Một lần là F0

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:30, 23/01/2022

Tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở khu ký túc xá Trường Đại học Hải Dương, các F0 vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, chấp hành theo hướng dẫn của các bác sĩ để sớm khỏi bệnh, được trở về với gia đình.


Bác sĩ Hoàng Trung Đức hằng ngày đi kiểm tra sức khỏe của từng bệnh nhân

Bài học cuộc sống

Vẫn biết chuyện trở thành F0 trong bối cảnh cả xã hội đang “thích ứng” như hiện nay là điều bình thường nhưng thực lòng với tôi và có lẽ là nhiều người khác khi biết mình đã nhiễm SARS-CoV-2 thì đầu tiên đều cảm thấy lo sợ. Tôi gọi điện cho người thân và một số đồng nghiệp loan báo tin. Một đồng nghiệp của tôi bất ngờ: “Sao cơ, ông là F0 á? Bốn lần ông vào tâm dịch tác nghiệp đối diện với nhiều nguy cơ thế mà có dính đâu nhỉ?”.

Tôi cũng nghĩ như bạn. Bản thân tôi đã tiêm 2 mũi vaccine Pfizer, người thuộc diện to khỏe, từng nhiều lần “tác chiến” trong các ổ dịch cả tháng trời mà không bị lây nhiễm thì làm sao tự nhiên có thể mắc Covid-19? Thế nhưng sự thật là tôi đã trở thành F0. Nó đã giúp tôi nghiệm ra rằng bệnh tật thì chẳng từ một ai, kể cả người khỏe mạnh cũng cần tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan để bản thân và những người xung quanh, rộng hơn là cả cộng đồng được an toàn. Nghĩ đến đây lại nhớ vừa có một F0 là người cao tuổi ở Thanh Miện bị tử vong do lây nhiễm virus từ người con mà tôi lo cho cả bố mẹ mình thuộc diện F1 đang cách ly ở nhà.

Chiếc xe cứu thương 115 của Trung tâm Y tế TP Hải Dương hú vang hồi còi đón tôi lên đường đi cách ly, điều trị tập trung trong tâm trạng không thể nặng nề hơn. Trên đường đi, xe qua đón thêm hai F0 khác là một phụ nữ ngoài 50 tuổi và cô con gái ở phường Thanh Bình. Đôi mắt hai mẹ con họ đượm buồn. Người mẹ bật khóc nức nở, gục đầu vào cửa kính ô tô. Cô con gái cũng sụt sùi và không ngừng an ủi mẹ. Hỏi ra mới biết người mẹ mới tiêm một mũi vaccine, lại có bệnh nền nên lo sợ. Người này còn lo cho mẹ già là F1 nguy cơ cao đang cách ly tại nhà. “Mẹ tôi còn chưa tiêm vaccine, nhiều bệnh nền. Mấy ngày nay tôi tiếp xúc với mẹ rất nhiều, nếu không may bà có làm sao thì tôi ân hận lắm”, người phụ nữ nói trong nước mắt.


Trong khu điều trị, bệnh nhân Covid-19 có thể chia thành nhóm nhỏ để đá cầu, nâng cao sức khỏe

Chia sẻ của chị khiến tôi ớn lạnh. Ớn lạnh là bởi vì cách đây mấy hôm chính mắt tôi lần đầu được chứng kiến (qua camera trực tiếp) cảnh các nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh phải vật lộn, cố gắng hết mình để cấp cứu một F0 quê ở huyện Nam Sách nhưng không thành. Bệnh nhân này tuổi chưa quá cao nhưng có bệnh nền, lại chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Các bác sĩ bảo nếu trường hợp này được tiêm đủ liều vaccine thì có thể sẽ không ra đi sớm thế. Đây có lẽ cũng là bài học quý với nhiều gia đình có người cao tuổi chưa được tiêm vaccine.

Không chỉ người cao tuổi, chưa tiêm vaccine mới dễ mắc Covid-19, kể cả người trẻ khỏe nếu chủ quan cũng có thể đối diện với nguy hiểm. Gần chục ngày trước, vào đưa tin tình hình điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Hải Dương, tôi được biết ở đó có một nam thanh niên 26 tuổi mới nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng phải thở máy dòng cao, cần tới sự chăm sóc toàn diện của các nhân viên y tế. Đáng chú ý bệnh nhân này không mắc bất kỳ bệnh lý nền nào và đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Ngày 17.1, bệnh viện này cũng đón một nam bệnh nhân mới 58 tuổi, ở TP Hải Dương, không bệnh nền, đã tiêm 3 mũi vaccine mà vẫn bị mắc Covid-19 diện nguy kịch. Một bệnh nhân nữ 42 tuổi đã tiêm 2 mũi, không bệnh nền cũng đang hôn mê, phải thở máy xâm nhập…

Chiếc xe chở nhóm 3 F0 chúng tôi qua đường Trường Chinh. Hai bên vỉa hè lúc này đã mọc lên những gian hàng bán quất, bưởi, đào, hoa tươi phục vụ người dân vui Tết, đón xuân. Hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần nên ở những gian hàng này tấp nập người bán, người mua. Còn chúng tôi, những người đã trở thành F0 thì đang phải đến khu điều trị trong khi Tết đã cận kề…


Nhiều bệnh nhân đã được xuất viện sau 10 ngày điều trị 

Tinh thần - liều thuốc quan trọng nhất

Xe đưa chúng tôi đến Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đặt tại một tòa nhà 5 tầng thuộc khu ký túc xá Trường Đại học Hải Dương. Đón tôi là bác sĩ Hoàng Trung Đức - người đã có 2 tháng rưỡi làm việc liên tục tại đây. Thấy tôi ngơ ngác, vẻ mặt âu lo, anh Đức động viên: “Có khoảng 60% số bệnh nhân khi vào đây đều mang tâm trạng như anh. Cũng có một số ca bệnh ban đầu nhẹ nhưng sau diễn biến nặng phải chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Về cơ bản hầu hết sẽ khỏi bệnh sau 10 ngày nếu tuân thủ đúng hướng dẫn của chúng tôi”.

