Hàng loạt công nghệ cho đô thị thông minh

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 13:11, 30/01/2022

Nhiều giải pháp, công nghệ phục vụ xây dựng đô thị thông minh đã được các công ty công nghệ công bố cũng như giành nhiều giải thưởng trong năm 2021 và đầu năm 2022.

Giải pháp Trung tâm điều hành thông minh VNPT IOC

Chiều 11.12.2021, Giải pháp Trung tâm điều hành thông minh VNPT IOC của Tập đoàn VNPT đã giành giải Bạc tại Lễ công bố và trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021 trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Không còn xa lạ với các thành phố thông minh và từng được các chuyên gia đầu ngành xếp hạng 5 sao, VNPT IOC là "bộ não số" không thể thiếu trong Chính phủ số, chính quyền số nhiều địa phương. Giải pháp hiện đã có mặt trên 32 tỉnh, thành phố và được xây dựng dựa trên việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

VNPT IOC cho phép thực hiện phân tích dữ liệu lớn để đưa ra các cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bảo đảm tính chân thực, chính xác, minh bạch… Khi hoạt động, IOC vận hành hơn 10 dịch vụ về giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, dịch vụ kết nối người dân - chính quyền; lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch; camera an ninh thông minh, camera an toàn giao thông và thông tin trên mạng xã hội…

Trong đại dịch Covid-19, VNPT IOC có ý nghĩa quan trọng với các đô thị thông minh khi đưa ra dự đoán, giám sát, thực thi nhiều giải pháp phòng chống dịch hiệu quả và giúp phục hồi kinh tế sau dịch.

Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động tòa án

Ngày 8.1 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân tối cao. Đây là một trong những hệ thống trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tòa án, hướng đến xây dựng tòa án điện tử. Cùng với đó, phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ cho thẩm phán và nền tảng xét xử trực tuyến cũng đã được Viettel cùng Tòa án Nhân dân tối cao đưa vào triển khai phục vụ hoạt động nghiệp vụ.

Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân là bộ não số của tòa án. Nền tảng này tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong toàn bộ ngành tòa án với các phần mềm điều khiển trung tâm, bảo đảm vận hành thông suốt, công khai, minh bạch, dễ dàng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của các tòa án nhân dân. Dự án do Viettel phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao thiết kế, xây dựng, tích hợp và triển khai, giúp theo dõi, giám sát, điều hành hoạt động của gần 770 tòa án nhân dân trên toàn quốc.

Nền tảng xét xử trực tuyến là một trong những giải pháp hiệu quả giúp khắc phục những khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Còn hệ thống phần mềm trợ lý ảo có khả năng thực hiện các yêu cầu tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng dựa trên câu hỏi, khẩu lệnh của thẩm phán nhằm hỗ trợ công tác tra cứu và ra quyết định chính xác, rút ngắn thời gian xử lý vụ việc.

Nhiều giải pháp của FPT được xếp hạng 5 sao

Tại giải thưởng Smart City 2021 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hồi cuối tháng 12-2021, 4 nền tảng, giải pháp công nghệ của Tập đoàn FPT được vinh danh, gồm: hệ sinh thái ứng dụng quản lý thông tin trong nhà máy - akaMes; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (FPT.iPect); FPT Camera và trục chuyển mạch thông tin y tế - FPT.HIE. Trong đó, akaMes, FPT.iPect và FPT Camera là các giải pháp công nghệ số xuất sắc nhất, được xếp hạng 5 sao.

akaMes là hệ sinh thái bao gồm những ứng dụng để quản lý thông tin trong nhà máy từ khi tập hợp nguyên liệu, gia công... cho đến khi hoàn thành sản phẩm và xuất bán cho khách hàng. Theo tính toán của FPT, giải pháp này góp phần giảm 70%-80% lượng giấy tờ, tăng hiệu quả công việc từ 30%-40%, tiết kiệm 20-30% chi phí.

FPT.iPect tự động phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua phân tích dữ liệu từ camera lắp đặt trên tuyến đường.

FPT Camera là giải pháp camera an ninh đồng bộ về hệ thống, toàn diện về giải pháp cho phép lưu trữ, giám sát quản lý dữ liệu trên nên tảng điện toán đám mây, đem tới một dịch vụ tiện lợi - thông minh, hỗ trợ giám sát an toàn và bảo mật thông tin.

FPT.HIE giúp giải quyết hai bài toán trọng yếu của ngành y tế hiện nay là dữ liệu và nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin y tế.

Nền tảng chính quyền số toàn diện đầu tiên

Ngày 17.12.2021, nền tảng Chính quyền số tỉnh Tiền Giang đã chính thức được khai trương. Là một hệ sinh thái thống nhất, có tính liên kết, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với kiến trúc mở cho phép các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia kiến tạo, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đây là nền tảng chính quyền số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam.

Với sự hợp tác giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn VNPT, đến nay, VNPT đã quang hóa 100% hạ tầng đường truyền; hệ thống quản lý văn bản và điều hành phủ rộng đến các sở - ngành, huyện, thị, thành phố và 172 xã, phường, thị trấn, giúp tiết kiệm chi phí trên 40 tỉ đồng. Ngoài ra, 100% bộ thủ tục hành chính đạt từ mức độ 2 trở lên, trên 90% thủ tục hành chính đạt mức độ 3 và 4… 

Hơn 200 camera an ninh và camera giao thông được lắp đặt để giám sát và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông; hệ thống wifi thông minh phục vụ du lịch; xây dựng các lớp bản đồ số hóa các đối tượng cần quản lý như: giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp…

Theo Người lao động