật sạch củ hoa dưới vòi nước chảy. Cẩn thận hơn, người chơi có thể rửa củ hoa bằng nước muối loãng rồi tiếp tục thủy dưỡng. Khi tưới hoa, người chơi cũng cần chú ý xịt từ cao xuống, những bụi nước như sương rơi xuống, chứ không phải tưới nước trực tiếp, làm hỏng những cánh hoa mỏng manh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy gắn bó với nghệ thuật cắt tỉa hoa thủy tiên gần 30 năm.
Chia sẻ không gian thưởng thức hoa, chị Thủy cùng các bác, các bạn yêu thích nghệ thuật cắt gọt thủy tiên thành lập nhóm “Ngôi nhà Hoa thủy tiên”. Cũng từ “Ngôi nhà Hoa thủy tiên” mà có rất nhiều bạn trẻ biết đến và đón nhận, tò mò về thú chơi hoa đẹp đẽ này. Cho đến bây giờ, trăm hoa đua nở, thú chơi hoa thủy tiên đã lan tỏa rất nhiều đến các bạn trẻ. Và mỗi dịp cận Tết, thì lại có một thú vui đó là chuẩn bị gọt củ, có những nhóm cùng nhau gọt hoa, tạo nên những bát hoa xinh đẹp dành cho gia đình hoặc dành tặng người thân.
"Ngôi nhà Hoa thủy tiên" tới nay đã trở thành nơi “hội ngộ” thân quen của những người yêu hoa Hà thành.
Mỗi người có một lý do riêng để tìm đến hoa thủy tiên. Chị Thúy An (30 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) khi được hỏi về lý do đến với nghệ thuật cắt gọt củ thủy tiên, tâm sự: “Quá trình gọt củ thủy tiên từ lúc còn là một củ nhỏ, tự tay cắt tỉa theo ý mình, chăm sóc nâng niu hoa từng chút một khiến bản thân tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi thấy bản thân yêu và trân trọng bình hoa của mình hơn. Mỗi khi ngắm hoa cũng thấy tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng, bình lặng hơn trong những ngày cuối năm hối hả, bộn bề công việc”.
Chị Cẩm Tú (37 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vui vẻ nói: “Trên trang Facebook “Ngôi nhà Hoa thủy tiên”, thấy mọi người có những bình hoa thủy tiên rất đẹp. Sau khi tìm hiểu, mình đã quyết định đến đây để học cắt gọt củ thủy tiên chơi Tết. Và quả thực, để có được những bình hoa đẹp và vừa ý nhất thì phải tự tay mình làm chứ không thể nào dễ dàng mua được ở ngoài chợ hoa”.
Thú chơi của người xưa vẫn đang được tiếp nối bằng niềm đam mê của lớp trẻ hiện nay.
Chính sự đam mê, cái tâm cái tình của người yêu hoa đã giúp thú chơi thanh tao, trang trọng và đậm nét văn hóa truyền thống dần được khôi phục và nâng lên tầm cao mới. Trong giây phút giao thừa, khi thủy tiên nở hoa, tỏa hương thơm dịu dàng, mê đắm, được coi là hương vị độc đáo trong ngày Tết cổ truyền và cũng góp phần khơi dậy những ký ức không thể quên của người Hà thành xưa.
Theo Tin tức