"Thảm họa" nơi công cộng
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:08, 27/01/2022
Đến hẹn lại lên, Tết luôn là khoảng thời gian lý tưởng cho việc tô điểm, làm đẹp không gian công cộng, đặc biệt là tại khu vực trung tâm của những đô thị lớn. Thế nhưng đáng buồn thay - và cũng chẳng còn lạ lẫm, khi ở nhiều nơi, “làm đẹp” đâu chẳng thấy, chỉ thấy một sự bôi bác, nhếch nhác đến… ngán ngẩm.
Cứ nhìn vào một số “công trình thành quả” gần đây thì thấy. Trong khi người xem còn chưa hết “ngỡ ngàng, ngơ ngác, ngã ngửa” với những con hổ “chẳng giống ai” trong tiểu cảnh gia đình hổ chào năm mới 2022 tại khu hành chính tỉnh Bạc Liêu thì đã lại va ngay phải đàn hổ trang trí “gầy trơ xương, tiều tụy”, họa tiết vằn đen giống… ngựa vằn ở tỉnh Phú Thọ. Có cố hình dung cũng chẳng thể tìm đâu cho thấy vẻ uy nghi của mãnh hổ. Chắc chúa sơn lâm cũng phải khóc thét!
Không chỉ đơn giản là chuyện gây cười, hài hước mà thậm chí, nó đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận và giới chuyên môn. Để rồi “Xuân này lại nhớ Xuân qua”. Câu chuyện Tết năm ngoái với hình ảnh Suối hoa tạo hình phản cảm ở Quảng Trường 24/3, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hẳn vẫn còn khiến nhiều người chưa thôi ám ảnh đến tận bây giờ.
Đâu sẽ là thước đo giá trị thẩm mỹ cho những tạo hình, biểu tượng đặt nơi công cộng?
Nghệ thuật không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan mà còn tạo nên hình ảnh, nét đặc trưng của địa điểm, nơi chốn mà nó hiện diện. Những tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng cũng góp phần làm nên sự năng động, tươi mới trong đời sống tinh thần của không gian đó. Thế nhưng, trưng bày ở nơi công cộng thì nguyên tắc thẩm mỹ phải được đặt lên hàng đầu và hơn cả - phải phù hợp với thẩm mỹ, quan niệm về cái đẹp chung của phần đông mọi người.
Không gian công cộng chính là điểm nhấn của một đô thị, góp phần tôn vinh giá trị chính trị, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, không ít công trình công cộng lại gây lãng phí tiền của, công sức mà không đem lại hiệu quả về nghệ thuật, văn hóa, thẩm mỹ nếu không muốn nói là tạo “hiệu ứng ngược” với sự phản cảm đến độ… bức xúc.
Có thể nói đây là một sự tùy tiện, tùy tiện giao cho người thực hiện mà không có sự hiểu biết cơ bản về mỹ thuật, tùy tiện sao chép, tùy tiện sáng tạo… Và chính sự tùy tiện đó đã khiến không ít các biểu tượng hay công trình kiến trúc tại các không gian công cộng trở nên lố bịch, thậm chí làm sai lệch hoàn toàn ý nghĩa vốn có của nó.
Trở lại với câu chuyện đàn hổ trang trí tại tỉnh Phú Thọ, dù sau đó chính quyền địa phương đã đưa “đàn hổ” thiếu tính thẩm mỹ này đi sửa chữa, cải tạo lại, nhưng rõ ràng biểu tượng linh vật của năm mới này đã khiến người xem phải “dở khóc, dở cười”. Thêm một lần cẩu thả, thêm nhiều lần tốn kém…
Đã đến lúc cần phải có một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía các nhà quản lý với việc trang trí không gian công cộng. Mọi hoạt động liên quan đến chuyên môn mỹ thuật, cho dù diễn ra nhỏ lẻ trong một cộng đồng dân cư cũng cần được xây dựng trên một nền tảng ý thức với những quy định hết sức chặt chẽ và đầy đủ.
Đừng chỉ nghĩ cứ đặt vài bức tượng, cứ vẽ hay trang trí lên tường là thành nghệ thuật. Trách nhiệm của các nhà quản lý đô thị khi đưa mỹ thuật đến nơi công cộng ngoài đẹp, có thẩm mỹ, có văn hoá thì còn phải phù hợp, làm sao để không ảnh hưởng đến môi trường văn hoá của không gian chứa tác phẩm ấy. Bởi nếu không, những hình ảnh phản cảm, lố bịch ấy sẽ chỉ càng làm cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, lem nhem mà thôi.
Có vẻ như chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng chung đủ tầm và quyền lực về quản lý đô thị, dẫn đến những hình ảnh “cười ra nước mắt” như thời gian qua. Điều gì sẽ xảy ra nếu cứ để nghệ thuật công cộng tự phát theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay?
Xin đừng để sự cẩu thả của bất kỳ ai đó khiến cho những công trình công cộng mất đi giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa vốn có. Hãy để cái Đẹp thực sự lên ngôi…
Theo VOV