Cách bày mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ ngày Tết
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 28/01/2022
Trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu để dâng cúng thần linh, tổ tiên, mang ý nghĩa báo hiếu cũng như ước mong về những điều tốt lành.
Nhiều người tin rằng mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương-ngũ hành, cầu tài cầu phúc nên bỏ ra rất nhiều tiền để có được mâm ngũ quả không đụng hàng, hợp phong thủy với hy vọng năm mới sẽ làm ăn phát đạt.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Đình Hải (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người Việt Nam), mâm ngũ quả không tượng trưng cho âm dương- ngũ hành. Cho đến nay chưa có ghi chép nào về mâm ngũ quả trong thư tịch liên quan đến phong thủy, địa lý, thuyết âm dương hoặc kinh sách của Nho giáo, Đạo giáo...
Mâm ngũ quả một gia đình tại miền Nam. Ảnh: Đỗ Quang
Nguồn gốc, ý nghĩa của ngũ quả được ghi chép và giải thích trong kinh Vu Lan (Vu Lan bồn kinh). Đó là 5 loại trái cây mà các tì khưu phải nấu chín hoặc gọt vỏ mới được ăn. Thứ nhất là loại quả có hạt như táo, hạnh, đào, mận. Thứ hai là loại quả có da như dưa, lê, dâu. Thứ ba là loại quả có vỏ như dừa, hồ đào, thạch lựu. Thứ tư là loại quả có vỏ sần sùi như tùng, bách. Thứ năm là loại quả có góc cạnh như ấu, các loại đậu lớn nhỏ...
"Năm loại trái cây trên đây vốn được dùng để cúng dàng (cúng dường) trong pháp hội Vu lan bồn, sau dùng để cúng trong nghi lễ thờ Phật, rộng ra là trong lễ tiết cúng tế nói chung", ông Hải nói.
Nhà nghiên cứu chia sẻ, nhiều tư liệu ghi trong khoảng thế kỉ V, VI hoặc VII trước Công nguyên cho thấy khi Đức Phật tại thế ở Ấn Độ đã có tục cúng dàng ngũ quả. Ở Trung Quốc, truyền thuyết cho rằng thế kỉ VI sau Công nguyên, vua Vũ Đế nhà Lương là người đầu tiên tổ chức lễ Vu Lan, sau đó thời Đường, thời Tống thịnh hành rồi lan tỏa ra dân chúng và dùng trong nghi lễ cúng dường nói chung. Vào dịp Tết, các nước có Phật giáo thịnh hành thường bày mâm ngũ quả dâng tiến Phật tăng và tiên tổ.
"Bởi vậy, ý nghĩa sâu xa nhất của mâm ngũ quả là nói về đạo hiếu. Mâm ngũ quả là phẩm vật trang trọng nhất trên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết. Điều đó cho thấy người Việt Nam đặc biệt coi trọng đạo hiếu", ông Hải nói. Theo vị chuyên gia này, xưa kia mọi người thường bày hoa quả hái từ vườn nhà, những loại quả thơm ngon nhất do mình trồng được để dâng cúng tổ tiên với tất cả lòng hiếu kính.
Như vậy, mâm ngũ quả ngày Tết có nguồn gốc từ tôn giáo, tín ngưỡng. Nhưng có thể do ít người biết, ít được nhắc đến nên nó bị "dân gian hóa" đến mức nhiều tưởng lầm là một tập quán dân gian. Và cũng theo đó, cách hiểu về mâm ngũ quả hiện nay mỗi nơi một khác, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và quan niệm văn hóa mà có sự thay đổi phù hợp; khiến cho "văn hóa mâm ngũ quả" ngày càng phong phú, đa dạng cả về cách giải thích nguồn gốc, ý nghĩa, thậm chí là vay mượn gán ghép với âm dương-ngũ hành. Nói ngũ quả là liên hệ với ngũ hành: phải bày 5 loại quả màu sắc khác nhau, tượng trưng cho năm yếu tố ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), là 5 yếu tố cấu thành của vũ trụ.
Từ Bắc vào Nam, mỗi người, mỗi gia đình thường tùy theo sở thích và quan niệm của mình mà lựa chọn hoa quả. Các loại trái cây bày trên mâm ngũ quả đa dạng, mang đậm đặc sắc văn hóa bản địa và thể hiện ước vọng của chủ gia đình về sự bình yên, hạnh phúc. Mỗi loại quả được chọn dâng lên ban thờ thường gắn với một ý nghĩa tượng trưng, gắn với quan niệm "ngũ quả đại biểu cho ngũ hành" và sự suy diễn về ý nghĩa màu sắc của ngũ hành. Chẳng hạn, màu xanh tượng trưng cho sự cân bằng, bình yên. Màu đỏ (hoặc màu cam) tượng trưng cho sự may mắn. Màu vàng tượng trưng cho phát tài phát lộc...
