Cần thay đổi chiến lược tiêm vaccine khi biến chủng mới xuất hiện
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:42, 18/01/2022
Sự xuất hiện của biến chủng mới khiến Việt Nam cần cân nhắc định hướng mới về chiến dịch tiêm phòng.
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam đến nay đã có tổng cộng 68 trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron. Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron là Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (30), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1). Tất cả đều là người trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Bộ Y tế đang tiếp tục bám sát tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra và thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cập nhật thông tin sớm nhất về biến chủng này.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng này cùng khả năng lây nhiễm lớn đang đặt ra cho chính Việt Nam nhu cầu về việc thay đổi cách thích ứng với dịch, đặc biệt là chiến lược tiêm chủng vaccine.
Xu hướng đột biến của SARS-CoV-2 và vai trò từ vaccine
Tính đến thời điểm hiện tại, 5 biến chủng của SARS-CoV-2 đã được phát hiện và cảnh báo (Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron). Trong đó, Delta và Omicron là 2 biến chủng đang chiếm ưu thế trên toàn cầu.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcook Việt Nam, Đại học Sydney, Australia, khi biến chủng Delta chưa xuất hiện, chúng ta vẫn có thể hy vọng việc bao phủ vaccine cho 80% dân số (hoặc nhiều hơn) sẽ đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi Delta xuất hiện, dù vaccine vẫn có khả năng giảm tỷ lệ tử vong, diễn biến nặng, hiệu quả hạn chế lây nhiễm đã giảm xuống. Do đó, những người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm biến chủng Delta.
“Điều may mắn là số lượng bệnh nhân diễn biến nặng đã giảm đáng kể nhờ vaccine. Tuy nhiên, sự gia tăng lây nhiễm đồng nghĩa virus vẫn còn cơ hội để nhân lên. Từ đây, Omicron đã xuất hiện với khả năng ‘kháng’ vaccine cao hơn”, vị chuyên gia nhận định.
Hiệu lực của vaccine với biến chủng Delta, Omicron theo thời gian
Theo TS Thu Anh, tốc độ đột biến của SARS-CoV-2 đã nhanh hơn các loại virus corona khác. Trong đó, xác suất để tạo ra biến chủng dễ lây nhiễm hơn nhưng "hiền" hơn Omicron là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Tuy vậy, không ai dám chắc liệu lần đột biến tiếp theo có thể tạo ra một biến chủng vừa dễ lây lan và có độc lực cao hơn hay không, dù xu hướng này rất hiếm, nhất là với SARS-CoV-2 luôn mang tới sự bất ngờ. Lúc này, chúng ta cần tránh rơi vào thế bị động, chạy theo sau virus”, bà cảnh báo.
TS Thu Anh cho rằng việc tiêm chủng vaccine cần hướng tới 3 mục đích: Giảm số ca diễn biến nặng và tử vong; giảm số ca nhiễm; đạt miễn dịch cộng đồng từ đó khiến virus biến mất hoặc Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu.
Trong khi sự thành công của mục đích đầu tiên là không phải bàn cãi, vị chuyên gia này nhận định chúng ta chỉ có thể đạt được mục đích thứ 2 khi đảm bảo toàn bộ người có nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng, tử vong được bảo vệ với vaccine. Điều này đồng nghĩa nhóm này phải được tiêm nhắc lại để luôn có đủ miễn dịch chống lại SARS-Cov-2.
Số ca tử vong trên 100.000 dân theo tuần (đã hiệu chỉnh theo tuổi) ở nhóm đã tiêm và chưa tiêm vaccine tại Chile
“Tuy nhiên, khi Omicron xuất hiện, ngay cả ở các nước phát triển, nơi có tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao, hệ thống y tế vững mạnh và năng lực điều trị tại nhà được thử thách qua những đợt dịch trước, số ca cần chăm sóc y tế vẫn tăng cao đột biến, vượt khỏi khả năng của hệ thống y tế. Do đó, chúng ta buộc phải phát triển các loại vaccine có hiệu lực cao hơn”, bà cho biết.
Về mục đích thứ 3, TS Thu Anh nhận định Việt Nam chỉ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng khi vaccine mới có hiệu lực phòng lây nhiễm cao trước biến chủng mới, hoặc kháng thể sinh ra do nhiễm Omicron đủ mạnh, duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra.
Việt Nam cần chiến lược tiêm chủng mới
Hiện nay, biến chủng Delta vẫn chiếm ưu thế tại Việt Nam, TS Nguyễn Thu Anh cho rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu về giảm ca nhiễm và trường hợp diễn biến nặng bằng kế hoạch tiêm chủng đang thực hiện, khi mũi nhắc lại được bao phủ cho người dân.
Tuy nhiên, sau khi biến chủng Omicron xâm nhập, Việt Nam cần thay đổi chiến lược và tập trung cho mục đích giảm số ca bệnh diễn biến nặng cũng như tỷ lệ tử vong.
Người dân tại TP Hồ Chí Minh được tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng Covid-19
"Mục tiêu giảm ca nhiễm sẽ không thể đạt được do biến chủng Omicron có khả năng kháng vaccine cao. Trong khi đó, việc nhiễm Omicron trên diện rộng và nhanh có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng tự nhiên. Tuy vậy, chúng ta chưa biết miễn dịch tự nhiên này sẽ duy trì được bao lâu và khi miễn dịch suy giảm, liệu sẽ có một đợt bùng dịch mới hay không. Bên cạnh đó, vì số người nhiễm Omicron rất lớn trong một thời gian ngắn, số người tử vong vì Covid-19 và các bệnh khác không được chăm sóc y tế đầy đủ cũng sẽ rất cao", TS Thu Anh nói.
Do đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh Việt Nam nên tập trung tiêm nhắc lại sau mũi 3 cho người có nguy cơ diễn biến nặng và tử vong nếu mắc Covid-19. Nhóm này bao gồm người cao tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai.
Trong khi đó, về lâu dài, ngành y tế sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và đón chờ các loại vaccine có hiệu lực cao, duy trì trong thời gian dài hơn.
TS Thu Anh cho hay: “Hiện nay, Pfizer và BioE cũng đã bắt đầu chế tạo vaccine mới, dự kiến hoàn thành vào tháng 6 tới. Trong khi đó, các nhà khoa học Nhật Bản cũng đang nghiên cứu một loại vaccine mới. Dù chưa rõ hiệu quả của các sản phẩm này như thế nào, nếu tốt, chúng ta cũng có thể cân nhắc tiếp cận”.
Còn ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia này cho rằng người dân Việt Nam vẫn nên tiếp tục nghiêm túc sử dụng khẩu trang, chú ý tạo môi trường thông thoáng khí, chủ động tự xét nghiệm và cách ly khi không may bị nhiễm SARS-CoV-2.
Theo Zing