Chiến thuật du học kiểu "con nhà nghèo" của cô gái 9X
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:32, 26/01/2022
Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở xã Bình Hòa, Krông Ana, Đắk Lắk, 18 tuổi, Bùi Thị Thanh Linh (sinh năm 1990) một mình khăn gói xuống theo học ngành kế toán tại Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Là cô gái chưa từng một lần bước ra khỏi vùng quê nghèo ở Đắk Lắk, với Thanh Linh khi ấy, đây là nơi có quá nhiều thứ mới mẻ và xa lạ.
“Vào đại học, điều đầu tiên tôi gặp phải chính là cú sốc về văn hóa. Việc hòa nhập với mọi thứ đều rất khó khăn. Ngay cả những thứ đơn giản nhất như trình chiếu slide, sử dụng email hay USB, tôi cũng chưa từng được tiếp xúc qua. Suốt 1 tháng đầu tiên, tôi sống trong sự lạc lõng và đấu tranh tư tưởng rất nhiều về việc có nên tiếp tục theo học hay không.
Nhưng không còn đường lùi, tôi chỉ có thể cố gắng “sống sót” trong môi trường này chứ không thể quay về Tây Nguyên vì sợ ba mẹ lo lắng và buồn lòng. Cuối cùng, tôi buộc bản thân mình phải thay đổi”, Linh nhớ lại câu chuyện của mình ở thời điểm hơn chục năm về trước.
Để “ép” bản thân có thể hòa nhập với mọi người, Linh xung phong làm cán bộ lớp.
Ở thời điểm đó, ngoài khoản nợ của gia đình, chi phí để nuôi 2 cô con gái cùng theo học đại học đều phụ thuộc vào việc làm rẫy của ba và gánh hàng bán mắm muối ngoài chợ của mẹ. Để có thể trang trải việc học hành cho con, ba mẹ Linh phải nhờ đến ngân hàng chính sách cho vay học phí với mức 1,8 triệu/ năm cùng các khoản chi phí phát sinh khác.
Thanh Linh là cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh
Một khó khăn nữa Linh gặp phải là việc học ngoại ngữ. Đây quả là thách thức lớn với một cô gái miền núi, khi trình độ tiếng Anh chỉ dừng lại ở lượng từ vựng ít ỏi và ngữ pháp cơ bản. Trong bài thi tiếng Anh đầu tiên ở bậc đại học, Linh trượt môn vì không thể trả lời bất cứ câu hỏi nào trong phần kỹ năng nghe.
Không đủ tiền để theo các trung tâm tiếng Anh đắt đỏ, cuối tuần, cô gái Đắk Lắk lại đạp xe cả tiếng đồng hồ tham gia các lớp học tiếng Anh miễn phí ở Nhà Văn hóa Thanh niên, hay ra các công viên xung quanh quận 1 để có thể bắt chuyện với người nước ngoài. Cũng nhờ thế, khả năng tiếng Anh của Linh dần cải thiện, sau đó nhận được học bổng khuyến khích của trường dành cho sinh viên khó khăn.
Thanh Linh dẫn bố đi du lịch tại Canada
Những nỗ lực ấy cũng đã giúp Linh hoàn thành 4 năm đại học, sau đó tìm được công việc kế toán đầu tiên chỉ sau 1 tháng ra trường.
Cô gái sinh năm 1990 quyết định sẽ bám trụ lại TP Hồ Chí Minh dù mức lương khi ấy bọt bèo “chỉ đủ để lo cho bản thân chứ không dám nghĩ tới điều gì khác”.
“Trong suốt 4 năm sau khi ra trường, mặc dù tiền lương cũng tăng theo thời gian, nhưng tôi vẫn giữ thói quen dành dụm, không dám tiêu xài gì, thậm chí còn chi tiêu tiết kiệm hơn thời sinh viên do được công ty trợ cấp ăn trưa.
Cũng nhờ gần 4 năm làm việc vất vả đó, cả việc vượt qua những cám dỗ, thậm chí còn hạn chế đi cà phê, mua quần áo, du lịch, tụ tập cùng bạn bè, tôi cũng đã tích góp cho mình được một chút ít. Lúc đó, luôn có một suy nghĩ thôi thúc tôi phải tiếp tục tiến lên và cần thay đổi mình để có một tương lai tốt hơn”, Linh nói.
