Xây nhà ở xã hội cần thực chất, thực tâm
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:00, 20/01/2022
Là người từng phải thuê nhà ở trọ 8 năm, tôi cảm thấy có hy vọng vào chương trình này, nếu thực sự các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Vì sao tôi chỉ có hy vọng mà không phải nhiều kỳ vọng? Bởi thực tế việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đã được nhắc tới nhiều năm qua, được ghi vào nghị quyết của HĐND tỉnh từ lâu nhưng thực tế đã làm nhiều người thất vọng.
Theo UBND tỉnh, giai đoạn 2015-2020, Hải Dương có 2 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị đã hoàn thành đưa vào sử dụng (dự án nhà ở xã hội Tuệ Tĩnh và dự án nhà ở xã hội Đông Ngô Quyền, cùng ở TP Hải Dương) với tổng diện tích sàn 43.379 m2, đạt 7,8% chỉ tiêu đề ra trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa phục vụ cho công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung trong tỉnh còn thiếu. Nguồn cung về nhà ở cho công nhân hiện nay vừa ít về số lượng, vừa kém về chất lượng. Trong các khu công nghiệp đã thành lập hiện có 3 khu đã bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân gồm các khu công nghiệp Đại An, Tân Trường, Nam Sách với tổng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng 9,04 ha. Các khu công nghiệp Đại An, Nam Sách đã xây dựng nhà chung cư cho công nhân với tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 11.000 m2, đạt 4,6% chỉ tiêu đề ra trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhưng chưa thu hút được công nhân vào ở.
Nhu cầu nhà ở xã hội hiện rất lớn song việc xây dựng đạt thấp khiến đông đảo công nhân, người có thu nhập thấp vẫn phải ở thuê trong những căn nhà trọ chật hẹp, xuống cấp. Nhìn thẳng vào sự thật thì thời gian qua các cơ quan chức năng, doanh nghiệp chưa thực lòng quan tâm phát triển nhà ở xã hội. Dù có thể biện luận rằng còn vướng mắc này, khó khăn nọ song không thể phủ nhận là chính sách an sinh xã hội trong vấn đề nhà ở xã hội ở Hải Dương chưa được thực hiện tốt. Những cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Tôi hy vọng rằng Hải Dương sẽ rút kinh nghiệm từ hạn chế này để quyết tâm thực hiện tốt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045. Theo chương trình, đến năm 2030 tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng gần 1,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Một số giải pháp đáng chú ý để thực hiện mục tiêu trên là khi tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu, cụm công nghiệp thì phải đồng thời lập, phê duyệt quy hoạch nhà ở cho công nhân. Đối với các khu, cụm công nghiệp đã hình thành mà chưa bố trí đất xây dựng nhà ở cho công nhân thì cần rà soát, bổ sung quy hoạch, tổ chức thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất mới và yêu cầu chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp xây dựng đồng bộ khu nhà ở đáp ứng yêu cầu nhà ở cho chuyên gia, công nhân. Đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; hằng năm và cuối mỗi kỳ kế hoạch có kiểm điểm kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề ra…
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã có song quan trọng phải quyết liệt triển khai, tổ chức thực hiện. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần thực tâm, thực chất triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, bảo đảm nhà xây dựng xong phù hợp với khả năng thuê, mua của công nhân, tránh tình trạng giá “trên trời” khiến họ không mua, không thuê được. Trong quá trình thực hiện cần tích cực kiểm tra, đôn đốc, quy trách nhiệm cụ thể với tổ chức, cá nhân liên quan nếu không đạt chỉ tiêu đề ra. Có như vậy, việc xây dựng, phát triển nhà ở xã hội mới thực sự có chuyển biến tích cực, nghị quyết mới đi vào cuộc sống chứ không chỉ trên giấy.
TÍCH LỊCH HỎA