Cuộc chạy đua thời trang Tết Nguyên đán 2022
Thời trang - Ngày đăng : 16:09, 20/01/2022
Ước tính 2 tỷ người châu Á đón Tết Nguyên đán vào ngày 1.2. Từ trước đó, các thương hiệu thời trang đã bắt đầu cuộc chạy đua ra mắt các sản phẩm chủ đề con giáp. Tuy nhiên, cuộc chạy đua này để lại nhiều tác động xấu khi mặt hàng lỗi mốt bị vứt bỏ chỉ trong một năm.
Cuộc chạy đua lãng phí
Theo CNN, các mặt hàng thời trang phục vụ dịp Tết Nguyên đán không thể sống sót qua chu kỳ hàng năm. Điều này gây ra sự phẫn nộ lớn với các nhà bảo vệ môi trường. Họ tin việc mua các sản phẩm này là lãng phí và không cần thiết.
"Đặc biệt ở Trung Quốc, trong khi các nhà bán lẻ sung sướng với việc bùng nổ doanh số, chúng ta lại phải chứng kiến cuộc thanh trừng quần áo hoang phí.
Để phù hợp với truyền thống năm mới, nhiều người Trung Quốc dọn dẹp đồ cũ vào ngày xuân để loại bỏ những điều xui xẻo tích tụ trong năm", Christina Dean của CNN viết.
Các món đồ dành cho dịp Tết Nguyên đán có tuổi thọ ngắn. Ảnh: CNN
Khi nhu cầu mua sắm tăng cao, các thương hiệu từ thời trang nhanh cho đến xa xỉ cũng đều không đứng ngoài cuộc. Những bộ trang phục màu đỏ may mắn và in hình, họa tiết con giáp được tung ra để phục vụ cơn sốt ngày Tết.
Năm 2019, Louis Vuitton cho ra mắt móc khóa hình con lợn làm bằng da với giá gần 500 USD. Longchamp không kém cạnh với những chiếc túi hình lợn con. Gucci thì ra mắt chiếc ví hình lợn với logo biểu tượng của hãng.
Đó là những món đồ xa xỉ và phô trương nhưng có điểm kết thúc chung trong vòng quay ngắn ngủi. Điểm kết của chúng thường là trong tủ đồ cũ hoặc bị ném ra thùng rác khi con giáp tiếp theo xuất hiện.
Cuộc đua thời trang Tết góp thêm những chỉ số xấu xí về số liệu tiêu thụ và chất thải của ngành thời trang. Theo CNN, người tiêu dùng hiện mua nhiều hơn khoảng 60% mỗi năm. Và trong một năm, 73% quần áo được chuyển tới bãi rác. Có thể tưởng tượng cứ mỗi giây, một xe chở rác thời trang lại được chôn hoặc đốt trên toàn cầu.
Điều đó lý giải việc thời trang chiếm tới 10% lượng khí thải carbon của thế giới. Trong khi đó, 20% ô nhiễm nguồn nước công nghiệp là do nhuộm và xử lý vải.
Khác biệt năm con hổ?
Thực tế, chu kỳ các con giáp đã trở nên quen thuộc trong ngành thời trang. Đây cũng không phải lần đầu con hổ trở thành linh vật biểu tượng cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, các chuyên gia thời trang đang đặt niềm tin vào tín hiệu tích cực trong năm hổ.
"Tuổi thọ các bộ sưu tập năm nay có thể khiến chúng ta ngạc nhiên" là dự đoán của cây viết Oscar Holland.
Họa tiết hổ có thể tạo ra sự thay đổi trong cuộc đua lãng phí dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Valentino
Theo Holland, sau những con vật như lợn, chuột hay trâu, năm 2022 đón chào sự trở lại của "một nàng thơ quen thuộc" hơn - con hổ. Họa tiết hổ đã phổ biến trong giới thời trang từ lâu, trước cả khi các thương hiệu lớn bắt đầu cuộc "săn tiền" từ túi người tiêu dùng Trung Quốc.
Bộ sưu tập mới từ Gucci mang đến nhiều sự lựa chọn, dành cho cả nam và nữ, đa dạng sự tái hiện của động vật - yếu tố được Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele đẩy mạnh để phản ánh niềm đam mê với thiên nhiên.
Bản in dựa trên một thiết kế lưu trữ cuối những năm 1960 của Vittorio Accornero, mô tả con hổ trên nền cây xanh và hoa trong bảng màu phấn. Những con hổ xuất hiện trong video chiến dịch Gucci Tiger là thật, được theo dõi và bảo hộ bởi tổ chức vì quyền động vật American Human.
Trong khi đó, Ferragamo mời các nghệ sĩ Trung Quốc - Sun Yuan và Peng Yu - tạo ra bản in lấy cảm hứng từ con hổ. Nó được lồng ghép vào các phụ kiện, thể hiện sự tôn kính lịch sử lâu dài của Ferragamo trong việc hợp nhất nghệ thuật và văn hóa thế giới với thời trang. Bộ sưu tập nổi bật với túi Studio Box có họa tiết hổ toàn thân, chiếc khăn quàng cổ đặc trưng của thương hiệu.
Tuy nhiên, khi năm 2023 đến, chẳng có gì bảo đảm vòng xoáy lãng phí không trở lại. Ảnh: Gucci
Gucci, Ferragamo cũng chỉ là hai trong số nhiều thương hiệu lớn chạy theo cuộc đua thời trang Tết Nguyên đán 2022. Nhiều thương hiệu từ lớn đến nhỏ khác cũng có riêng các sản phẩm hổ của mình. Tuy nhiên, sự khác biệt đến từ con hổ và họa tiết của nó hứa hẹn tuổi thọ lâu hơn cho các sản phẩm.
"Liệu những thiết kế này có đủ sức vượt thời gian khi con hổ quay lại vào năm 2034 không? Chúng ta vẫn cần chờ xem", Holland bình luận.
Dù vậy, cây viết này thực sự đặt niềm tin vào con giáp của năm 2022. Anh cho biết hổ là loài vật được ngưỡng mộ vì sức mạnh, uy dũng. Nó cũng là con vật được yêu thích bậc nhất Trung Quốc (chỉ sau rồng). Các sọc trên trán hổ giống ký tự "wang" (là vua trong tiếng Trung). Do đó, các sản phẩm họa tiết hổ thường gợi đến cảm giác quyền lực và may mắn.
Vì thế, Holland tin nhiều khả năng các sản phẩm năm nay "sẽ tồn tại lâu hơn một chút". Dù vậy, khi năm 2023 tới, chẳng có gì bảo đảm lối mòn lãng phí của ngành thời trang sẽ không lặp lại.
Theo Zing