Ở thời điểm ấy, Linh vẫn chưa dám nghĩ tới chuyện đi du học vì cho rằng “du học chỉ dành cho con nhà giàu”. Nhưng rồi, chị gái hơn Linh 2 tuổi sau khi được nhận làm giảng viên tại Trường Đại học Tây Nguyên, đã giành học bổng toàn phần đi du học Úc bằng chính năng lực của bản thân. Chính điều đó đã trở thành động lực và quyết tâm thôi thúc cô gái trẻ cũng ấp ủ giấc mơ đi ra nước ngoài.
“Sau đó, tôi tìm kiếm rất nhiều thông tin và vô tình biết được chương trình du học dành cho “con nhà nghèo” do Chính phủ Canada triển khai. Với chương trình này, sinh viên chỉ cần bảo đảm có khoảng 10.000 CAD (180 triệu) tại ngân hàng Canada, nộp đủ 1 năm học phí (khoảng 300 triệu) cùng IELTS 5.0 thì có thể đi được. Tôi biết, đây là cơ hội dành cho mình”.
Để có đủ tài chính đi du học khi bố mẹ không thể hỗ trợ, Linh quyết định “liều” gom góp hết khoản tiền tích lũy sau khi đi làm được hơn 250 triệu đồng, tìm mua một mảnh đất tiềm năng tại Đắk Lắk với giá 210 triệu. Số tiền còn lại, Linh dùng để làm hồ sơ du học, trả tiền vé máy bay và trang trải cuộc sống trong thời gian đầu ở nơi đất khách.
“Khi ấy, tôi nghĩ rằng, dù có chuyện gì xảy ra, mình cũng còn lô đất để trả nợ. Vậy là tôi gom góp hết số tiền tiết kiệm còn lại, tiền bảo hiểm thất nghiệp cộng thêm tiền đi vay mượn khắp nơi với lời hứa, nếu không trả được nợ sẽ trả bằng đất,… cũng vừa đủ số tiền đi du học”.
Linh cùng các bạn trong lớp tại Humber College (Canada)
Đầu năm 2018, Linh lên đường sang Canada du học theo chương trình CES. Sau khi chi trả các khoản phí, tiền cũng đã cạn dần. Những ngày tháng sau đó, Linh nói mình đã phải rất chật vật để có thể tồn tại ở nơi đất khách, thậm chí từng có lúc hoài nghi về quyết định của bản thân.
“Mỗi khi đi chợ, tôi thường có thói quen quy đổi sang tiền Việt Nam. Có những khi mua một mớ rau giá 2 CAD, cũng tận gần 40.000 đồng, tôi lại cảm thấy rất xót tiền. Thế nên, khi mới sang, tôi cũng khá nóng lòng muốn đi làm thêm để trang trải sinh hoạt phí. Tôi cũng chọn ở ghép gần trường để vừa bớt tiền thuê nhà, vừa đỡ mất tiền di chuyển bằng xe bus”.
Sau 5 tháng ở Canada, cô gái Việt bắt đầu được đi làm thêm khoảng 20 tiếng/ tuần. Linh nhận làm thêm đủ nghề, từ bưng bê tại nhà hàng, làm ở thư viện sách của trường, cho đến bán hàng trong siêu thị,...
Có những ngày sau khi học xong buổi sáng, chưa kịp nghỉ ngơi, Linh lại chạy vội về nhà trọ, thay đồ rồi tiếp tục đi làm cho kịp giờ. Hay có những hôm làm ca đêm tới gần 12 giờ, về đến nhà cũng 1 – 2 giờ sáng, lại lao vào hoàn thành bài tập trên trường. Số tiền đi làm thêm nhận được vừa đủ để Linh có thể trang trải tiền ăn, tiền nhà.
Về vấn đề học phí, nữ sinh Việt cũng mày mò tìm kiếm những khoản học bổng đầu vào của trường để giảm bớt gánh nặng tài chính. Cùng với số tiền bán đất sau khi ra trường và thu nhập từ công việc tại công ty mình thực tập, Linh đã có thể tự trang trải mọi thứ và trả hết nợ mà không để bố mẹ phải bận lòng.
Hơn 3 năm sau ngày “bước ra thế giới”, hiện cô gái người Việt là chuyên viên cao cấp tài chính-kế toán tại một công ty lớn vốn được nhiều người mơ ước.
Giờ đây, khi nhìn lại hành trình của mình, Linh cho rằng: “Nếu không nghèo về ý chí, cứ kiên trì và tập trung làm mọi thứ thật tốt ở thời điểm hiện tại, cơ hội cũng sẽ đến. Bởi lẽ, cứ bước chân đi là sẽ có đường; rồi sau cùng, con đường nào cũng sẽ dẫn đến thành Rome’’.
Theo Vietnamnet