Sau tiếng nổ khủng khiếp, núi lửa Tonga phóng điện 200.000 lần/giờ với số tia sét kỷ lục
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 18:21, 18/01/2022
Hình chụp cảnh núi lửa Tonga phun trào từ trên cao - Ảnh: REUTERS
Ngay từ đầu, tia sét của vụ phun trào ở Tonga đã được mạng GLD360 của Vaisala (Công ty đo lường thời tiết Vaisala có trụ sở tại Phần Lan) phát hiện. Mạng này sử dụng hệ thống máy thu vô tuyến phân phối toàn cầu có thể "nghe thấy" tia sét, khi có sự bùng phát dữ dội của sóng vô tuyến.
Trong 2 tuần đầu tiên lúc núi lửa Tonga chưa phun trào, đôi khi hệ thống ghi nhận vài trăm hoặc vài ngàn lần nhấp nháy mỗi ngày - không có gì bất thường. "Tôi đoán nó đang hắng giọng", ông Chris Vagasky, nhà khí tượng học và quản lý ứng dụng sét tại Vaisala nói.
Sau đó, vào sáng sớm 15.1, núi lửa đã tạo ra một vụ nổ khổng lồ. Một làn sóng xung kích phát ra từ hòn đảo, tỏa ra bên ngoài với tốc độ gần bằng tốc độ âm thanh.
Sự bùng nổ âm thanh đã được nghe thấy từ New Zealand cách đó hơn 2.100km. Đợt sóng xung kích cuối cùng truyền đi nửa vòng Trái đất đến tận Anh, nơi cách xa hơn 16.000km.
Thời điểm này, núi lửa đã tạo ra hàng chục nghìn lần phóng điện. Có lúc, ngọn núi lửa Tonga này có 200.000 lần phóng điện trong một giờ, theo tạp chí khoa học National Geographic.
Tại sao vụ phun trào này lại tạo ra số lần phóng điện kỷ lục?
Nhà nghiên cứu âm thanh núi lửa Kathleen McKee tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico (Mỹ) cho biết khi đá magma nằm ở phần vỏ Trái đất hòa lẫn với một vùng nước nông, sẽ bị đốt nóng mạnh và bốc hơi.
Lúc đó, đá magma sẽ nổ thành hàng triệu mảnh nhỏ. Càng có nhiều hạt và càng mịn, đá magma càng tạo ra nhiều tia sét.
Núi lửa phun trào ở Tonga cũng đã tạo ra sóng thần. Mặc dù là những con sóng nhỏ, chúng vẫn tràn qua đại dương rộng lớn đến các vùng của Tây Bắc Thái Bình Dương, chúng gây ra hiện tượng nước dâng cao ở các bang Alaska, Oregon, Washington (Mỹ) và British Columbia (Canada).
Đến bây giờ, câu hỏi mà mọi người muốn được trả lời: "Vụ phun trào này đã kết thúc chưa?". Nhà núi lửa học Janine Krippner tại Chương trình Núi lửa toàn cầu của Viện Nghiên cứu Smithsonian (Mỹ) nói: "Chúng tôi không biết".
Còn quá sớm để biết chắc chắn mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào sau vụ phun trào này. Vì vậy, hiện tại, mọi con mắt vẫn dán chặt vào Hunga Tonga-Hunga Ha'apai.
Các nhà khoa học khí hậu dự đoán, vụ phun trào dưới nước của núi lửa Hunga-Tonga Hunga-Ha'apai có thể làm giảm nhiệt độ trung bình 0,5⁰C ở Nam bán cầu.
Giáo sư Jim Salinger, đồng tác giả của một nghiên cứu về 6 vụ phun trào đáng kể trong thế kỷ 21, cho biết vụ phun trào của Hunga-Tonga đã bơm 0,4 teragram khí sulfur dioxide (SO2) vào tầng bình lưu - tầng thứ hai của khí quyển, có độ cao từ 10 - 50km từ bề mặt Trái đất.
Khí SO2 này sẽ chuyển hướng một số bức xạ của Mặt trời đi, làm hạ nhiệt độ bề mặt Trái đất.
Ngày 17.1, giáo sư Salinger cho biết thêm: "Những gì chúng ta có thể thấy trong hai tháng tới là cảnh hoàng hôn khá tráng lệ khi sương mù axit sulfuric (H2SO4) từ từ rơi xuống tầng bình lưu, theo Sputnik.
Theo Tuổi trẻ