9 loại thực phẩm "rẻ bèo" nhưng giúp đào thải độc tố cực tốt
Ẩm thực - Ngày đăng : 22:38, 22/01/2022
Trong cuộc sống bận rộn ngày nay người ta có xu hướng ưa chuộng các loại đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn bày bán bên ngoài vì dễ ăn và tiện lợi. Nhưng tiêu thụ những loại thực phẩm này thường xuyên sẽ khiến độc tố tích tụ trong cơ thể. Khi cơ thể nhiễm độc sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như gây suy yếu hệ miễn dịch, da kém sắc và các vấn đề về tiêu hóa.
Trên thực tế, có 9 loại thực phẩm có thể giúp cơ thể giải độc, giá thành rẻ, dễ mua, bạn có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
Mướp đắng
Mướp đắng có công dụng giải độc rất tốt, nhất là thể độc do nóng trong, các dạng nhiễm độc do gan không đủ khả năng chuyển hóa. Sở dĩ mướp đắng có tác dụng này là vì mướp đắng có rất nhiều nước, nước có công dụng chuyển chất độc tới thận để thải ra ngoài. Mướp đắng lại có tính hàn, bớt sinh nhiệt, giảm nhiễm độc do nóng trong. Mướp đắng còn có tác dụng tăng cường chức năng gan, nên tăng khả năng thanh thải cho cơ thể. Mướp đắng còn có kháng sinh tự nhiên, nên có khả năng tiêu diệt các mầm bệnh gây độc.
Đậu xanh
Trong đậu xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa lành mạnh như axit phenolic, flavonoid, axit caffeic, axit cinnamic... Theo nhiều nghiên cứu, các chất chống oxy hóa này có thể làm giảm sự phát triển ung thư ở phổi và dạ dày do gốc tự do; tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, giảm tái phát u xơ tuyến tiền liệt. Hàm lượng cao chất xơ trong đậu xanh giúp hỗ trợ hệ thống tiêu hóa duy trì ổn định, giảm áp lực lên đường ruột, từ đó cũng phòng ngừa ung thư đại tràng và ung thư đường tiêu hóa.
Ngoài ra, Đông y cho rằng đậu xanh có tác dụng giải độc, lợi tiểu, khử ẩm, làm cho tinh thần sảng khoái, bổ sung năng lượng, giảm căng thẳng đầu óc, giảm áp lực cho tim.
Khoai lang
Khoai lang là thực phẩm giàu chất xơ, thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Đặc biệt, loại củ này chứa tinh bột chất lượng cao, vitamin A, β-caroten, neuregulin, có thể ức chế các chất độc hại, ngăn ngừa ung thư, thúc đẩy quá trình đào thải nhanh chất thải của cơ thể, phòng ngừa độc tố tích tụ.
Mộc nhĩ đen
Mộc nhĩ hay còn gọi là nấm mèo hoặc nấm tai mèo là một loại nấm mọc trên thân của nhiều loại cây thân gỗ khác nhau. Mộc nhĩ được sử dụng như một loại thực phẩm và dược phẩm với nhiều tác dụng như bổ huyết, thông mạch, cầm máu và cải thiện tình trạng suy nhược toàn thân.
Đặc biệt, chất keo thực vật có trong mộc nhĩ đen có sức hút và kết dính cao, có thể hút thấm hết những tạp chất còn tồn lại trong hệ tiêu hoá, giúp máu trở nên “sạch” hơn, đồng thời còn làm hạ cholesterol, phòng chống xơ cứng mạch máu.
Yến mạch
Nhiều người có thói quen ăn yến mạch như bữa sáng bởi nó giàu vitamin E, có thể ngăn ngừa lão hóa tế bào, cộng với một lượng lớn chất xơ hòa tan giúp thúc đẩy nhu động ruột, đẩy nhanh quá trình đào thải chất độc. Ngoài ra, một trong những tác dụng nổi tiếng nhất của yến mạch chính là làm giảm cholesterol trong máu.
Yến mạch được bán phổ biến trên thị trường. Bạn có thể mua loại nguyên chất để chế biến thành cháo yến mạch, bánh mì yến mạch, bánh quy yến mạch,… hương vị đều rất ngon.
Súp lơ xanh
Súp lơ xanh được coi là kẻ thù của tế bào ung thư. Trong súp lơ xanh có Sulforaphan, chất này cũng có trong các loại rau họ cải khác như bắp cải, cải xoăn và mầm cải Brussels. Các nhà khoa học nhận thấy chất này có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, nó còn là thực vật đứng nhóm đầu trong danh sách rau củ nên ăn thường xuyên bởi rất giàu thành phần indol và thiocyanate có lợi, giúp loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể, từ đó làm giảm gánh nặng cho thận, hỗ trợ và ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư.
Atisô
Atiso được coi là “thần dược” với lá gan. Trong Atiso có hoạt chất cynarin và silymarin là 2 chất chống oxy hóa có công dụng tuyệt vời trong việc phục hồi chức năng cho các tế bào của gan, giải độc gan, giúp thải các độc tố trong gan, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan như viêm gan B mãn tính, men gan tăng cao,…
Bên cạnh đó, chất cynarin có trong lá Atiso còn giúp điều tiết dòng chảy của mật trong hệ thống dẫn mật, kích thích tăng tiết mật gấp 4 lần bình thường. Cơ chế tăng tiết mật này giúp gan bài tiết chất độc và phục hồi chức năng gan tốt hơn, vì thế gan của bạn sẽ trở nên khỏe mạnh hơn.
Bắp cải
Bắp cải có đầy đủ các thành phần chống oxy hóa, giúp gan phân hủy chất béo dư thừa. Cải bắp cũng làm sạch ruột và giúp dạ dày ổn định. Tính chất kháng khuẩn của nó giúp thanh lọc toàn bộ cơ thể. Bên cạnh đó, bắp cải còn vô hiệu hóa một số chất độc hại và có tác dụng phòng chống ung thư.
Cà chua
Cà chua rất giàu lycopene (chất có trong các loại thực phẩm màu đỏ). Lycopene là một chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotene. Lycopene có tác dụng chính chống oxy hóa bảo vệ cơ thể bạn khỏi tổn thương gây ra bởi các hợp chất được gọi là gốc tự do. Khi mức độ gốc tự do tăng quá mức và vượt ngưỡng mức độ chống oxy hóa, chúng có thể tạo ra stress oxy hóa trong cơ thể bạn. Sự căng thẳng này có liên quan gia tăng một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch và Alzheimer.
Nghiên cứu cho thấy các đặc tính chống oxy hóa lycopene có thể giúp giữ mức độ gốc tự do cân bằng, bảo vệ cơ thể bạn chống lại một số trong những bệnh lý mãn tính này.
Ngoài ra, độ chua của nó còn kích thích tiết dịch tiêu hóa, tạo điều kiện cho việc loại bỏ các chất độc hại trong cơ thể. Làm nước ép hay nấu chín, bạn đều thu được những lợi ích lớn từ việc sử dụng cà chua.
Theo NĐT