Đặc tính vùng miền thể hiện rất rõ trên mâm ngũ quả của các gia đình. Người miền Bắc bài trí mâm ngũ quả bằng chuối xanh, bưởi (hoặc phật thủ), đào, hồng và cam quýt. Người miền Nam bày ngũ quả không thể thiếu xoài, cam, dứa (trái thơm), đu đủ, sung, mãng cầu, dưa hấu... Và đúng như đặc trưng của văn hóa dân gian, tên các loại quả được ví von cho dễ nhớ và gắn với mong ước, quan niệm về cuộc sống của gia đình, khu vực dân cư, phổ biến nhất là: Cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), sung (sung túc, giàu có), xài (xoài)... Dễ dàng nhận thấy ước vọng giản dị của bà con "mong (năm mới) vừa đủ sung túc, đủ ăn đủ tiêu".
Người dân ở miền Trung bày mâm ngũ quả có phần đơn giản hơn, có lẽ do điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng vùng này khó trồng được các loại quả đa dạng như hai miền Nam-Bắc. Mâm ngũ quả chủ yếu có dưa hấu, cam, hồng, đu đủ, bưởi, quýt...
Nhìn chung, tuy có nhiều thay đổi về hình thức nhưng ý nghĩa xuyên suốt của tập quán bày mâm ngũ quả trên bàn thờ trong ngày tết vẫn được gìn giữ, thể hiện sự thành tâm, tôn kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc.
"Bởi vậy không nên quan niệm rằng phải mua những loại quả nhập khẩu, đắt tiền, phải đủ 5 loại, đủ 5 màu mới nhiều lộc. Sự chân thành, hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên, cha mẹ mới là mâm ngũ quả đẹp nhất", ông Hải nói.
Bàn thờ ngày Tết
Đối với người Việt, bàn thờ là không gian trang trọng, thanh tịnh, thiêng liêng nhất trong gia đình. Bàn thờ như là nhịp cầu vô hình kết nối giữa hai cõi âm dương, là sự giao thoa giữa đất và trời, giữa thần phật với con người, giữa các thế hệ con cháu với gia tiên tiền tổ.
Bàn thờ ngày Tết của một người dân tại thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Theo ông Hải, bàn thờ phải là trung tâm trong việc trang hoàng gia đình ngày Tết, là nơi trưng bày những sản vật quý giá, đẹp đẽ nhất của gia chủ. Lấy bát hương (nhang) và mâm ngũ quả làm tâm điểm, xung quanh ban thờ có thể trang trí bằng đèn nến, hoa quả, tranh tượng, hoành phi, câu đối... sao cho trang nghiêm, ấm áp, rực rỡ.
"Tùy vào gia cảnh của mỗi gia đình mà có cách bày trí riêng. Bất kỳ loại hoa quả, phẩm vật nào, dù là hoa quả tươi hay được làm bằng các chất liệu khác cũng đều có thể dâng lên bàn thờ. Điều quan trọng nhất là gia chủ dâng lên, trang hoàng với tất cả sự thành thật, hiếu kính, ngưỡng vọng đối với thần phật, đối với tổ tiên mình", ông Hải nói.
Dọn dẹp bàn thờ ngày Tết
Có thể bao sái (lau dọn) bàn thờ (gia tiên, thần linh) vào bất kỳ ngày nào có thể, không cần chọn ngày chọn giờ. Quan trọng nhất là người bao sái phải làm việc với tất cả tình cảm trân trọng, kính ngưỡng; phải coi việc bao sái ban thờ giống như nâng niu, chăm lo cho chính bản thân mình, luôn tâm niệm là làm cho ban thờ thanh tịnh, linh thiêng.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, người bao sái, trang trí ban thờ cần chuẩn bị đầy đủ tất cả những dụng cụ dành riêng và sạch đẹp nhất để sử dụng. Trước khi bao sái ban thờ cần tắm gội sạch sẽ, làm cho bản thân mình thanh tịnh; trong quá trình làm việc luôn tập trung, chuyên tâm, không cười đùa hoặc nói năng, quát tháo bừa bãi, thậm chí văng tục.
Ban thờ sau khi bao sái và trang trí xong phải đạt các yêu cầu: sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, trang nghiêm, rực rỡ; để khi thắp hương, hành lễ trước ban thờ mọi người đều cảm thấy được sự linh thiêng, thành kính. Ban thờ thể hiện rõ nét nhất cái tâm, quan niệm và văn hóa của gia chủ.
Vì lẽ đó, hầu hết các gia đình đều chọn ngày giờ tốt, mua sắm nước thơm và những vật dụng sạch sẽ nhất để bao sái ban thờ, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Theo VnExpress