Tôi được xếp chung phòng với 3 người khác cũng nhập viện sáng cùng ngày. Phòng khá rộng rãi, tuy không được như ở nhà nhưng cũng phần nào yên tâm. Bác sĩ Đức nhắc nhở chúng tôi một số lưu ý khi điều trị tại đây và nhấn mạnh: “Các anh phải luôn duy trì một tinh thần thật thoải mái kết hợp với hướng dẫn của bác sĩ. Đây là điều quan trọng nhất quyết định đến việc phục hồi nhanh hay chậm”, bác sĩ Đức nhấn mạnh. 

Theo bác sĩ Đức, bệnh viện này đã điều trị cho hơn 400 F0, trong đó khoảng 10% bệnh nặng. Nhiều bệnh nhân khi mới nhập viện chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng do lo sợ, tinh thần suy sụp, ăn uống, ngủ nghỉ không đầy đủ nên bệnh tình chuyển nặng phải đưa sang khu điều trị F0 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Ngược lại, không ít F0 khi mới nhập viện bệnh nặng nhưng do giữ được tinh thần lạc quan, nghe lời bác sĩ nên nhanh chóng bình phục.

Ông N.V.T. ở cạnh phòng tôi kể: “Tôi bị tiểu đường, tăng huyết áp, khi mới nhập viện sốt cao, nằm li bì 3 ngày liền, tưởng phải chuyển vào khu điều trị bệnh nhân nặng. Nghe lời bác sĩ, tôi lạc quan, uống thuốc, ăn uống đầy đủ kết hợp tăng cường tập thể dục nhẹ nhàng tại phòng nên mấy hôm sau đã khỏe lại, chắc chỉ vài ngày nữa sẽ được xuất viện”.

Đêm đầu tiên vào viện tôi sốt cao gần 38 độ, người đau mỏi ê ẩm, mất khứu giác và không chợp mắt được. Nhớ lời bác sĩ Đức, tôi cố gắng giữ tinh thần thư thái, uống thuốc, bổ sung vitamin, ăn nhiều hoa quả tươi… 2 ngày sau, tôi đã khỏe trở lại và dần bình phục. 

Ở đây sáng nào cũng vậy, cứ lúc mặt trời vừa ló rạng, nhiều F0 lại ra hành lang trước phòng tập thể dục. Có người còn mang theo loa bluetooth bật nhạc để tập thể dục nhịp điệu. Chiều tối, các F0 chia nhau thành từng nhóm nhỏ xuống sân giữ khoảng cách chơi đá cầu, đá bóng, đi bộ... Một bé gái 6 tháng tuổi mắc Covid-19 được mẹ bồng trên tay cười nắc nẻ mỗi khi thấy mấy thanh niên chuyền bóng dưới sân. Mọi người nói chuyện rôm rả, sự âu lo trong tôi và những F0 mới nhập viện cũng dần tan biến. 

Loa truyền thanh trong bệnh viện ngày phát 5-6 lần nhắc nhở các F0 cần giữ tinh thần lạc quan, chấp hành nghiêm quy định của bệnh viện. Các bác sĩ không kể ngày đêm thường xuyên đến từng phòng thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn, nhắc nhở F0 uống thuốc, tăng cường dinh dưỡng… Bác sĩ Đức còn lập nhóm “Khu điều trị dã chiến” trên Zalo để thông báo những thông tin cần thiết. Đây cũng là địa chỉ để tôi và các F0 khác trò chuyện, động viên, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bản thân. Mọi người chia sẻ đồ ăn, nước uống tạo nên sự đoàn kết, gắn bó. Không khí ấm áp ấy chẳng khác nào liều thuốc tinh thần, tạo động lực cho F0 chúng tôi vượt qua khó khăn, tự tin chiến thắng bệnh tật.

Hóa ra, trong khu chăm sóc, điều trị F0 không u ám như tôi nghĩ, trừ những nơi điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Điều trị tại đây đối với tôi và nhiều F0 khác sẽ có khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi, tạm quên đi những lo toan cuộc sống thường ngày. Tôi đã sống chậm lại, chiêm nghiệm những gì đã làm được, chưa làm được trong cuộc sống, rút ra những bài học cho bản thân để hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong tương lai...

Tầm 8 giờ sáng hằng ngày, loa truyền thanh bệnh viện lại đọc tên những F0 điều trị được 10 ngày xuống xét nghiệm lần cuối để ra viện. Đây là lúc mà F0 nào cũng rất háo hức. Họ hò reo khi biết mình âm tính. Chiếc xe cứu thương 115 từ từ lăn bánh chở họ về với gia đình. Những tràng pháo tay, những lời chúc mừng chia vui của những người ở lại dành cho F0 khỏi bệnh mang lại bầu không khí thật đặc biệt…

MẠNH TIẾN